Donald Trump trở thành TT Mỹ, ông Putin chưa chắc sẽ gặp lợi

Nếu muốn gần gũi hơn với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, ông Putin sẽ phải hi sinh nhiều thứ, đặc biệt là những chính sách cốt lõi giúp ông củng cố quyền lực.

Với chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhiều khả năng ông Putin sẽ không còn trong thế bị cô lập mà sẽ được “tái khởi động” với những mục tiêu dài hạn mới trong tầm tay: một quan hệ bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau cùng với Mỹ, đồng thời được Washington công nhận “vùng ảnh hưởng” riêng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ phải đánh đổi nhiều về chính sách để cải thiện quan hệ với Washington.

Nếu ông Donald Trump thực sự là một nhà thương thuyết thì ông Putin sẽ phải từ bỏ nhiều chính sách cốt lõi, gồm chủ nghĩa chống Mỹ hay bảo hộ kinh tế, những thứ đã tạo nên danh tiếng và uy tín của ông Putin trong những năm tại vị. Bên cạnh đó, những phức tạp mới có thể phát sinh giữa hai nước khi bàn về những vấn đề cũ, nhất là vấn đề đông Ukraine.

Từ trước tới nay, ông Putin xây dựng chính sách đối ngoại thông qua một tiền đề căn bản: Mỹ luôn là đối thủ cơ bản và chủ yếu của Nga. Mỗi chính sách, mỗi bài phát biểu hay các cuộc họp ngoại giao, các chương trình đều xoay quanh tư tưởng đó.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi đột nhiên sự đối đầu ấy bỗng nhiên biến mất? Ông Putin sẽ phải tìm một hình ảnh khác về Washington để thay thế chiến dịch tuyên truyền về một nước Mỹ ngạo mạn và luôn bị ám ảnh bởi quyền lực.

Một lựa chọn tối ưu nhất cho ông Putin là củng cố chủ nghĩa dân tộc, nhưng điều đó có thể khiến nước Nga bị chia rẽ bởi xã hội tồn tại những nhóm đa sắc tộc, đa tôn giáo. Trên thực tế, ông Putin đã bàn thảo về việc cần một đạo luật về mối quan hệ giữa các nhóm sắc tộc ở Nga.

Ngoài ra, ông Putin có thể sẽ đổi hướng, xây dựng hình ảnh một đối thủ khác thay vì Washington, có thể là Liên minh châu Âu hoặc Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Tuy nhiên, cả hai đối tượng trên chưa đủ tầm cỡ của một đối thủ là siêu cường lâu năm như Mỹ. Hoặc có thể ông Putin sẽ phải giảm nhẹ mức độ đối địch của Mỹ tại Nga.

Khi Nga, Mỹ gần gũi hơn, có thể ông Trump sẽ quyết định gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Moscow, và điều đó có thể khiến chiến lược kinh tế của ông Putin bị xáo trộn.

Để ứng phó với lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ do Nga sáp nhập Crimea và vấn đề đông Ukraine, ông Putin đã cho cấm nhập khẩu thực phẩm từ châu Âu và Mỹ, tạo động lực đáng kể cho các hãng sản xuất trong nước.

Thêm vào đó, ông Putin triển khai chương trình trợ giá cho các nhà sản xuất Nga, đặc biệt là lĩnh vực điện tử, phần mềm, thiết bị máy móc, dược phẩm…

Nhưng điều gì xảy ra nếu ông Trump đề nghị ông Putin bãi bỏ các biện pháp bảo hộ, khiến nhà sản xuất trong nước phải cạnh tranh với các doanh nghiệp phương Tây như một “lời cảm ơn” với việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt từ Mỹ? Khi đó, chiến lược kinh tế của ông Putin có thể sụp đổ và ông phải chịu phản ứng từ những doanh nghiệp trong nước vốn tin rằng họ sẽ được nhà nước bảo hộ trong nhiều năm tới.

Vấn đề Ukraine cũng có thể bị tác động do lệnh trừng phạt bị bãi bỏ đột ngột. Những lệnh trừng phạt này gắn liền với tiến trình thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk 2 được thông qua hồi tháng 2/2015 bởi Ukraine, Nga, Pháp và Đức.

Các nước châu Âu khẳng định rằng lệnh trừng phạt sẽ được duy trì tới khi cả Nga và Ukraine đạt được tiến bộ trong việc thực hiện thỏa thuận trên. Nga có trách nhiệm giám sát việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, gồm việc rút các vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến. Nếu Mỹ cho dỡ bỏ lệnh trừng phạt trước khi Minsk 2 được thực thi đầy đủ, Ukraine sẽ không có nhiều lý do để gây sức ép với phong trào ly khai ở miền đông nước này.

Trên thực tế, nhiều học giả Ukraine đề nghị Donetsk và Lugansk được tự trị. Bất kỳ quyết định ra đi nào của Kiev khỏi miền đông Ukraine cũng có thể khiến ông Putin tiến thoái lưỡng nan. Điện Kremlin không thể tiếp tục gây sức ép với Kiev trong khi buộc phải hỗ trợ tài chính và hành chính về lâu dài cho hoạt động tự trị của hai tỉnh trên.

Rõ ràng, chiến thắng của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã đặt ra thách thức mới cho Tổng thống Nga Putin nếu ông muốn Moscow xích lại gần Washington hơn. Chính sách của ông Putin luôn linh hoạt, vì thế ông sẵn sàng chấp nhận đánh đổi để quan hệ hai nước được cải thiện.

Nhưng uy tín của ông lại gắn bó trực tiếp với chính sách đối đầu với Mỹ và những biện pháp bảo hộ, nên ông Putin phải tìm một đối thủ mới. Nếu không làm được điều đó, ông Putin sẽ phải tìm ra phương thức riêng để giành được sự ủng hộ của dư luận.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/donald-trump-tro-thanh-tt-my-ong-putin-chua-chac-se-gap-loi-a307989.html