Đồng bằng sông Cửu Long: Trăn trở thu hút đầu tư, phát triển bền vững

(HQ Online)- Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lương thực trọng điểm cả nước, hàng năm đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, gần 70% sản lượng thủy sản xuất khẩu.

Nông sản là mặt hàng được nhiều nhà đầu tư quan tâm tại ĐBSCL. Ảnh: Đ.N.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào vùng đất này còn nhiều hạn chế, tỷ lệ vốn đầu tư FDI so với các vùng khác còn thấp nên chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của vùng. ĐBSCL cần phải có một chiến lược thu hút đầu tư lớn, có trọng điểm theo hướng phát triển bền vững.

Thu hút FDI còn khiêm tốn

Tại các cuộc hội thảo, diễn dàn được tổ chức từ ngày 11 đến 15-7 trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL 2016- Hậu Giang (Mdec- Hậu Giang 2016), nhiều đại biểu, chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh thành tựu đã đạt được, thực trạng kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế. Tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc, tiềm năng, lợi thế chưa được đầu tư khai thác đúng tầm, hệ thống kết cấu hạ tầng còn hạn chế và thiếu đồng bộ, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, đội ngũ có trình chuyên môn kỹ thuật cao, đặc biệt các ngành khoa học công nghệ còn nhiều bất cập; công tác quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực còn chậm, tính khả thi chưa cao, đặc biệt là chưa có định hướng, kế hoạch cụ thể để chủ động hội nhập quốc tế và phát triển theo hướng chất lượng, bền vững.

Về đầu tư FDI, tính đến năm 2015, ĐBSCL thu hút 1.155 dự án với tổng vốn 16,73 tỷ USD, chỉ chiếm 6% của cả nước, một con số khiêm tốn. Số doanh nghiệp ĐBSCL đến nay là 53.161 DN. Trong 6 tháng đầu năm 2016, việc thu hút FDI vào ĐBSCL vẫn chưa có sự đột phá nào. Chỉ một số tỉnh như Long An thu hút vốn mới và tăng vốn đạt 349 triệu USD, Cần Thơ 171 triệu USD, Hậu Giang 50 triệu USD, Vĩnh Long 24 triệu USD, các tỉnh khác là những con số khiêm tốn hơn nhiều. Tính đến nay, Long An là địa phương có số vốn FDI còn hiệu lực cao nhất với trên 6,3 tỷ USD, tiếp đó là Kiên Giang trên 2,9 tỷ USD, Hậu Giang 1,4 tỷ USD, Cần Thơ trên 1 tỷ USD… Theo đánh giá của các chuyên gia, FDI vào ĐBSCL không có những ngành nổi bật, chủ yếu là gia công, chế biến, thiếu ngành dẫn dắt, chỉ giải quyết được lao động việc làm, trong khi kỳ vọng của FDI là chuyển giao công nghệ và hỗ trợ DN địa phương tham gia chuỗi giá trị toàn cầu hầu như không có.

Xác định trọng điểm trong thu hút đấu tư

Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao chỉ số năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và ĐBSCL cải thiện mạnh từ 2010, trung bình có 2-3 tỉnh nằm trong tốp 5, 4 đến 5 tỉnh nằm trong tốp 10. Năm 2015 trong 10 tiêu chí đánh giá tốt nhất của từng chỉ số thì ĐBSCL chiếm đa số với 7 tiêu chí dẫn đầu. Cho thấy chính quyền địa phương chủ động và năng động trong quản lý và điều hành kinh tế. Song, những tồn tại và trở ngại từ nguồn lực lao động, các hạ tầng kỹ thuật và những chính sách riêng biệt cho vùng kinh tế này vẫn chưa được thực hiện để thúc đẩy và tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển.

Để việc thu hút đầu tư vào ĐBSCL có bước đột phá mới, hướng đến phát triển bền vững, các đại biểu, chuyên gia kinh tế tham dự Mdec- Hậu Giang 2016 cho rằng ĐBSCL cần xác định trọng tâm trong phát triển của vùng là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến hội nhập tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp toàn cầu để có kế hoạch thu hút đầu tư một cách bài bản, hệ thống. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh cho rằng, ĐBSCL muốn vươn lên và tất yếu sẽ vươn lên. Việc chuẩn bị các điều kiện để hội nhập là cơ sở để phát triển bền vững.Theo ông Chánh, sự “chủ động” còn có ý nghĩa là “hành động”, không thể chậm trễ được nữa, cần tạo chuyển biến đột phá trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng, của tỉnh. Hơn nữa, nên có các kiến nghị thấu đáo, để Trung ương có chính sách đặc thù, giải quyết được một số bức xúc của ĐBSCL. Để củng cố thêm lòng tin của DN, nhà đầu tư, ông Chánh cũng khẳng định: “Tỉnh Hậu Giang sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hiện tượng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, tạo ấn tượng tốt nhất cho nhà đầu tư”.

Ông Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI Cần Thơ thì cho rằng chưa có chính sách đặc thù riêng cho vùng ĐBSCL, nhất là liên kết vùng. Nhiều năm qua, ĐBSCL còn bị vướng bởi sự hợp tác liên kết trong quá trình đầu tư sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Chưa có sự quy hoạch đồng bộ nguồn nguyên liệu tập trung tại một số địa phương, thiếu sự phân bổ cho các tỉnh tập trung sản xuất công nghiệp chế biến, một số địa phương có lợi thế cho giao dịch thương mại, hậu cần (logistics) chưa được phát huy do chưa có mối liên kết cụ thể thông qua những chính sách từ Chính phủ. Điều này dẫn đến 13 tỉnh ĐBSCL đều giống nhau và thậm chí cạnh tranh nhau. Những tồn tại này cần phải giải quyết để việc thu hút đầu tư vào ĐBSCL được thuận lợi, nhanh chóng.

Ngoài ra, một số địa phương cũng cho rằng cần thực hiện cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, trong đó quan tâm đến các chính sách cho các DN đầu tàu, ngành, sản phẩm chủ lực tạo điều kiện dẫn dắt, thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của từng tỉnh, có khả năng nhân rộng, đảm bảo hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người nông dân.

Phát biểu tại Hội nghị “ĐBSCL chủ động hội nhập và phát triển bền vững” trong khuôn khổ Mdec- Hậu Giang 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhấn mạnh, hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp đang là thách thức lớn đối với vùng ĐBSCL cũng như cả nước. Cụ thể, 3 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng ĐBSCL là lúa gạo, thủy sản và trái cây. Do đó, các địa phương cần xác định rõ các sản phẩm này có đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài hay không. Đồng thời, xác dịnh rõ vai trò của nhà nước, DN, nhà khoa học và nông dân. Việc gia nhập cộng đồng ASEAN cũng đang là thách thức và cơ hội để hàng hóa Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng thâm nhập thì trường quốc tế. Tuy nhiên, nếu không chủ động trong việc liên kết, xác định hướng đi cũng như nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa quốc tế. Đối với việc thu hút đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao, Phó Thủ tướng lưu ý phải hết sức cân nhắc các vấn đề giống, công nghệ sinh học, đây là lĩnh vực khó thu hút đầu tư... để có chương trình, biện pháp phù hợp.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dong-bang-song-cuu-long-tran-tro-thu-hut-dau-tu-phat-trien-ben-vung.aspx