Động thái tích cực trong việc hạ nhiệt căng thẳng Israel - Palestine

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Israel Isaac Herzog vừa bày tỏ hy vọng hòa bình và ổn định sẽ hiện diện ở các vùng lãnh thổ Palestine và toàn bộ khu vực Trung Đông.

Tuyên bố này được hai nhà lãnh đạo đưa ra trong cuộc điện đàm nhân dịp tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Trước đó, tại Ai Cập đã diễn ra một hội nghị với sự tham dự của đại diện đến từ Palestine, Israel, Ai Cập, Jordan và Mỹ. Các bên đã ra thông cáo chung, trong đó nhấn mạnh việc theo đuổi các giải pháp xây dựng lòng tin và giải quyết những vấn đề tồn đọng thông qua đối thoại trực tiếp. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng cũng như khu vực phía Đông Jerusalem khiến dư luận lo ngại, những nỗ lực và tín hiệu tích cực từ các bên liên quan liệu có hạ nhiệt “thùng thuốc súng” Trung Đông.

Một cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza. Ảnh: Reuters.

Động thái tích cực của các bên liên quan trong việc hạ nhiệt căng thẳng

Trước hết, sau những căng thẳng leo thang trong suốt hơn một tháng qua giữa Israel và Palestine ở Gaza khiến 18 người Palestine thiệt mạng và ít nhất 400 người khác làm bị thương thì việc các bên ngồi vào bàn đàm phán với các trung gian như Mỹ, Ai Cập và Jordan là một tín hiệu rất tích cực, một nỗ lực để giảm căng thẳng và thúc đẩy hòa bình.

Kể từ đầu năm đến nay, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đã cướp đi sinh mạng của 100 người ở cả hai bên, trong đó có 86 người Palestine. Thứ hai, hội nghị an ninh khẩn cấp tại Sharm El Sheikh Ai Cập khá bất ngờ nhưng là cần thiết bởi vào dịp tháng lễ Ramadan hàng năm, các cuộc đụng độ giữa Israel và Palestine thường bùng phát khi người Palestine tới cầu nguyện ở nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa nhưng thường bị lực lượng quân đội Israel ngăn cản.

Thứ ba, tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine dường như bị lãng quên do các cường quốc và các trung gian có nhiều mối quan tâm lớn hơn trong thời gian qua như khủng hoảng năng lượng, đại dịch Covid-19, vấn đề hạt nhân Iran, cũng như ngay chính Israel cũng lâm vào khủng hoảng chính trị với 5 cuộc bầu cử quốc hội trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, sự yên tĩnh, ổn định ở Gaza hay Bờ Tây thực sự rất mong manh bởi ngảy cả nội bộ của cả Israel và Palestine cũng chưa đồng thuận trong giải quyết những mâu thuẫn nội bộ và mâu thuẫn, tranh chấp lịch sử giữa hai bên. Trong khi các trung gian cũng chưa đủ mạnh để kéo hai bên đi tới thỏa thuận hòa bình lâu dài.

Tuyên bố chung nhằm giảm leo thang và xây dựng lòng tin giữa Palestine và Israel

Hội nghị đã thành công khi các bên đạt được nhiều sự đồng thuận, thống nhất chung. Các bên đã nhất trí thúc đẩy an ninh, ổn định và hòa bình, đồng thời công nhận cần phải đạt được hòa bình trên thực địa và ngăn chặn bạo lực gia tăng, cũng như xây dựng lòng tin lẫn nhau, giải quyết các vấn đề nổi cộm thông qua đối thoại trực tiếp.

Thứ hai, chính phủ Israel và chính quyền quốc gia Palestin tái khẳng định cam kết chung chấm dứt các biện pháp đơn phương trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng. Điều này bao gồm cam kết của Israel ngừng thảo luận về bất kỳ đơn vị định cư mới nào trong thời gian 4 tháng và ngừng cấp giấy phép cho bất kỳ điểm định cư nào trong thời gian 6 tháng.

Thứ ba, hai bên tái khẳng định cam kết chắc chắn đối với tất cả các thỏa thuận trước đây giữa hai bên, đặc biệt là quyền hợp pháp của Chính quyền Quốc gia Palestine đảm nhận trách nhiệm an ninh tại Khu vực A ở Bờ Tây, phù hợp với các thỏa thuận hiện có. Thứ tư, hai bên nhất trí xây dựng cơ chế giảm thiểu đối đầu và kiểm soát các hành vi bạo lực, kích động tránh để bùng phát tình hình vượt khỏi sự kiểm soát. Các bên sẽ tiếp tục đàm phán tại Sharm el-Sheikh và nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Jordan tại các thánh địa, ngăn chặn bất kỳ hành động khiêu khích nào trong tháng Ramadan.

Kỳ vọng vào tuyên bố chung

Việc các bên ngồi vào bàn đàm phán, đạt được thỏa thuận về những điều cần thiết cơ bản như ngăn chặn bạo lực, kiềm chế leo thang là một tiến bộ, một dấu hiệu tích cực cho sự ổn định, hòa bình ở Israel và Palestine cũng như khu vực. Đó là những điều mà các bên đạt được trên bàn giấy còn trên thực địa lại khác bởi vẫn có những cá nhân, tổ chức, nhóm vũ trang vẫn phản đối hội nghị này, chống đối lại chính quyền cả ở Israel và Palestine hoặc một bên thứ ba có thể kích động phá vỡ sự yên lặng ở Gaza hay Bờ Tây.

Trước hội nghị này, chính quyền Palestine đã có cuộc họp hiếm hoi với các phe phái Palestine để thuyết phục ngừng bắn. Tuy nhiên, Phong trào Hamas và Phong trào Thánh chiến Hồi giáo đã lên án hội nghị thượng đỉnh ở Sharm El-Sheikh và đe dọa sẽ tấn công nhiều hơn nữa chống lại người Israel. Điều đó khiến cho các thỏa thuận, cam kết của Tuyên bố Sharm El-Sheikh trở nên mong manh và có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, chỉ trong vòng vài giờ sau hội nghị Sharm El Sheikh, Bộ trưởng Tài chính Israel, Bezalel Smotrich, đã phủ nhận sự tồn tại của người Palestine. Phía Ai Cập đã gọi các tuyên bố của bộ trưởng Bezalel Smotrich là "vô trách nhiệm và kích động, phân biệt chủng tộc, phủ nhận sự thật về lịch sử và địa lý, đồng thời châm ngòi cho cảm giác tức giận”. Ai Cập cho rằng, những tuyên bố như vậy làm suy yếu các nỗ lực nhằm đạt được hòa bình giữa các bên Palestine và Israel, đặc biệt là với tháng lễ Ramadan đang đến gần, năm nay trùng với các ngày lễ của Cơ đốc giáo và Do Thái, tất cả đều mang ý nghĩa khoan dung, hòa bình và tôn trọng lẫn nhau.

Mặc dù các bên liên quan đã đạt được đồng thuận nhằm giảm leo thang căng thẳng trên thực địa ở khu vực Bờ Tây, song việc thực thi các thỏa thuận gặp nhiều thách thức do bất đồng giữa các phe phái. Việc xây dựng lòng tin giữa Israel và Palestine là điều cần thiết hiện nay khi người dân hai nước đều mong mỏi một tương lai ổn định và thịnh vượng ở khu vực./.

Ngọc Thạch/VOV-Cairo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dong-thai-tich-cuc-trong-viec-ha-nhiet-cang-thang-israel-palestine-post1009180.vov