Đồng chí Nguyễn Thị Thập là niềm tự hào, tấm gương sáng của quê hương Tiền Giang

Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra tại tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), đồng chí Nguyễn Thị Thập có vai trò và đóng góp to lớn. Gần 70 năm tham gia cách mạng, hơn 60 năm chiến đấu liên tục trong đội ngũ của Đảng, được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách, ở vị trí nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhân dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Thị Thập, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết:Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tuy chưa thắng lợi hoàn toàn, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và tồn tại không bao lâu, nhưng tác dụng rõ rệt là tinh thần quần chúng được nâng lên, nhân dân vui mừng, tin tưởng hơn vào cách mạng.

Cuộc khởi nghĩa cũng nêu cao lòng yêu nước, căm thù giặc, quyết tâm chống lại cường quyền. Đó là cơ sở vững chắc để quân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì tiếp tục đấu tranh cho đến ngày giành được chính quyền cách mạng năm 1945.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập trò chuyện với các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Chiến, Trần Thị Lý và Ngô Thị Tuyền.

* Phóng viên (PV): Đầu năm 1940, Tỉnh ủy Mỹ Tho xác định rõ phạm vi, mục tiêu… của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về cuộc khởi nghĩa này?

* Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh: Đầu năm 1940, Tỉnh ủy Mỹ Tho được củng cố, từng bước chuyển hướng lãnh đạo nhân dân đối phó với sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, vừa tập trung củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể, mặt trận từ tỉnh, quận đến làng, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc đấu tranh vũ trang. Tỉnh ủy quyết định chọn rừng Ba U làm căn cứ kháng chiến. Các quận cũng chọn nơi có cơ sở phong trào mạnh làm căn cứ như: Bắc quận Châu Thành, bắc quận Cai Lậy, bắc quận Cái Bè…

Những căn cứ này đều nằm trong vùng Đồng Tháp Mười liên hoàn với căn cứ tỉnh. Song song đó, Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho được hình thành, các Hội Phản đế cũng phát triển như: Công hội, Nông hội, Hội Phản chiến, Hội Thanh niên phản đế, các chi bộ cũng tổ chức được những đội cảm tử.

Tháng 7 đến tháng 8-1940, địch khủng bố ngày càng dữ dội. Những người dân trốn lính, quần chúng tốt, tích cực không thể ở lại địa phương, phải chạy theo cách mạng vào Tân Lập, rừng Ba U. Tháng 9 đến tháng 10-1940, số người theo cách mạng ngày càng đông, tăng thêm gấp mấy tháng trước. Bà con chở vào tiếp tế cho cách mạng đủ các thứ: Gạo, mắm, muối, heo, gà, vải vóc, máy khâu, thùng thiếc, tre, diêm sinh…

Anh em cùng nhau in truyền đơn, rèn vũ khí, đốt than tràm, chẻ lạt tre, làm thuốc pháo, làm loa… Các cuộc hội họp, thảo luận, tranh luận sôi nổi diễn ra thường xuyên. Tinh thần cách mạng lên cao; mọi người đang trong không khí chờ đợi lệnh khởi nghĩa.

Đầu tháng 11-1940, Tỉnh ủy họp ở Thạnh Phú, Châu Thành nhằm triển khai Nghị quyết tháng 10-1940 của Xứ ủy, kiểm điểm tình hình chuẩn bị và xây dựng kế hoạch khởi nghĩa; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ trong Tỉnh ủy và các Quận ủy.

Tỉnh ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ chủ chốt của tỉnh và của quận; trong đó, đồng chí Nguyễn Thị Thập phụ trách Lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh (đang ở căn cứ Ba U) phối hợp lực lượng khởi nghĩa tại chỗ giành chính quyền các xã Tam Hiệp, Long Định, Long An…, uy hiếp lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A).

Tỉnh ủy xác định đây là cuộc khởi nghĩa đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh, mục tiêu là giành chính quyền về tay nhân dân. Tỉnh ủy Mỹ Tho chủ trương thành lập Ủy ban Khởi nghĩa ở các cấp và khi giành được chính quyền, chuyển các Ủy ban Khởi nghĩa sang làm nhiệm vụ của chính quyền cách mạng. Đến gần ngày khởi nghĩa, Tỉnh ủy, Ban Quân sự thành lập các Ban của Ủy ban Khởi nghĩa: Ban Tham mưu, Ban Tác chiến, Ban Binh vận, Ban Hậu cần, Cứu thương…

Đêm 22 và rạng sáng 23-11, cùng một lúc các nơi phải đánh chiếm các đồn. Châu Thành là trọng điểm khởi nghĩa của tỉnh Mỹ Tho, đồng chí Nguyễn Văn Trọng được phân công phụ trách tại đây. Đồng chí Nguyễn Thị Thập được phân công trong Ban Chỉ huy theo dõi cánh quân đánh đồn Tam Hiệp, Châu Thành.

* PV: Trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, đồng chí Nguyễn Thị Thập giữ vai trò quan trọng, góp phần thành công chung của cuộc khởi nghĩa?

* Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh: Rạng sáng ngày 23-11-1940, đồng chí Nguyễn Thị Thập chỉ huy cánh quân tiến tới đồn Tam Hiệp. Đoàn quân khởi nghĩa đi đến đâu, nhân dân hưởng ứng đi theo ngày càng đông đến đấy. Trống mõ vang dội, người ùn ùn đi tới, đầu người đen kịt, nhấp nhô dáo mác, gậy gộc. Dòng thác phẫn nộ ào ào tiến tới bao vây đồn Tam Hiệp.

