Đồng bào Khmer Sóc Trăng phấn khởi được thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện hiệu quả, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh Sóc Trăng.

Nội dung

Thêm nhiều công trình giao thông nông thôn

Giúp người dân ổn định chỗ ở, xây mới nhiều căn nhà

Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm 35,44%), giai đoạn 2021 -2025, Sóc Trăng có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 128 ấp đặc biệt khó khăn.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng.

Thêm nhiều công trình giao thông nông thôn

Huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm gần 52%), thời gian qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền cùng tinh thần vượt khó vươn lên của đồng bào Khmer mà hiện nay đời sống của bà con ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc.

Xã Thuận Hòa (huyện Châu Thành) từng là xã đặc biệt khó khăn, đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm hơn 70%). Để thực hiện đồng bộ và hiệu quả các dự án hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG 1719, bà Đặng Thị Diễm Phương, Chủ tịch xã Thuận Hòa cho biết: Từ năm 2022 đến nay, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã đã xây dựng được một số công trình giao thông nông thôn (tuyến đường và cầu bêtông), rộng 3m, chiều dài 2,5km, với tổng kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng và duy tu bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng, góp phần hỗ trợ địa phương trong việc hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, tuyến đường bêtông ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa (huyện Châu Thành) được đầu tư xây dựng, phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển nông sản của người dân.

"Cũng từ nguồn vốn của chương trình này, năm 2022 cũng đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 14 hộ dân và chuyển đổi ngành nghề cho 8 hộ, tổng kinh phí 122 triệu đồng. Trong năm 2023, huyện Châu Thành giao chỉ tiêu cho xã đối với hỗ trợ nhà ở là 38 hộ, chuyển đổi ngành nghề 41 hộ và nước sinh hoạt phân tán 20 hộ. Hiện xã đã họp dân và lập danh sách đề nghị để khi có nguồn vốn, sẵn sàng triển khai" - bà Phương nói.

Ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa nơi có đông bà con Khmer sinh sống với sinh kế gắn liền cùng sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng màu. Nhiều con đường đất mặc dù đã từng được nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa mỗi khi vào đợt thu hoạch rộ, bởi bề rộng mặt đường vẫn còn hạn chế.

Ông Thạch Được, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Sa Bâu chia sẻ: "Ấp Sa Bâu vừa được đầu tư con đường rộng 3m từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, bà con nơi đây rất phấn khởi. Từ nay việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn, tôi cũng vận động bà con trồng hoa kiểng, bảo dưỡng con đường để được sử dụng lâu dài hơn".

Giúp người dân ổn định chỗ ở, xây mới nhiều căn nhà

Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) là huyện có đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm trên 53%), có 10 xã, thị trấn có người dân thiểu số được thụ hưởng Chương trình MTQG 1719 đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ông Thạch Văn Mến, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Trần Đề cho biết: Nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà ở ổn định, an toàn, có khả năng chống chịu các tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Hiện Trần Đề có hơn 200 hộ được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở từ Chương trình MTQG 1719. Dự kiến khoảng 60 căn nhà được xây dựng hoàn thành trong năm 2023.

Ông Lý Phonl (đứng giữa) ấp Đào Viên (xã Viên Bình, huyện Trần Đề) phấn khởi có căn nhà được hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.

Cũng theo ông Thạch Văn Mến, thời gian qua, Phòng Dân tộc đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của huyện thẩm định danh sách các hộ được thụ hưởng, khảo sát thực tế để đảm bảo các hộ nghèo được hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Sắp tới, Phòng Dân tộc huyện sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 ngày càng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Là một trong những hộ dân được hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, ông Lý Phonl ấp Đào Viên (xã Viên Bình, huyện Trần Đề) vui mừng nói: "Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ để xây dựng nhà mới, tôi và gia đình rất cảm động và biết ơn. Bây giờ gia đình tôi không còn lo lắng khi tới mùa mưa phải lấy xô, chậu hứng nước trong nhà do mái bị dột nhiều nơi. Có nhà mới rồi giờ đây, vợ chồng tôi chăm chỉ làm ăn để chăm lo cho cuộc sống".

Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đến nay, Sóc Trăng có 99,1% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% các xã trên địa bàn tỉnh đều có trường tiểu học và trung học cơ sở; 100% xã có trạm y tế, trong đó có 96% xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% xã, phường, thị trấn và 100% khóm, ấp có điện lưới quốc gia; 85,52% xã, phường có nhà văn hóa và 88,26% khóm, ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng...

Theo đó, kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022, Sóc Trăng còn 15.139 hộ nghèo (chiếm 4,54% tổng số hộ, giảm 2,19% so với năm 2021) theo tiêu chí nghèo đa chiều; trong đó hộ nghèo Khmer còn 7.122 hộ (chiếm 7,01%/tổng số hộ Khmer, giảm 3,01% so với năm 2021), hộ nghèo Hoa còn 345 hộ (chiếm 2,09%).

Anh Thạch Suôl (người dân tộc Khmer, thứ 2), ở ấp Đắc Thế, xã Hồ Đắc Kiện (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) nguồn vốn từ Dự án "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" (thuộc Chương trình MTQG 1719) anh đầu tư trồng màu chuyên canh vừa giải quyết việc làm, cho thu nhập ổn định, giúp gia đình thoát nghèo bền vững.

Ông Lý Rotha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tổng kinh phí thực hiện trên 413 tỷ đồng. Từ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận, trách nhiệm của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đến ngày 15/6/2023 toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân vốn năm 2022 và năm 2023 trên 220 tỷ đồng vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Từ đó đã triển khai đầu tư xây dựng 48 công trình lộ giao thông nông thôn, 11 công trình cầu giao thông, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, 3 công trình nâng cấp mạng lưới chợ, 4 công trình nước tập trung... Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, từ đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống".

Các chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai kịp thời và đúng đối tượng đã góp phần hun đúc thêm niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, là "đòn bẩy" để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc.

Phương Nghi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dong-bao-khmer-soc-trang-phan-khoi-duoc-thu-huong-tu-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-1719-169230921113238404.htm