Dòng kim ngân mải miết tuôn

Tự ngàn xưa, nước cứ trôi, sông cứ mải miết chảy, nhưng nhờ các dự án thủy điện mà nguồn nước ấy đã biến thành dòng kim ngân (vàng, bạc) lấp lánh, ngày đêm mải miết tuôn.

Điểm đấu nối của Nhà máy Thủy điện Séo Chong Hô.

Năm 1925, người Pháp cho xây dựng một thủy điện nhỏ, công trình thủy điện đầu tiên tại Lào Cai để phục vụ quan chức của chế độ cai trị khi tới Sa Pa nghỉ dưỡng. Lãng quên trong thời gian dài, cách đây khoảng hai thập niên, thủy điện chính thức được “đánh thức” bằng hàng loạt dự án đầu tư. Từ những cội nguồn róc rách nơi thung cao, những dòng sông lững lờ trôi khi đi qua tua-bin các nhà máy thủy điện đã mang lại nguồn lợi to lớn cho nền kinh tế quốc dân.

Thân đập Nhà máy Thủy điện Bắc Hà - dự án thủy điện có công suất lớn nhất toàn tỉnh.

Ai đã từng đến các xã vùng cao của Si Ma Cai, Mường Khương sẽ không khỏi nao lòng trước vẻ đẹp, sự hùng vỹ của sông Chảy quanh co, uốn lượn dưới khe sâu (nguồn hướng huyện Si Ma Cai gọi là sông Xanh), trước khi trở nên hiền hòa, phẳng lặng tại Bắc Hà, Bảo Yên. Suốt nghìn đời qua, sông Chảy vẫn lặng lẽ trôi, mang theo tâm sự của đại ngàn, hơi thở của núi để tưới đẫm những tươi xanh, bồi đắp sự phì nhiêu, phồn thịnh phía đôi bờ. Cho đến năm 2005, một dự án lớn được khởi công với ý tưởng chặn ngang dòng sông tại xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà để bắt dòng nước kia “nhả vàng”. Tham quan dự án, lần đầu tiên đứng trên mặt đập bê tông cao mấy chục mét của dự án thủy điện có công suất lớn nhất tỉnh Lào Cai, tôi mới nhận thấy sức mạnh khó tưởng của con người khi chế ngự tự nhiên. Phía trước đập là vùng lòng hồ mênh mông in mây trời xanh thẳm với lô nhô lồng, bè cá, dưới chân đập là nhà máy, nơi đặt “trái tim” của công trình là hai tổ máy có công suất 90 MW.

Lòng hồ thủy điện Bắc Hà và thủy điện Séo Chong Hô vừa tạo cảnh quan môi trường trong khu vực, vừa điều tiết lũ cho hạ nguồn và mở ra hướng phát triển thủy sản trên địa bàn.

Có mặt tại Cốc Ly từ những ngày đầu khởi động dự án, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng Phòng Tổ chức Công ty Cổ phần Thủy điện Bắc Hà bồi hồi kể, hồi đó khu vực này còn hoang sơ lắm, từ xã Phong Niên, Bảo Thắng tới đây chỉ là lối nhỏ lộc cộc đá cấp phối. Khó khăn trong đầu tư nên tới năm 2012, dự án mới hoàn thành. Bù lại, suốt thời gian qua Nhà máy vận hành ổn định, mang lại nguồn lợi hàng nghìn tỷ đồng, riêng năm qua doanh thu đạt khoảng 450 tỷ đồng. Không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp, nền kinh tế quốc dân, Công ty Cổ phần Thủy điện Bắc Hà còn nộp ngân sách nhà nước 95 tỷ đồng trong năm 2022. Dự án cũng tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, có nhiều đóng góp cho các chương trình phát triển của xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà.

Điều tiết nguồn điện năng trước khi hòa mạng điện lưới quốc gia.

Giờ đây, trên sông Chảy còn một số thủy điện khác được đầu tư như thủy điện Pa Ke, thủy điện Bảo Nhai I, Bảo Nhai II, thủy điện Vĩnh Hà, thủy điện Phúc Long…

Dưới chân núi Hoàng Liên hùng vỹ, nằm ở cuối cánh đồng lúa Séo Mý Tỷ bao la, phì nhiêu thuộc xã Tả Van (thị xã Sa Pa), cách đây chừng mười năm xuất hiện một hồ nước rộng, trong xanh, hiền hòa, đó là hồ chứa của Nhà máy thủy điện Séo Chong Hô, dự án do Công ty TNHH Đầu tư Điện lực Việt - Trung đầu tư. Đến nay, hồ Séo Mý Tỷ không đơn thuần là đập nước, mà còn tạo sinh kế cho đồng bào địa phương khi phát triển thủy sản, là hồ điều hòa khí hậu và đặc biệt là tạo điểm nhấn cảnh quan phía Tây Nam thị xã Sa Pa. Khu vực hồ mới đây đã được khảo sát, nghiên cứu hướng tới việc xây dựng một tiểu khu du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, đẹp lãng mạn giữa cao nguyên vời vợi.

