Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với hạn mặn

Trữ nước và khai thác hiệu quả nguồn nước đang là giải pháp giúp các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể sống chung với hạn hán và xâm nhập mặn, thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Xâm nhập mặn gây thiệt hại hơn 70.000 tỷ đồng/năm

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Tài nguyên Nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường, thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long khoảng 70.168 tỷ đồng/năm.

Vùng sống trên nước nhưng lại thiếu nước, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Trần Anh Tuấn cho rằng: Điều này là do hạn, mặn và phèn gây ra. Theo tính toán, nhu cầu nước sạch đến năm 2030, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần 2,5 - 2,7 triệu mét khối/ngày đêm, đến năm 2040 cần 3 - 3,2 triệu mét khối. Ông Tuấn cảnh báo: Tình trạng thiếu nước hiện nay không riêng gì trong ngành cấp nước mà cả các ngành sản xuất nông nghiệp, nước bề mặt và nước ngầm. Trong khi đó, không thể lấy nước ngầm để sử dụng nữa vì sụt lún đất; phải tính toán nguồn nước mặt cho cả dân cư đô thị, công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất.

Ruộng lúa ở xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh bị khô cháy do thiếu nước

Thực tế hiện nay, các tỉnh ven biển như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau tạm thời ổn định do có lượng nước ngầm tương đối tốt. Tuy nhiên về lâu dài nguồn nước ngầm tại các địa phương này từng bước sẽ bị giảm chất lượng. Đơn cử tại Sóc Trăng, nếu khoan giếng ở độ sâu 500m bị lấn dần xâm nhập mặn. Độ mặn trên 1/1.000 ở giếng dưới tầng sâu và các giếng tầng nông thì ô nhiễm các tập kết khác, kể cả là các kim loại nặng khó xử lý. Điều đó cho thấy xâm nhập mặn không chỉ ở trên bề mặt của các dòng sông mà cả dưới lòng đất và càng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Lý giải hiện tượng xâm nhập mặn diễn biến phức tạp những năm gần đây, Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung cho rằng: Do ảnh hưởng của thủy triều ở biển Đông và biển Tây cũng như tình trạng suy giảm của nguồn nước đến từ thượng nguồn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu nên lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hạn hán, xâm nhập mặn.

Cùng với đó, yếu tố con người cũng tác động không nhỏ gây ra tình trạng xâm nhập mặn. Công tác quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng sụt lún đồng bằng; khai thác cát lòng sông dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho cho mặn xâm nhập sâu trong nội đồng; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng.

Xem hạn mặn là thuộc tính để thích ứng

Mặc dù đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát xâm nhập mặn như: Hệ thống thủy nông Quản Lộ - Phụng Hiệp; hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre; cống đập Ba Lai, hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển đồng bằng sông Cửu Long... Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao, khó lường. Dựa trên những dự báo sớm, dự báo chuyên ngành, Bộ NN - PTNT và các địa phương đã có những chỉ đạo điều hành sản xuất hợp lý.

Về giải pháp công trình, trong vùng đã được đầu tư những dự án thủy lợi lớn như Cái Lớn - Cái Bé mang lại hiệu quả cho vùng Hậu Giang, Kiên Giang; hay cống Nguyễn Tấn Thành ở Tiền Giang mặc dù chưa xong nhưng đã kịp thời kiểm soát, nhất là bảo vệ nhà máy nước Đồng Tâm Tiền Giang. Những dự báo, đầu tư công trình, chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN - PTNT và các địa phương đã mang lại kết quả tốt, khi chủ động có dự báo sớm sẽ giảm rất nhiều tác động và thiệt hại.

Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam Trần Bá Hoằng đề xuất: Cần xem hạn mặn là thuộc tính của đồng bằng sông Cửu Long và quan tâm công tác dự báo để chủ động trong sinh hoạt, sản xuất. Cùng với đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải pháp công trình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi, để không phải lo đi chống hạn mặn.

Từ hiệu quả của đập Cái Lớn - Cái Bé, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước tỉnh Sóc Trăng Đặng Văn Ngọ cho rằng, thay vì làm cầu nối các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh cho tuyến vành đai ven biển, Chính phủ nên làm cống để vừa có thể tiết kiệm được khoản đầu tư rất lớn, vừa khép kín 8 cửa sông, giữ nước và mùa mưa, dùng vào mùa khô. Làm được như vậy, khu vực đồng bằng không phải quá lo lắng về tình trạng nước ở trên thượng nguồn có đổ về hay không.

Giới thiệu một số giải pháp trước mắt để sống chung với hạn mặn, tỉnh Cà Mau vừa khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước, vừa thực hiện các giải pháp cấp nước sinh hoạt, đầu tư các công trình hỗ trợ trữ nước. Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định chi 10 tỷ đồng cho 3 huyện thiếu nước nghiêm trọng với khoảng 13.900 hộ dân thiếu nước. Đặc biệt, ưu tiên cho các hộ dân không được tiếp cận nguồn nước phải mua nước sinh hoạt với giá từ 40.000 đến 100.000 đồng một khối nước. Tỉnh cũng đề xuất hoàn thiện hệ thống thủy lợi, trong đó đề xuất trung ương hỗ trợ khoảng 197 tỷ đồng thực hiện 5 ô thủy lợi để trữ nước trong mùa khô; hỗ trợ kinh phí từ dự án nước sạch nông thôn khoảng 241 tỷ đồng. Ngoài ra, Cà Mau cũng đề xuất hoàn thiện hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé để hy vọng nguồn nước ngọt về được Cà Mau, giảm bớt khó khăn cho người dân.

Tại Bến Tre - tỉnh cuối nguồn của dòng Cửu Long, có 4 nhánh sông và 3 tuyến cù lao, hằng năm chịu nhiều ảnh hưởng của hạn mặn, sạt lở nên người dân cũng dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh đề ra 2 giải pháp chủ động để sống chung với hạn mặn, trước tiên là bảo vệ nguồn nước cấp cho nước sinh hoạt của nhà máy nước TP. Bến Tre, các khu công nghiệp và vùng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đến nay, Bến Tre cơ bản bảo đảm được các phương án dự phòng đưa ra.

Bài và ảnh: Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/dong-bang-song-cuu-long-thich-ung-voi-han-man-i364790/