Đồng Thịnh - Nơi diễn tập thực binh đánh 'tập đoàn cứ điểm'

Xã Đồng Thịnh (Định Hóa) – mảnh đất mang nhiều chứng tích lịch sử hào hùng, là nơi được chọn diễn tập thực binh đánh 'tập đoàn cứ điểm' năm 1953 - bước chuẩn bị quan trọng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Xã Đồng Thịnh (Định Hóa) - mảnh đất mang nhiều chứng tích lịch sử hào hùng, là nơi được chọn diễn tập thực binh đánh “tập đoàn cứ điểm” năm 1953 - bước chuẩn bị quan trọng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Về Đồng Thịnh hôm nay, cánh đồng Bản Soi (tái hiện cánh đồng Mường Thanh) xanh mướt lúa. Cạnh đó, suối Đồng Thịnh (tái hiện sông Nậm Rốm) rì rầm chảy dưới cầu Đèo Tọt (tái hiện cầu Him Lam). Tất cả đều đầy tràn sức sống cho một Đồng Thịnh đổi thay.

Cánh đồng Bản Soi xanh ngát màu lúa đương thì con gái.

Lịch sử ghi khắc trong tim

Năm nay 69 tuổi, ông Hoàng Văn Tô, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh (sinh sau thời điểm diễn tập thực binh năm 1953 nhiều năm) nhưng ông vẫn ghi khắc trong tim những câu chuyện lịch sử về trận đánh hào hùng. Ông bảo: Không trực tiếp chứng kiến, nhưng tôi và rất nhiều người dân Đồng Thịnh được các thế hệ đi trước kể lại về trận đánh. Đó là khoảng cuối năm 1953, chính quyền vận động người dân giữ bí mật, đi sơ tán để giúp bộ đội đánh trận giả. Thời điểm đó, người già, phụ nữ, trẻ em đi sơ tán sang lán ở các đồi rừng thuộc xã Bảo Linh, mang theo cả trâu, bò và lương thực.

Đầu tháng 7-1953, tại Định Hóa, Bộ Tổng tham mưu tổ chức Hội nghị nghiên cứu đánh công sự mới, đánh tập đoàn cứ điểm. Sau khi thảo luận, Hội nghị đã chọn Trung đoàn 102 thuộc Đại đoàn quân tiên phong 308 tổ chức diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm và quyết định chọn địa điểm 3 xóm: Bản Soi, Đèo Tọt, Đồng Làn, xã Đồng Thịnh là nơi bố trí công sự trận địa của “địch”.

Công tác giáo dục truyền thống cách mạng luôn được xã Đồng Thịnh chú trọng. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Đồng Thịnh tìm hiểu truyền thống cách mạng tại Di tích lịch sử Bản Soi.

Cánh đồng Bản Soi là nơi bố trí trung tâm sở chỉ huy, các ụ súng của địch, được nối với nhau bằng giao thông hào. Từ sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm đến hệ thống hầm, lô cốt đều được đào, đắp, lát hầm bằng gỗ, vầu. Chuẩn bị trong một tuần, nhưng trận diễn tập thực binh chỉ diễn ra trong hai ngày đêm. Ông Lương Công Phi, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Đồng Thịnh, cho biết: Tôi được các cụ kể lại là khu Bản Soi trước kia là bãi sim, mua, nhiều năm sau vẫn còn hầm hào.

Trận diễn tập thực binh được coi là bước tập dượt quan trọng và chuẩn bị kỹ càng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thành công của cuộc tập trận đã góp phần quan trọng vào quyết định lịch sử ngày 6/12/1953. Tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa), Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo đã nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và cử Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng chiến dịch.

Vững bước đi lên

Hơn 70 năm đã trôi qua, vùng đất Đồng Thịnh nay đã “thay da đổi thịt”. Đường giao thông được cứng hóa. Nhiều ngôi nhà khang trang xây dựng bên cánh đồng Bản Soi… Đến nay, Đồng Thịnh có 100% đường trục xã, liên xã, trục xóm, liên xóm, ngõ xóm đi lại thuận tiện, 100% hộ được sử dụng điện thường xuyên an toàn, 100% các xóm có nhà văn hóa đảm bảo sinh hoạt cộng động, 3/3 trường học đạt chuẩn Quốc gia.

Đường giao thông trên địa bàn xã Đồng Thịnh đang được đầu tư xây dựng.

Là xã thuần nông, Đồng Thịnh tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong lĩnh vực trồng trọt, UBND xã đã chủ động nắm bắt thời cơ tập trung chỉ đạo, huy động nguồn lực đất đai và chuyển dịch cơ cấu cây trồng đảm bảo mọi điều kiện cho sản xuất phát triển. Ngoài 233ha lúa là cây trồng chủ lực, xã tăng cường thâm canh tăng vụ gần 100ha chè, rau màu; chăn trên 40 nghìn con vật nuôi. Đồng thời quan tâm duy trì làng nghề tiểu thủ công nghiệp mành cọ Đồng Thịnh.

Cùng với phát triển kinh tế, Đồng Thịnh luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, cách mạng. Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, một số di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo, khôi phục và phát huy giá trị. Bên cạnh đó, địa phương luôn chú trọng công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ qua các hoạt động ngoại khóa, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống, khuyến khích tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử cách mạng của đất nước, quê hương... Em Hoàng Thị Linh, học sinh Trường THCS Đồng Thịnh, nói: Được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, giáo dục truyền thống cách mạng do Nhà trường tổ chức, em hiểu hơn về những mất mát, hy sinh của các thế hệ đi trước. Em nguyện cố gắng học tập, phấn đấu để thành người có ích, góp phần xây dựng quê hương.

Trụ sở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Đồng Thịnh được đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

Trải qua những thăng trầm của thời gian, vùng đất Đồng Thịnh xưa đã có nhiều thay đổi, nhưng những giá trị lịch sử cách mạng vẫn còn mãi. Hình ảnh cánh đồng Mường Thanh, dòng sông Nậm Rốm như vẫn hiện hữu nơi cánh đồng Bản Soi, khơi dậy lòng tự hào, tiếp thêm động lực để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Thịnh xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, phát triển.

“Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc xã Đồng Thịnh luôn đoàn kết, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 44,66 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 40% so với năm 2015”. Ông Mạc Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-moi/202404/dong-thinh-noi-dien-tap-thuc-binh-danh-tap-doan-cu-diem-8372804/