Các dự án thủy điện tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng.

Theo thiết kế, nước từ hồ chứa Séo Mý Tỷ thông với các tua-bin của Nhà máy thủy điện Séo Chong Hô (xã Bản Hồ) qua cột cao áp có độ chênh lớn nhất trong số các thủy điện của khu vực Đông Nam Á, gần một cây số. Mới đây công trình được nâng công suất lên 30 MW, sản lượng điện trong năm qua đạt khoảng 130 triệu Kwh đã mang lại doanh thu 152 tỷ đồng, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng. Lớn hơn khuôn khổ của một dự án thông thường, Nhà máy thủy điện Séo Chong Hô còn là kết quả của sự hợp tác đầu tư tại Lào Cai giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nói về dự án, ông Phạm Đỗ Tùy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Điện lực Việt - Trung cho biết: Lợi nhuận sau thuế hằng năm của Công ty đạt khoảng 30 tỷ đồng, lương trung bình của cán bộ, công nhân, lao động đạt 18 triệu đồng/người/tháng.

Một góc dự án Thủy điện Ngòi Phát.

Tại huyện Bát Xát, ngoài thủy điện Ngòi Phát có công suất đứng thứ 2 toàn tỉnh, còn có thủy điện Mường Hum, cụm thủy điện tại xã Phìn Ngan, các xã vùng cao Trung Lèng Hồ, Mường Hum có cụm thủy điện gồm các nhà máy Tà Lơi II, Tà Lơi III, Pờ Hồ và thủy điện Nậm Pung do tập đoàn Intracom (Intracom Group) đầu tư. Cụm thủy điện của Intracom trong năm 2022 đạt sản lượng (tính đến hết tháng 11) 207 triệu Kwh, doanh nghiệp nộp ngân sách khoảng 50 tỷ đồng, bao gồm cả việc nộp Quỹ dịch vụ môi trường rừng. Intracom Group cũng tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, ủng hộ nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới, hoạt động phúc lợi xã hội trên địa bàn.

Lào Cai hiện có 130 dự án đã được duyệt và lập quy hoạch, trong đó có 70 dự án đang vận hành sản xuất với tổng công suất lắp máy 1.109 MW, tương đương hơn nửa công suất Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và lớn gấp 10 lần công suất thủy điện Thác Bà, công trình vĩ đại do Liên Xô ủng hộ Việt Nam xây dựng. Năm 2022, điều kiện sản xuất thuận lợi, sản lượng điện năng từ các nhà máy thủy điện tại Lào Cai đạt xấp xỉ 5 tỷ Kwh, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 5,8 đến 6 nghìn tỷ đồng. Sản lượng của các nhà máy thủy điện trên địa bàn đã vượt xa nhu cầu điện năng của tỉnh, góp phần đảm bảo nhu cầu ngày càng tăng và an ninh năng lượng quốc gia. Năm qua, các thủy điện trên địa bàn đóng góp ngân sách nhà nước tại Lào Cai 1.100 tỷ đồng, bao gồm tiền trích nộp Quỹ dịch vụ môi trường rừng, nguồn lực này tương đương với 647 kg vàng ròng.

Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương cho hay, với nền kinh tế quốc dân, nguồn điện năng từ sản xuất thủy điện ngày càng trở nên quan trọng khi giá thành sản xuất điện được cung cấp bởi các nhà máy sử dụng nhiên liệu diesel, than đá, khí đốt đang rất cao, là nguyên nhân chính khiến ngành điện thua lỗ tới 31 nghìn tỷ đồng trong năm 2022. Hiện nay, địa hạt phát triển thủy điện cỡ vừa trên sông, suối cơ bản không còn, ngoại trừ hai dự án trên sông Hồng tại xã Thái Niên (Bảo Thắng) và xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên) đã được Chính phủ đồng ý chủ trương nghiên cứu, khảo sát, thăm dò; tiếp đó là thủy điện A Lù I, II và III tại huyện Bát Xát. Lào Cai có địa hình bị chia cắt phức tạp, nhiều đồi núi với độ dốc lớn, hệ thống sông, suối dày đặc vốn là yếu tố cản trở phát triển bao năm qua thì hôm nay đã được phát huy.

Tự ngàn xưa, nước cứ trôi, sông cứ mải miết chảy, nhưng nhờ các dự án thủy điện mà nguồn nước ấy đã biến thành dòng kim ngân (vàng, bạc) lấp lánh, ngày đêm mải miết tuôn.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364063-dong-kim-ngan--mai-miet-tuon