Đóng cửa rừng, rừng vẫn mất!

Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đóng tất cả cửa rừng tự nhiên tại Tây Nguyên nhằm bảo vệ những cánh rừng còn sót lại. Tuy nhiên, trên Tỉnh lộ 666 huyện Mang Yang, Gia Lai, xe độ chế chở gỗ lậu vẫn ngang nhiên hoạt động...

Trạm kiểm soát có như không

Theo phản ánh của một số người dân sống ven Tỉnh lộ 666, tình trạng những chiếc xe máy độ chế, xe máy chở gỗ lậu đã xuất hiện từ lâu và hiện vẫn tiếp diễn… Mỗi lần chở gỗ, lâm tặc thường đi theo nhóm khoảng 5 xe máy chuyên dụng, có thể chở theo những khối gỗ nặng đến hàng tạ. Để tránh bị phát hiện, nhóm lâm tặc này thường chở gỗ cách nhật, cứ đi một ngày nghỉ một ngày…

Những thân gỗ lớn bị đốn hạ dấu còn tươi mới. Ảnh: Đăng Nhật

Theo ghi nhận của NTNN, trên tuyến đường này, khoảng 15 giờ, các loại xe máy chở gỗ từ các cánh rừng ở xã Lơ Pang (huyện Mang Yang) bắt đầu rầm rập đổ ra Tỉnh lộ 666. Từng chiếc xe máy chở theo những hộp gỗ vuông vắn dài đến 2m chạy nghênh ngang trên đường. Xe đang lưu thông trên đường phải lách xuống lề nhường lối cho họ... Tới địa phận làng Đăk Lăh, xã Lơ Pang, các nhóm lâm tặc này liền rẽ vào đường bê tông liên thôn đi xuyên qua các làng A Lao, Mỹ Văn dẫn về Quốc lộ 19 đoạn qua xã Đăk Ya nhằm tránh sự kiểm soát của Trạm Kiểm lâm xã Đăk Jrăng và Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang… Anh H - công nhân trồng cỏ của một công ty tại khu vực làng Blen (xã Lơ Pang) cho biết: “Dân khai thác gỗ lậu cứ cách 2 ngày lại đi qua đây một lần. Chúng tôi ở đây thường xuyên nên gặp họ suốt. Nhiều khi đường của họ nát quá không qua được, họ cắt cả hàng rào của chúng tôi để băng qua…”. Anh H cũng cho biết rất khó để có thể lên được nơi lâm tặc đang cưa gỗ, vì để lên được các khu rừng còn gỗ cần phải đi qua nhiều núi đồi, sông suối và phải có loại xe máy chuyên dụng mới vào được tận nơi lâm tặc phá rừng...

Theo chỉ dẫn của một người dân thông thạo đường rừng, chúng tôi lần theo đường đi của lâm tặc và tiếp cận các tiểu khu thuộc sự quản lý của Công ty TNHH -MTV Lâm nghiệp Kon Chiêng. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các tiểu khu này nhiều cây gỗ hương bị đốn hạ cành lá còn chưa héo hẳn. Nhiều cây gỗ có đường kính 80cm - 1m bị đốn hạ nằm trơ gốc. Một số cây đã bị đốn hạ từ lâu, nhưng dấu vết xẻ gỗ để lấy lõi còn rất mới. Điều này chứng tỏ lâm tặc đã hoạt động khá thường xuyên tại các khu vực này…

“Chưa phát hiện được vụ nào gần đây”

Chiều 8.8, trao đổi với NTNN qua điện thoại, ông Lê Văn Cậy – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Chiêng cho biết vẫn chưa thể xác định được khu vực phản ánh có thuộc lâm phần của công ty này hay không. Lý do là khu vực phóng viên tiếp cận nằm giáp ranh giữa lâm phần của công ty, Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Ra và UBND xã Hà Ra quản lý…

Tuy nhiên, ông Cậy cũng thừa nhận tại lâm phần do công ty ông quản lý có việc lâm tặc đốn hạ và chở gỗ ra khỏi rừng. “Trước đây, công ty cũng đã bắt được một số vụ việc rồi giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang xử lý. Tuy nhiên, gần đây chưa phát hiện vụ việc nào… Tại khu vực cửa rừng, công ty đã đặt trạm quản lý bảo vệ rừng tại làng B’lên, thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt. Mặc dù vậy, nhiều người thường lấy lý do đi cắt cỏ cho bò, chở nông sản để qua trạm lên rừng. Lúc xuống chở gỗ thì lâm tặc đi đường khác để qua chốt. “Bây giờ cũng không thể quản lý hết được vì đường khai thác cũ có nhiều lối. Lâm tặc đi bằng xe máy luồn lách trong rừng nên anh em đi tuần tra cũng khó bắt gặp” – ông Cậy phân trần...

Còn ông Nguyễn Long Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cho biết: “Nếu để xảy ra phá rừng, đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp phải chịu trách nhiệm”. /.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/phap-luat/dong-cua-rung-rung-van-mat-700009.html