Đông Anh (Hà Nội): Người dân 2 thôn đứng ngồi không yên trước hiểm họa sạt lở

Sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận thôn Yên Hà, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP Hà Nội những ngày này luôn tấp nập bởi hàng chục chiếc xà lan neo đậu để hút cát. Được biết, toàn bộ máy móc này là của Công ty TNHH Đầu tư phát triển thương mại và dịch vụ Nhật Anh – đơn vị đang thực hiện Dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia...

Bờ đê dọc sông Hồng thuộc địa bàn thôn Yên Hà, xã Hải Bối bị sạt lở nghiêm trọng. ảnh: T.G

Nhà cửa, công trình bị hư hại

Theo phản ánh của người dân, Công ty Nhật Anh thi công dự án nạo vét này đã được một thời gian dài nhưng trước đó nhiều người sống xung quanh đó không biết quy mô dự án, tiến độ, thời gian thi công, thời gian hoàn thành như thế nào. Chỉ vào tấm bảng niêm yết ngay con kênh xã Hải Bối, bà L.T.H, một người dân trên địa bàn cho biết: “Tấm biển này mới được dựng lên, chúng tôi mới biết thông tin. Việc hút cát đã đã diễn ra từ trước đó lâu rồi. Chúng tôi thực sự lo lắng bởi việc sạt lở bờ sông sẽ ảnh hưởng đến nhà cửa và diện tích đất nông nghiệp đang canh tác”.

Trong hai ngày 13 - 14/11, chúng tôi đã có mặt tại thôn Yên Hà (xã Hải Bối) và thôn Võng La (xã Võng La, huyện Đông Anh) để quan sát, ghi nhận thực tế về hoạt động nạo vét, hút cát và hoạt động bến bãi dọc sông Hồng. Tại đây, có hàng chục chiếc xà lan với trọng tải hàng trăm tấn đang hút cát lên boong. Những chiếc xà lan cứ liên tục nối đuôi nhau hoạt động. Thậm chí vào ban đêm, những chiếc xà lan vẫn không ngừng nghỉ, cả một khoảng sông rộng luôn sáng đèn để phục vụ cho việc “nạo vét luồng sông”.

Trao đổi với PV, nhiều người dân thôn Yên Hà cho biết, vị trí tiếp giáp giữa con kênh đi qua thôn Yên Hà chảy ra sông Hồng hiện đã có hiện tượng bê tông bị đứt gãy, đổ xuống sông. “Dọc bờ đê xung quanh con kênh này cũng đã xảy ra hiện tượng tương tự. Để tránh tình trạng sạt lở trong thời gian tới, một số đoạn phải dùng lưới thép để bao lấy bờ. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân của hiện tượng này có phải do việc nạo vét lòng sông gây nên hay không?”, một người dân bức xúc nói.

Bãi tập kết vật liệu khổng lồ trái phép trên địa bàn xã Hải Bối.

Ngoài lo lắng về cuộc sống hàng ngày, điều mà những người dân đang thực sự lo ngại là một số di tích lịch sử dọc bờ sông có nguy cơ bị hư hại. Điển hình như ngôi chùa cổ Võng La, nằm ven bờ sông Hồng đã có hiện tượng sạt lở vào sâu bên trong. Để chống sạt lở, người dân đã đổ hàng trăm mét khối đất đá xuống phía trước ngôi chùa này. Không những vậy, cầu Thăng Long – một trong những cây cầu có tuổi đời đã mấy chục năm cũng đang bị đe dọa về sự an toàn.

Ở khu vực dọc hai bên bờ sông, hàng chục chiếc xà lan cũng tấp nập vào neo đậu để chuyển cát và các vật liệu xây dựng khác lên bến bãi. Theo Quyết định số 711/QĐ-UBND, ngày 1/2/2013 của UBND TP Hà Nội thì toàn bộ khu vực bờ sông Hồng của xã Hải Bối không hề được phê duyệt quy hoạch để làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng. “Việc này chẳng nhẽ chính quyền địa phương không biết?", bà H đặt câu hỏi.

Xe tải cày xới mặt đê

Những chiếc xà lan đang hút cát trên sông Hồng thuộc Dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa.

