Đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt bão

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn về thị trường, lãi suất, giá thuê đất... cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng rất cần được các ngành, các cấp của hệ thống chính trị và người dân thành phố đồng hành, chia sẻ để vượt khó.

Giá thuê đất khu vực ven biển Đà Nẵng đã tăng gấp 4 lần khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Sớm giảm tiền thuê đất

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch khu vực ven biển Ngũ Hành Sơn phản ánh giá thuê đất theo chu kỳ 2020-2024 tăng trung bình gấp 4 lần (do bảng giá đất được áp dụng tiệm cận với giá thị trường) khiến doanh nghiệp kiệt quệ, rơi vào tình trạng nợ thuế hàng chục tỷ đồng. Theo phản ánh của một doanh nghiệp kinh doanh khu nghỉ dưỡng ven biển Ngũ Hành Sơn, từ năm 2012 đến nay có 3 chu kỳ tăng giá đất, chu kỳ 2012 - 2016 thuê đất với giá 4,7 tỷ đồng, 2017 - 2021 tăng lên 35 tỷ đồng và giai đoạn 2022 - 2026 lên đến 121 tỷ đồng. Từ khi đại dịch xảy ra đến nay, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh thu thấp, không đủ trang trải chi phí hoạt động, nay giá thuê đất điều chỉnh tăng cao từ 300-400% khiến doanh nghiệp càng lao đao. Hiện giá đất trên thị trường đã giảm 30-50% so với thời điểm trước đại dịch, nhiều doanh nghiệp kiến nghị thành phố điều chỉnh giá thuê đất phù hợp. Tại hội nghị gặp gỡ giữa chính quyền và doanh nghiệp mới đây, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Kiểm toán-Thẩm định giá và tư vấn Ecovis AFA Việt Nam đề nghị thành phố xem xét điều chỉnh giá đất trong thẩm quyền, như điều chỉnh tỷ lệ giữa đất ở và đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong giai đoạn này, thành phố đã giảm tỷ lệ tiền thuê đất từ 3% xuống còn 1%; tỷ lệ đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh so với đất ở từ 90% đã đưa xuống đất thương mại dịch vụ là 70%, đất sản xuất kinh doanh 50%. Tuy vậy, do bảng giá đất năm 2019 được tính sát giá thị trường nên chu kỳ 2020-2024 giá thuê đất tăng cao, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp càng gặp khó. Từ phản ánh của doanh nghiệp, hiện thành phố đang rà soát lại toàn bộ bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ điều tiết, tỷ lệ nộp tiền thuê đất, tỷ lệ giữa đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh so với đất ở để trình Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp cuối năm nay.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay để duy trì sản xuất ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp rất cần sự đồng hành, sẻ chia của thành phố.

Động lực vượt "bão"

Trong bối cảnh thị trường suy giảm, kinh doanh khó khăn thì việc hạ lãi suất, nới room tín dụng, có ý nghĩa quan trọng để doanh nghiệp vượt khó. Ông Nguyễn Trọng Hiếu cho biết, hiện rất ít doanh nghiệp được thụ hưởng từ chính sách hạ lãi suất, cũng như tiếp cận nguồn vay với các điều kiện nới lỏng. Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại không có chính sách rõ ràng, nhất là các chính sách liên quan đến mua bảo hiểm, bán trái phiếu, thời gian trả nợ…dẫn đến doanh nghiệp hiểu nhầm, gặp vướng mắc khi tiếp cận nguồn vốn. Ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay ngành ngân hàng đã có nhiều động thái để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là việc giảm lãi suất. Theo ông Minh, không phải doanh nghiệp nào cũng cần ngân hàng, bởi vì các doanh nghiệp có vốn tự có, có mối quan hệ, có tín dụng thương mại, không cần ngân hàng vẫn có thể tồn tại được. Ngược lại ngân hàng không có doanh nghiệp sẽ tồn tại rất nhiều khó khăn, vì vậy ở đây là mối quan hệ cộng sinh, cùng đồng hành, hỗ trợ phát triển. Thực tế, tổng dư nợ ngân hàng cho vay tại Đà Nẵng 9 tháng qua đã tăng khoảng 1,5% cùng kỳ, tương đương khoảng 211 ngàn tỷ đồng.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố luôn thấu hiểu, chia sẻ khó khăn và cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Minh, hơn 38,7 ngàn doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn không chỉ thể hiện vai trò chủ lực thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố, mà còn đóng góp quan trọng cho an sinh xã hội. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ doanh nghiệp thành phố đã nêu cao tinh thần chia sẻ, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, nỗ lực thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động và ủng hộ cho người dân nhiều vật tư, trang thiết bị y tế. Ông Minh nói, lãnh đạo thành phố luôn thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa. Thành phố sẽ ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp để chủ động tháo gỡ, giúp doanh nghiệp một cách thấu đáo, triệt để, đến nơi đến chốn, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển.

Trước những khó khăn bủa vây, từ đầu năm đến nay có hơn 3 ngàn doanh nghiệp (khoảng 10%) tại Đà Nẵng đã đóng cửa, rời khỏi thị trường. Dự báo những khó khăn sẽ còn tiếp diễn, để tồn tại, duy trì hoạt động ngoài nội lực tự thân, bản lĩnh của đội ngũ doanh nhân, người trực tiếp "lèo lái" con thuyền doanh nghiệp mình vượt "bão", thì rất cần sự đồng hành, hỗ trợ, tạo động lực từ phía các cấp chính quyền, ngành chức năng thành phố.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/dong-hanh-chia-se-cung-doanh-nghiep-vuot-bao-post284757.html