Loa vừa cất lên “Alô! Alô”, súng trong đồn đã bắn ra. Nghĩa quân hò reo xông tới, bất chấp súng đạn vèo vèo. Có người ngã xuống, có người bị thương, đoàn người vẫn hô vang “Tiến lên! Tiến lên!”. Những người phía xa còn chưa xông kịp tới đồn thì từ trong đồn, một lá cờ trắng buộc vội bằng chiếc khăn bông trên đầu ngọn sào run rẩy thò lên.

Bọn địch đầu hàng trước khí thế hùng mạnh của nghĩa quân. Cánh quân do đồng chí Nguyễn Thị Thập chỉ huy giành quyền làm chủ Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp, Long An lúc 8 giờ sáng ngày 23-11. Sau đó, đồng chí chỉ huy lực lượng tự vệ tiến ra Long Định để tiếp ứng với quân khởi nghĩa của ta do đồng chí Nguyễn Văn Tân chỉ huy. Đến nơi thì trận chiến đã xong, bọn địch đã rút về Cai Lậy.

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, 2 cánh quân do đồng chí Nguyễn Văn Tân và Nguyễn Thị Thập chỉ huy, một rút về căn cứ Ba U cùng với tất cả các thương binh, cánh quân này có nhiệm vụ uy hiếp lộ 4 và bảo vệ căn cứ; một rút về đình Long Hưng để bảo vệ chính quyền nhân dân.

Hòa chung với khí thế cuộc khởi nghĩa của tỉnh Mỹ Tho và cả miền Nam, đồng bào đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Tiếng bước chân rầm rập, rung chuyển mặt đất, rung chuyển cả bầu trời. Những con người hằng ngày cần cù, nhẫn nhục, nén chịu áp bức, bất công triền miên đã ngửa mặt lên, hướng theo lá cờ và tiếng gọi của Đảng, vùng dậy.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập nhìn phía trên đầu là tấm băng vải đỏ, chữ trắng: Khởi nghĩa tiến tới thành lập chính quyền công nông cách mạng. Trong khí thế hào hùng đó, đồng chí như quên hẳn đang có thai gần kỳ sinh nở…

Tóc búi cao, quần xắn đến gối, đồng chí Nguyễn Thị Thập thắt chặt bụng chửa bằng chiến khăn rằn, khi lên trước, khi chạy ngược trở lại sau nhắc nhở anh em chỉnh tề đội ngũ mà người cứ nhẹ tênh tưởng như mình còn con gái. Đồng chí hòa cùng người dân, trước khí thế cách mạng, tâm hồn vui mừng, tinh thần hăng hái, tràn đầy phấn khởi, tin tưởng.

Khoảng 12 giờ trưa ngày 23-11-1940, các mũi tiến công quay trở về đình Long Hưng thành lập chính quyền công nông cách mạng của tỉnh. Cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trước đình. Trước cổng trụ sở (Đình Long Hưng), một băng rôn được treo với dòng chữ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc”. Nơi đây trở thành tổng hành dinh cách mạng tỉnh Mỹ Tho.

Ngay trong ngày 23-11-1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và tổ chức cuộc mít tinh có hơn 3.000 người dự để ra mắt nhân dân. Đồng chí Nguyễn Thị Thập được phân công phụ trách thường trực. Đồng thời, đồng chí cũng là thành viên của Hội đồng Tóa án tỉnh Mỹ Tho.

* PV: Tinh thần kiên trung, bất khuất của đồng chí Nguyễn Thị Thập không chỉ dừng lại ở cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh: Tiếp nối truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Thập không quản ngại gian khổ, hy sinh, luôn kiên trung với cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra tại tỉnh Mỹ Tho, đồng chí Nguyễn Thị Thập có vai trò và đóng góp to lớn.

Sau khởi nghĩa Nam kỳ, đồng chí tiếp tục tham gia cuộc chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Giống như rất nhiều người phụ nữ Việt Nam, đồng chí cũng là vợ liệt sĩ, là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khi có chồng và 2 con trai hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và cuộc đời cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng quê hương. Đồng chí từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1955 - 1974), là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI, Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa II đến khóa IV.

Đồng chí là niềm tự hào, là tấm gương sáng của quê hương Tiền Giang giàu truyền thống cách mạng, điển hình cho tinh thần kiên cường, bất khuất của người phụ nữ miền Nam nói riêng và cả nước nói chung trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

* PV: Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Tiền Giang anh hùng, tiếp nối tinh thần kiên trung, bất khuất của đồng chí Nguyễn Thị Thập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?

* Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh: Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Tiền Giang, trong nửa nhiệm kỳ qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Tỉnh ủy; bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn như: Hạn - mặn, đại dịch Covid-19, những vấn đề phát sinh mới về an ninh trật tự… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, cùng với sự giám sát chặt chẽ của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; sự nỗ lực phấn đấu của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung ương và sự ủng hộ của các đồng chí lão thành cách mạng, của nhân dân, nên hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả tích cực; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đời sống và thu nhập của người dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính ngày càng nâng cao.

Ban Chấp hành Đảng bộ và cả hệ thống chính trị tỉnh nhà luôn đề cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu để vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, của doanh nghiệp, chủ động hội nhập kinh tế vùng, hội nhập quốc tế; giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...

Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao niềm tin trong nhân dân; không ngừng đổi mới, sáng tạo; phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

HUY LÊ (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phong-van-doi-thoai/202310/dong-chi-nguyen-van-vinh-pho-bi-thu-tinh-uy-chu-tich-ubnd-tinh-tien-giang-dong-chi-nguyen-thi-thap-la-niem-tu-hao-tam-guong-sang-cua-que-huong-tien-giang-992569/