Bài cuối: Để ngành chăn nuôi Tây Ninh định vị trên thị trường quốc tế

Với tiềm năng lợi thế sẵn có, nhận diện rõ tồn tại và thách thức, ngành chăn nuôi của Tây Ninh đã và đang nỗ lực hướng tới nền chăn nuôi tiến bộ, bền vững, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu của hội nhập..

Cán bộ Thú y kiểm dịch trên gia súc.

Cán bộ Thú y kiểm dịch trên gia súc.

Hướng đến xuất khẩu

Vùng an toàn dịch bệnh là một chứng nhận uy tín của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) để sản xuất bền vững, phục vụ xuất khẩu đối với ngành chăn nuôi. Trong khi đó, theo các chuyên gia, nếu làm tốt vùng an toàn dịch bệnh, Tây Ninh có thể xuất khẩu được thịt heo qua Nhật, Hàn Quốc và châu Âu.

Theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, vùng an toàn dịch bệnh với ngành nông nghiệp, đặc biệt ngành chăn nuôi là vô cùng quan trọng. Bởi theo quy định của OIE, khi xuất khẩu các sản phẩm từ động vật và động vật bắt buộc phải tuân thủ các quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh.

“Chúng ta muốn hướng tới xuất khẩu buộc phải tuân thủ các quy định của OIE. Tại Việt Nam, vùng an toàn dịch bệnh không phải bây giờ mới xây dựng mà đã được thực hiện trong nhiều năm qua và đã có kết quả tích cực trong việc giúp các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu. Đến nay, thịt heo đã xuất sang các thị trường như Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), thịt gà xuất đi Nhật Bản”- ông Long nói.

Dịch bệnh trên đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt. Từ năm 2016 đến nay, tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra dịch cúm gia cầm.

Trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi là Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources xuất khẩu trứng gà đi Hong Kong và Maldives; Công ty Vinamilk xuất đến 60 quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Trong thời gian tới, 2 doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu; một số doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đang đầu tư để hướng đến xuất khẩu. Chính vì thế, việc giữ vững Vùng an toàn dịch bệnh đồng nghĩa với việc giữ vững và mở rộng thị trường tiêu dùng trong, ngoài nước.

Ngày 14.2.2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, tạo hướng đi mới, giúp khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng và có quy mô lớn.

Để phục vụ thị trường xuất khẩu, năm 2023, Cục Thú y cùng Sở NN&PTNT các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An và Tập đoàn De Heus Việt Nam ký thỏa thuận phối hợp tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn, giai đoạn 2023 - 2028.

Việc Tây Ninh công bố vùng ATDB tại huyện Tân Châu vào ngày 19.5 vừa qua mở ra cơ hội xuất khẩu cho chăn nuôi Tây Ninh

Lộ trình đến tháng 12.2025, toàn bộ cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thịt gà bảo đảm ATDB, an toàn thực phẩm và được chứng nhận HACCP (viết tắt của Hazard Analysis and Critical Control Point System)- là hệ thống quản lý chất lượng dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu. Đó là công cụ phân tích nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh và chất lượng thực phẩm, GlobalGAP, ISO 22000, Halal.

Tăng cường liên kết trong chăn nuôi, hướng đến xuất khẩu.

Tăng cường liên kết trong chăn nuôi, hướng đến xuất khẩu.

Tín hiệu vui là một số thị trường Halal đã chủ động tìm khách hàng cung cấp từ Việt Nam. Hiện các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Ai Cập sẵn sàng hợp tác để nhập khẩu thực phẩm Halal. Ai Cập cũng có chương trình hỗ trợ cho các chuyên gia của Việt Nam để đào tạo một số kỹ thuật, tiêu chuẩn về việc chuẩn bị và chế biến thực phẩm Halal.

Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, Tây Ninh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh trong những năm tiếp theo, đồng thời tăng cường triển khai thực hiện Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.

Tây Ninh – Đồng hành cùng doanh nghiệp

Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố ngày 5.5.2024 vừa qua có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, mở ra định hướng không gian phát triển mới trên các lĩnh vực, tạo động lực để Tây Ninh phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Tây Ninh xanh, góp phần đưa tỉnh nhà trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Trong tương lai, tỉnh lấy công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới. Nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn.

Năm 2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 94 về phê duyệt Đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) tỉnh Tây Ninh. Hiện nay UBND tỉnh đang điều chỉnh Quyết định số 94, sau khi điều chỉnh dự kiến đến năm 2030 sẽ phát triển 22 vùng NNUDCNC, trong đó có 12 vùng trồng trọt, 7 vùng chăn nuôi, 3 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Việc Tây Ninh công bố vùng ATDB tại huyện Tân Châu vào ngày 19.5 vừa qua mở ra cơ hội xuất khẩu cho chăn nuôi Tây Ninh.

Việc Tây Ninh công bố vùng ATDB tại huyện Tân Châu vào ngày 19.5 vừa qua mở ra cơ hội xuất khẩu cho chăn nuôi Tây Ninh.

Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng NNUDCNC hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030; nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm NNUDCNC đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, theo hướng an toàn sinh học, giảm thiểu dịch bệnh gia súc, đồng thời phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 2021 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.

Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển đàn lợn, đàn bò thịt, bò sữa chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, trang trại công nghệ cao với các giống cao sản và giống địa phương có tính tiềm năng; xây dựng tối thiểu 2 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện vào năm 2025 và 3 vùng cấp huyện đến năm 2030.

Tầm nhìn đến năm 2045, chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, sản phẩm chăn nuôi được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, gia trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học và thân thiện môi trường, khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; 100% sản phẩm thịt gia súc hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu.

Phát biểu tại chuỗi sự kiện công bố vùng an toàn dịch bệnh huyện Tân Châu mới đây, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Bằng trách nhiệm của mình, chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất và trân trọng mời gọi các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước hãy đến với Tây Ninh để cảm nhận vùng đất giàu tiềm năng, hiểu hơn về quê hương, con người Tây Ninh trách nhiệm, nghĩa tình, vững tin hiện thực hóa dự các án đầu tư tại địa phương. Chúng tôi luôn chia sẻ, đồng hành cùng các bạn. Sự thành công của các nhà đầu tư chính là sự thành công và phát triển đi lên của tỉnh”.

Vũ Nguyệt

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-cuoi-de-nganh-chan-nuoi-tay-ninh-dinh-vi-tren-thi-truong-quoc-te-a173048.html