Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm

Toàn tỉnh hiện có khoảng 198.148 thanh niên (từ 16-30 tuổi), chiếm 20,2% dân số, chiếm 38,4% lực lượng lao động trong tỉnh. Trong đó, thanh niên nông thôn chiếm 82%; thanh niên thành thị chiếm 18%. Những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn, đào tạo nghề cho đoàn viên, thanh niên, qua đó góp phần giúp thanh niên có điều kiện lập thân, lập nghiệp, từng bước vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội.

Mô hình sản xuất của thanh niên Phạm Văn Lừng (thành phố Ninh Bình) đã giải quyết việc làm cho 160 lao động, đa số là thanh niên. Ảnh: Đức Lam

Để đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh triển khai quán triệt nội dung các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả như: Tổ chức hội nghị báo cáo viên, thông qua các cơ quan truyền thông, đài truyền thanh, qua các kênh tuyên truyền trên mạng xã hội, website, fanpage, facebook của tổ chức Đoàn…

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011-2022, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 477 hội nghị tuyên truyền, đăng tải 1.281 tin, bài trên mạng xã hội liên quan đến tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên. Thông qua công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên, hội viên và nhân dân về nghề nghiệp, việc làm, từ đó định hướng cho thanh niên lựa chọn con đường khởi nghiệp phù hợp.

Là một trong những thanh niên khởi nghiệp thành công, anh Phạm Văn Lừng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Luxer Việt Nam - Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Thanh niên khởi nghiệp" thành phố Ninh Bình cho biết: Năm 2012, anh khởi nghiệp với một cửa hàng thuộc lĩnh vực in ấn với số vốn chỉ 3,5 triệu đồng. 3 năm sau (năm 2015), anh mạnh dạn thành lập Công ty TNHH MTV Luxer Việt Nam, chuyên cung cấp đa dạng các dịch vụ phân phối và lắp đặt màn hình led, phân phối và cung cấp vật tư, led quảng cáo và nội thất; thiết kế nội thất phòng karaoke, cắt CNC laser fiber inox, cắt mài gương kính dercor...

Năm 2020-2021, khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra phúc tạp, cũng là lúc Công ty rơi vào khủng hoảng khi vừa phải phòng, chống dịch vừa phải duy trì ổn định hoạt động. Tuy nhiên, cũng trong thời gian đó, anh Phạm Văn Lừng đã tìm ra cơ hội, tiềm năng phát triển trong lĩnh vực kinh doanh mới đó là công nghệ sản xuất gương kính dercor, chuyển từ bán thương mại sang tự sản xuất. Trong quá trình xây dựng, anh Lừng đã chú trọng ứng dụng công nghệ vào sản xuất giúp Công ty giảm tối đa các chi phí đầu vào, tránh lãng phí và tối ưu hóa được chất lượng sản phẩm. Hiện nay, Công ty đã có 12 xưởng sản xuất, tạo việc làm cho 160 công nhân, trong đó 95% là thanh niên với mức lương bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Anh Phạm Văn Lừng chia sẻ: Trong quá trình lập thân, lập nghiệp, tôi đã luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là Tỉnh đoàn, Thành đoàn Ninh Bình. Tham gia các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội Doanh nghiệp trẻ, tôi được tư vấn tiếp cận về ý tưởng, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tham gia các chương trình, hội thảo về chuyển giao khoa học kỹ thuật, quản lý tài chính trong kinh doanh, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tôi đã được hỗ trợ tiếp cận, giới thiệu với các đối tác có tiềm năng lớn, tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2018/NQHĐND của HĐND tỉnh. Những khó khăn, vướng mắc của những người trẻ khi mới lập nghiệp được quan tâm, tháo gỡ đã giúp tôi vững tin hơn trên con đường khởi nghiệp.

Trong nhiều năm qua, với phương châm "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp", các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Trong một buổi đối thoại gần đây giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên, khi chia sẻ về tinh thần khởi nghiệp của thanh niên và các phương thức hỗ trợ của tổ chức Đoàn, đồng chí Nguyễn Đức Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho rằng: Trong xu thế hội nhập, truyền thông đa dạng, nhiều thanh niên Ninh Bình đã tiếp cận rất nhanh với thị trường và có chọn lọc để tìm ra phương thức sản xuất phù hợp. Nhiều thanh niên đã có ý tưởng làm giàu một cách khoa học, phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện kinh tế của gia đình. Trên cơ sở đó, tổ chức Đoàn đã có những phương thức hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

Công tác tư vấn, đào tạo nghề cho thanh niên trong tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện. Đoàn Thanh niên các cấp đã tham gia, phối hợp thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với thanh niên tại địa phương như: phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề ngắn hạn cho thanh niên nông thôn, hỗ trợ dạy nghề đối với bộ đội xuất ngũ, thanh niên yếu thế... Từ đó ngày càng có nhiều hơn cơ hội học nghề, việc làm với thanh niên, qua đó khơi dậy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương.

Từ năm 2017 - 2022, tổ chức Đoàn trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 52 hội nghị chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 2.581 thanh niên nông thôn; các ngành nghề chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ, thủy hải sản, cơ khí, điện dân dụng, may xuất khẩu… Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn đã triển khai các cuộc thi, giải thưởng, như: Giải thưởng "Người thợ trẻ giỏi", "Lương Định Của", thu hút sự quan tâm của đông đảo đoàn viên, thanh niên, góp phần cổ vũ, biểu dương tinh thần, thái độ nghề nghiệp trong thanh niên.

Các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên được thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả như: Ngày hội "Tư vấn hướng nghiệp", "Hành trình đến với trường nghề, làng nghề", "Hành trình trải nghiệm ước mơ", "Tư vấn mùa thi", "Tư vấn tuyển sinh"... Từ năm 2017 - 2022, Đoàn Thanh niên trong toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 197.000 đoàn viên, thanh niên.

Theo thống kê, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng, hỗ trợ vốn vay theo tinh thần Nghị quyết số 43/2018/ NQ-HĐND của HĐND tỉnh cho 784 mô hình thanh niên khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh; duy trì 26 Tổ hợp thanh niên phát triển kinh tế, tạo việc làm cho trên 3.000 lao động là thanh niên nông thôn.

Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tiếp tục định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên phát triển mô hình kinh tế, đặc biệt là duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên hoạt động có hiệu quả, góp phần cùng thanh niên vươn lên lập thân, lập nghiệp, đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dong-hanh-voi-thanh-nien-trong-nghe-nghiep-va-viec-lam/d202311130826438.htm