Đồng Nai siết chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp FDI vi phạm môi trường

Đồng Nai được xem là 'thủ phủ chăn nuôi' của cả nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp FDI đặt hàng nhiều cơ sở chăn nuôi hộ gia đình để nuôi gia công và mới đây cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm cơ sở gia công không có giấy tờ môi trường.

Chăn nuôi gia công không giấy tờ môi trường

Mới đây, tỉnh Đồng Nai tổ chức tổng kiểm tra gần 9.850 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đang hoạt động trên địa bàn. Qua đó, ngành chức năng phát hiện hơn 300 cơ sở chăn nuôi ở 10 huyện, thành phố chưa được cấp thủ tục môi trường. Các trang trại chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, số ít trang trại có quy mô lớn.

Mặc dù chưa đủ giấy tờ về môi trường nhưng các cơ sở chăn nuôi đã ký hợp đồng với 4 doanh nghiệp FDI như: Công ty Cổ phần CP Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri - chi nhánh Đồng Nai và Công ty TNHH Sunjin Vina.

Một trại heo ở huyện Thống Nhất bị buộc xuất chuồng sớm do vi phạm môi trường (Ảnh: Duy Phương)

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai yêu cầu các công ty FDI trên tạm ngưng với các cơ sở gia công chưa được cấp giấy phép môi trường, xác nhận đăng ký môi trường của cơ quan có thẩm quyền. Việc thả đàn chăn nuôi chỉ được tiếp tục sau khi các chủ cơ sở, hộ gia đình bổ sung thực hiện thủ tục môi trường.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, nguyện vọng của người chăn nuôi là được sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế nhưng cần hài hòa lợi ích các bên: “Với các cơ quan, khi hướng dẫn cũng phải đưa ra mô hình cụ thể nhất, phù hợp với giá cả. Bởi trong tình hình hiện nay, nếu đạt 100% theo chuẩn một cách chắc chắn thì chi phí rất cao”.

Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Các cơ sở phải di dời chủ yếu là nuôi heo và gà, lộ trình chậm nhất phải di dời là trước 31/12/2024. Số lượng hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi phải di dời hoặc ngưng hoạt động chiếm hơn 50% sản lượng ngành chăn nuôi của tỉnh.

Ông Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, quan điểm của tỉnh là không cấm chăn nuôi nhưng phải tuân thủ đầy đủ yêu cầu đặt ra về môi trường.

Đồng Nai yêu cầu chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp FDI đảm bảo môi trường (Ảnh: Duy Phương)

“Tất cả việc triển khai thực hiện sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế đều phải gắn với việc bảo vệ môi trường. Đồng Nai đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, vấn đề môi trường là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt là ở nông thôn”, ông Võ Văn Phi khẳng định.

Đối với vấn đề vi phạm pháp luật môi trường của các doanh nghiệp FDI nói chung, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi hoạt động trong khu công nghiệp, ông Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ động nâng cao vai trò quản lý.

“Thực hiện tốt luật đầu tư nước ngoài, thực hiện tốt việc kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhưng cũng không để họ tiêu cực, biến chúng ta thành bãi rác thải hoặc nơi tận dụng lao động thấp hoặc nơi coi nhẹ về xử lý môi trường”, ông Quản Minh Cường nêu rõ.

Tỉnh Đồng Nai đang mạnh tay đối với việc đảm bảo môi trường lĩnh vực chăn nuôi. Các doanh nghiệp FDI lĩnh vực này cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình đối với các cơ sở chăn nuôi gia công trong việc tuân thủ đầy đủ quy định về môi trường của tỉnh.

Duy Phương/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dong-nai-siet-chan-nuoi-gia-cong-cho-doanh-nghiep-fdi-vi-pham-moi-truong-post1053822.vov