'Đồng Sỹ Nguyên tuyển tập' và đường Hồ Chí Minh huyền thoại

50 bài viết, bài nói chuyện, trả lời phỏng vấn từ năm 1957 - 2019 của Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân lựa chọn đưa vào 'Đồng Sỹ Nguyên tuyển tập' phát hành đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Đây là một cách thể hiện sự tri ân với công lao, đóng góp to lớn của Trung tướng trong những năm tháng chiến tranh cũng như xây dựng và phát triển đất nước.

Đồng Sỹ Nguyên tuyển tập tập hợp các tác phẩm lý luận, tổng kết những bài học kinh nghiệm, công tác chỉ huy trong chiến đấu, lãnh đạo điều hành trong xây dựng và phát triển đất nước của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là di sản quý giá cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo.

Với bố cục gồm bốn phần, cuốn sách bao quát các lĩnh vực hoạt động của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, từ xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và nền quốc phòng toàn dân đến công tác vận tải quân sự và đường Hồ Chí Minh huyền thoại, tầm nhìn và những trăn trở với những vấn đề thời sự của đất nước và viết về đồng chí, đồng đội.

Đặc biệt, hoạt động vận tải quân sự và tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại được kể lại một cách toàn diện từ tổ chức, chỉ đạo đến vận hành tuyến chi viện chiến lược cực kỳ quan trọng của quân đội ta, thể hiện việc vận dụng và phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự vào tuyến đường vận tải quân sự Hồ Chí Minh, tạo nên những kỳ tích trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua các bài viết trong cuốn sách, chúng ta thấy được sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đối với tuyến chi viện chiến lược này. Chúng ta cũng thấy sự hy sinh vô bờ bến của các chiến sĩ quân đội, dân công hỏa tuyến trên tuyến đường với những khẩu hiệu: “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, “địch phá một, ta làm năm, làm mười”, “địch đánh ta, ta đánh lại”, “mọi người cầm súng đều bắn máy bay địch”… tạo nên lưới lửa dày đặc, nhiều tầng để bảo vệ đường, phương tiện và hàng hóa.

Là đại biểu Quốc hội Khóa I năm 1946, trong phần ba của cuốn sách về những trăn trở với các vấn đề thời sự của đất nước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã kể lại những ký ức về kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I, nhấn mạnh “tinh thần đấu tranh trên nghị trường” và đòi hỏi “Quốc hội phải đổi mới nhiều hơn” để đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân.

Phần cuối cuốn sách là những bài viết của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên về đồng chí, đồng đội thân thiết của mình. Ông đã nêu bật những đóng góp to lớn, hy sinh cao cả của các vị lãnh đạo xuất chúng của Đảng, Nhà nước và quân đội ta, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, các đồng chí Phạm Hùng, Hoàng Anh, Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ, Đặng Tính, Hoàng Thế Thiện… mà thế hệ sau này cần học tập, noi gương.

Với phương châm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, Bộ đội Trường Sơn không những phải bảo đảm cho đường thông liên tục mà còn phải làm cho mạng cầu, đường sẵn có không ngừng tốt lên, đồng thời làm thêm nhiều đường tránh, đường mới. Chẳng thế mà hệ thống giao thông vận tải quân sự với nhiều trục dọc, trục ngang có độ dài 17.000km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400km, đường sông dài 600km; có đường giao liên hành quân bộ và tải thương dài 1.200km, mạng thông tin đường dây tải ba dài 1.350km đã được Bộ đội Trường Sơn hoàn thành trong những điều kiện khó khăn, hy sinh không thể tượng tượng nổi dưới sự đánh phá ác liệt của 111.135 trận tập kích bắn phá bằng không quân, 1.263 cuộc hành quân của bộ binh, biệt kích, thám báo của địch.

Việc Bộ đội Trường Sơn vận chuyển thành công 560.000 tấn vũ khí, đạn dược, lương thực trong mùa khô 1974 - 1975 trong tổng số 1,5 triệu tấn hàng hóa, vũ khí, 5,5 triệu mét khối xăng dầu, đưa đón vận chuyển hơn 2 triệu lượt người, cơ động 10 lượt sư đoàn, 2 quân đoàn trong 16 năm xây dựng và trưởng thành, đã giúp quân đội ta hoàn toàn chủ động về bảo đảm vật chất kỹ thuật, có đủ các yếu tố cần thiết để giữ quyền chủ động trong quá trình tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975.

Câu chuyện về việc Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chủ động sớm lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn ở Bến Tắt, Quảng Trị ngay cạnh Sở Chỉ huy của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn trong những năm cuối của cuộc chiến để có thể quy tập liệt sĩ nằm rải rác trên toàn tuyến đường thật sự làm lay động lòng người trước tình đồng chí, đồng đội mẫu mực, hết mực thương yêu bộ đội của ông. Nơi đây giờ đã trở thành Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia thiêng liêng với hơn một vạn mộ phần liệt sĩ, con em ưu tú của cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Suốt 16 năm ròng, trong đó Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh ở giai đoạn 10 năm ác liệt nhất, quyết định nhất, tuyến chi viện chiến lược Đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình là một tuyến vận tải quân sự chiến lược, là một hướng chiến trường trọng yếu, là một căn cứ chiến lược của các chiến trường của ta và bạn, nhưng trận đồ bát quái xuyên rừng rậm này cũng thật sự là thảm họa đối với đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam như kẻ thù đã phải công nhận. Sau này, ông cũng dành nhiều tâm tư, tâm huyết với tuyến đường Trường Sơn công nghiệp hóa, hiện đại hóa - đường Hồ Chí Minh mà hôm nay đã trở thành hiện thực, nối liền từ điểm đầu Pác Bó, Cao Bằng đến Đất Mũi, Cà Mau và trong tương lai gần sẽ trở thành tuyến cao tốc chiến lược Bắc - Nam phía Tây của Tổ quốc.

Gần 600 trang sách đầy ắp thông tin, sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc trong thời chiến cũng như thời bình được biên tập cẩn thận, là nỗ lực lớn của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân nhằm tri ân một trong những vị tướng lĩnh tài ba, xuất sắc nhất của Nhân dân và quân đội Việt Nam anh hùng.

Trần Văn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/dong-sy-nguyen-tuyen-tap-va-duong-ho-chi-minh-huyen-thoai-i316703/