Động lực nào giúp tăng trưởng cho đất nước sau đại dịch Covid-19?

Theo các đại biểu Quốc hội, việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước.

Sáng nay, ngày 8/11, trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, kỳ họp thứ 2, quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 bộc lộ một số căn bệnh trầm kha

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho hay, cho đến thời điểm này, chúng ta đã cơ bản kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, một đại dịch chưa từng có trong lịch sử.

Theo đại biểu, lần đầu tiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có 2 lần có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống dịch, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Lần đầu tiên biến chủng Delta với tốc độ lây lan cực nhanh và phức tạp xuất hiện. Lần đầu tiên chiến dịch tiêm chủng toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay được thực hiện và cũng lần đầu tiên quân đội có cuộc điều quân lớn chưa từng có từ sau chiến tranh đến nay….

Đại biểu đánh giá cao tính chủ động, linh hoạt, lắng nghe, trên tinh thần vì lợi ích của người dân và cũng rất quyết liệt, quyết tâm trong hành động của cả hệ thống chính trị. Theo đó, Quốc hội đã chủ động, khẩn trương ban hành nhiều nghị quyết cho phép Chính phủ áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch thuộc thẩm quyền Quốc hội hoặc chưa được luật quy định; trong giãn cách xã hội, từ chỗ có một vài ca đã cách ly diện rộng cả tỉnh, cả vùng, kể cả vùng không có dịch, sau chuyển sang chỉ cách ly ở những khu vực nhỏ có người nhiễm.

Ngoài ra, từ lúc chưa có vaccine thì áp dụng một số biện pháp hành chính nghiêm ngặt, sau bao phủ vaccine đến tỷ lệ nhất định thì nới lỏng dần…

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa khẳng định, các biện pháp phòng, chống dịch của chúng ta thời gian qua mặc dù có việc chưa từng có trong tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng là hợp lý, phù hợp cho từng giai đoạn, bảo đảm yêu cầu chung với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, có sự đồng lòng, nhất trí của người dân đã giúp cho nhiều địa phương chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, đại biểu đề cấp đến một số hạn chế trong công tác phòng, chống dịch vẫn còn có điểm hạn chế, trong đó có một số vấn đề liên quan đến việc thực thi công vụ trong công tác phòng, chống dịch, tạo bức xúc cho người dân, doanh nghiệp … Trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn nhưng một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch.

Đại biểu đánh giá, đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi, nhưng đến thời kỳ dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn và cho rằng việc nhiều tỉnh, thành phố đã có những xử lý đối với cán bộ vi phạm là việc làm đúng đắn.

Theo đại biểu, bài học rút ra ở đây là bất cứ việc gì thì cũng cần tạo sự đồng thuận của người dân, nếu người dân chưa hiểu thì cần giải thích, vận động, tuyên truyền, thuyết phục. Và trong những tình thế cấp thiết, khi vi phạm đến mức nghiêm trọng hơn thì đã có biện pháp hành chính, thậm chí xử lý hình sự. Ngoài ra, việc đưa ra quyết sách, biện pháp gì thì phải cân nhắc việc bảo đảm sức khỏe, tính mạng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân lên trên hết, trước hết…

Hỗ trợ người dân thực chất hơn

Góp ý chính sách phục hồi kinh tế, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị các gói hỗ trợ cần thực chất hơn và cần rút gọn các điều kiện, thủ tục. Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ hiện nay còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hưởng còn thấp.

Theo đại biểu này, với những doanh nghiệp nằm trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, như du lịch, khách sạn, thì giải pháp đưa ra như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không đem lại nhiều ý nghĩa.

Đại biểu Nguyễn Như So cũng đề nghị, cần nghiên cứu có gói hỗ trợ tiếp theo để giúp doanh nghiệp tận dụng thời gian còn lại của năm. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để phục hồi. Hầu hết các quốc gia hiện nay đều phải can thiệp mạnh để hỗ trợ nền kinh tế

Còn theo đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam), để phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, trong nhiều giải pháp Chính phủ đã đề ra, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo một số giải pháp đối với lực lượng công nhân lao động.

Đại biểu Trần Văn Khải.

Theo đại biểu này, giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta quan tâm nhiều tác động về khía cạnh kinh tế nhưng hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và nó sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục.

Trước đây, việc kéo lao động ở nông thôn lên thành phố đã rất khó, giờ đây xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê, doanh nghiệp không giữ được lao động kể cả khi đã mở cửa.

Đại biểu cho rằng, đây là thời điểm người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước.

Đại biểu Trần Văn Khải kiến nghị, đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn.

Đồng thời, Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường. Đại biểu Khải cho rằng, nên mạnh dạn nâng trần nợ công, sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước.

Cùng mối quan tâm đến vấn đề dịch bệnh Covid-19, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu về gương người tốt việc tốt - đó là cặp vợ chồng tuy có hoàn cảnh bình thường nhưng đã tình nguyện ủng hộ 2 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch. Điều đó cho thấy, “lòng yêu nước của nhân dân chưa bao giờ vụt tắt”.

Đại biểu đánh giá, 2 năm qua rất khó khăn, và sang năm cũng sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó khăn. Bên cạnh đẩy nhanh tiêm chủng, trợ cấp và tạo động lực cho người lao động làm việc, nhưng cũng nên tránh việc đào tạo tràn lan, tốn kém...

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-luc-nao-giup-tang-truong-cho-dat-nuoc-sau-dai-dich-covid-19-164250.html