Theo Khoản 2, Điều 22, Thông tư 69/2015/TT-BGTVT,ngày 9/11/2015 của Bộ Giao thông vận tải, khi triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư bắt buộc phải có bảng niêm yết các thông tin về cơ quan phê duyệt dự án, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn giám sát, quy mô dự án, tiến độ thi công dự án, thời gian thi công, thời gian hoàn thành, nguồn vốn thực hiện, hình thức thực hiện dự án. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, trong tấm biển niêm yết trên bờ sông thuộc địa bàn thôn Yên Hà, những điều mà người dân quan tâm nhất là quy mô dự án, tiến độ thi công dự án, thời gian thi công, thời gian hoàn thành đã không được đề cập. Với cách thông tin như vậy không chỉ gây băn khoăn, nghi ngờ trong dân, mà khiến người dân cũng không thực hiện được chức năng giám sát của mình.

Ngoài việc nạo vét, hút cát dưới dòng sông thì còn một vấn đề khác cũng khiến người dân bức xúc, đó là việc hàng loạt bến bãi đang hoạt động trên địa bàn xã Hải Bối cùng với đó là tình trạng mất trật tự an toàn giao thông, bụi bặm và vi phạm nghiêm trọng về pháp luật đê điều, phòng chống lụt bão.

Trong hai ngày thực tế tại địa phương này, chúng tôi đã quan sát được hàng trăm chuyến xe chở cát từ bến bãi dọc đoạn sông Hồng này đi lên con đê dọc xã Hải Bối mà không thấy có sự kiểm soát nào của cơ quan chức năng. Mặc dù đã có biển báo cấm xe có tải trọng trên 10 tấn (một số đoạn là 7 tấn) lưu thông trên tuyến đê này, nhưng những chiếc xe chở cát và vật liệu xây dựng có dấu hiệu quá tải, quá khổ vẫn nặng trĩu bò lên con đê, dẫn đến lớp bê tông phủ mặt đê bị cày xới.

Để làm rõ những vấn đề mà người dân đã phản ánh, ngày 11/11 chúng tôi đã đặt lịch và liên hệ nhiều lần để làm việc với lãnh đạo xã Hải Bối, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam…nhưng đều được báo là đang bận. Không những vậy, khi làm việc với Trưởng thôn Yên Hà là ông Nguyễn Đăng Toản để làm rõ những phản ánh của người dân, nhưng ông Toản từ chối tiếp báo chí vì “phải có giấy giới thiệu của lãnh đạo xã Hải Bối” thì mới làm việc, vì đó là “quy định của địa phương”(?).

Trước những vấn đề mà người dân phản ánh, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội rất cần vào cuộc, kiểm tra, làm rõ.

Theo quy định của pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão mùa mưa, những bến bãi bên bờ sông phải có độ cao dưới 4m, nhưng qua quan sát của chúng tôi, tất cả các bến bãi chứa cát và vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Hải Bối, xã Võng La đều cao hơn quy định. Ngoài ra, hàng loạt bến bãi đang hoạt động rầm rộ ở đây không thấy có biển báo về công ty, doanh nghiệp hoặc cá nhân nào làm chủ. Theo Quyết định số 711/QĐ-UBND, ở xã Hải Bối không được quy hoạch bến bãi cát, sỏi và vật liệu xây dựng nhưng không hiểu vì sao vẫn tồn tại?

Trong một sự việc khác, ngày 11/11vừa qua, Cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP. Hà Nội đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Nguyệt Nga (56 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Tùng về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”.

Theo cơ quan điều tra, bà Nga đã có hành vi lợi dụng việc được cơ quan Nhà nước cấp phép thực hiện dự án nạo vét, tận thu sản phẩm cát tại đoạn cạn Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) và Võng La (huyện Đông Anh) trên sông Hồng để khai thác cát trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng. Từ tháng 1 đến tháng 4/2015, công ty của bà Nga đã huy động phương tiện khai thác cát trái phép không đúng vị trí trong giấy phép với tổng khối lượng 835.485,5 m3. Trong đó, lượng cát đã bán là hơn 450.000m3, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 8,3 tỷ đồng.

Theo nhiều người, vụ việc của bà Nga chỉ là phần nổi của tảng băng. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp đã lợi dụng danh nghĩa nạo vét, duy tu luồng lạch để khai thác khoáng sản trái quy định của pháp luật.

P.Bình – Đ.Việt

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dong-anh-ha-noi-nguoi-dan-2-thon-dung-ngoi-khong-yen-truoc-hiem-hoa-sat-lo-2016111809262181.htm