Donald Trump - Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sẽ 'dập bài, chia lại'?

Vào ngày 8/11, màu đỏ rực rỡ trên bản đồ bầu cử đã đưa ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump chính thức trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước này. Chiến thắng của Trump chính là sự kiện chính trị thu hút nhất năm 2016 và có thể nó sẽ tạo ra nhiều thay đổi lớn ở nước Mỹ cũng như toàn thế giới.

Một nước Mỹ không hào hứng với người nhập cư

Một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Trump là xóa bỏ những ảnh hưởng từ các chính sách của Tổng thống đương nhiệm Obama.

Nhà tỉ phú từng thề sẽ “hủy tất cả sắc lệnh, văn bản và chỉ thị” của Tổng thống Barack Obama để thực hiện lời hứa “Làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa”. Các thay đổi đó tập trung vào người nhập cư, cải cách Washington, thương mại, đối ngoại, năng lượng và môi trường, và chương trình bảo hiểm y tế ObamaCare .

Một trong số những chính sách có ảnh hưởng nhất là về người nhập cư. Theo những gì mà ông Trump tuyên bố, ông sẽ trục xuất tất cả dân nhập cư bất hợp pháp từng có tiền án, tiền sự. Các khảo sát cho thấy, những đối tượng này tại Mỹ vào khoảng 168.000 người.

Tuy nhiên, theo ông Trump nếu tính cả những người vi phạm luật giao thông thì con số sẽ rơi vào khoảng 2 triệu người. Một con số không hề nhỏ và chính điều này đang khiến hàng triệu người của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cảm thấy bất an về chuyện bị trục xuất.

Thêm nữa, nếu dưới chế độ của Tổng thống Obama, hàng năm, vẫn có 55.000 người được phép nhập cảnh vào Mỹ để lấy visa theo chương trình “Xổ số thẻ xanh” nhằm làm đa dạng các sắc dân ở Mỹ thì có thể dưới thời ông Trump chuyện này sẽ không xảy ra nữa. Bởi vì ông Trump đã từng hứa sẽ cấm dân nhập cư từ các khu vực có nguy cơ khủng bố cao như Syria. Ngay cả với những du học sinh, những người có mong muốn ở lại Mỹ làm việc sau khi tốt nghiệp thì dường như cũng có ít cơ hội hơn.

ObamaCare sẽ bị thay đổi

Thực tế cho thấy, bằng việc cung cấp Chính sách về bảo hiểm y tế toàn dân ObamaCare từ năm 2010, chính phủ đã phải chi hàng trăm tỷ USD. Đây là một trong những chính sách đối nội then chốt của Tổng thống Obama, đồng thời cũng là một trong những chương trình cải cách "mạnh tay" nhất tại Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.

Chính sách về bảo hiểm y tế toàn dân ObamaCare có nguy cơ bị hủy bỏ dưới thời ông Trump

Mặc dù có thêm khoảng 16 triệu người mua bảo hiểm thông qua chính sách này nhưng đây cũng là một trong những chủ đề gây tranh cãi gay gắt nhất giữa Nhà Trắng với phe Cộng hòa tại Quốc hội. Thậm chí, vào năm 2013, Quốc hội Mỹ đã từng phải đóng cửa 16 ngày vì tranh cãi về ngân sách cho chương trình này.

Nhưng khi ông Donald Trump chiến thắng cùng với một Quốc hội cũng do Đảng Cộng hòa kiểm soát thì ObamaCare chắc chắn sẽ được điều chỉnh lại. Nếu không phải là toàn bộ thì cũng từng phần, vì có nhiều khác biệt về chính sách y tế giữa hai Đảng. Trong khi, Đảng Dân chủ muốn toàn dân có bảo hiểm và buộc người dân phải mua bảo hiểm y tế, nếu không sẽ bị phạt. Thì phía Cộng hòa lại không muốn ép buộc người dân phải có bảo hiểm.

Trong nhiều năm, chính sách này đã đánh mạnh vào tầng lớp trung lưu khi nó khiến những người có thu nhập cao và những người có lý lịch sức khỏe tốt vẫn phải mua bảo hiểm để có ngân sách cho việc cung cấp bảo hiểm y tế tới những người có thu nhập thấp.

Ví dụ, một gia đình gồm cha mẹ và 2 con, có thu nhập dưới 47.100 USD mỗi năm, thì sẽ thuộc dạng cần trợ cấp về bảo hiểm từ chính phủ. Bốn người này sẽ có quyền mua bảo hiểm y tế mà chỉ phải trả chi phí cỡ chừng 6,3% thu nhập (khoảng 2.967 USD), và chính phủ liên bang sẽ gánh vác phần còn chừng 7.033 USD. Ngay cả khi, gia đình này có thu nhập lên tới 94.200 USD mỗi năm, thì họ cũng vẫn nhận được trợ cấp khi mua bảo hiểm, vì mức thu nhập này vẫn nằm trong giới hạn thu nhập từ 100% tới 400% so với chuẩn nghèo là 23.550 USD.

Chính vì mong muốn toàn dân phải có bảo hiểm y tế mà mức phạt cho những người không tham gia chương trình ObamaCare cũng tương đối cao. Năm 2016 mức phạt lên tới 695 USD đối với người lớn và 347,5 USD với trẻ em cho mỗi tháng không có bảo hiểm; hoặc bằng 2,5% trên tổng thu nhập của gia đình, tùy theo số nào lớn hơn.

Mong manh các Hiệp định thương mại

Để giữ lại công việc cho người Mỹ, quan điểm của ông Trump là phản đối tự do thương mại. Ông muốn áp các chính sách bảo hộ đối với nền kinh tế Mỹ. Ông Trump tuyên bố sẽ ngay lập tức thương lượng lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ với Canada và Mexico (NAFTA), đồng thời hủy việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thực tế, với NAFTA, nếu người Mỹ không còn thiết tha thì phía Canada cũng chưa chắc đã hào hứng gì. Vì mới đây nước này đã ký Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện CETA với các nước EU, nhằm làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào Mỹ. Bởi thế, mà một sự tan rã với NAFTA hoặc chí ít là sự hạn chế về thương mại trong nhóm này là hoàn toàn có thể xảy ra khi ông Trump lên nắm quyền.

Mặc dù, TPP có khả năng tạo ra một số lợi ích nói chung cho nền kinh tế nước Mỹ, như là mang lại các cơ hội lớn hơn cho hàng xuất khẩu của Mỹ - thông qua việc giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan tại các nước khác. Nhưng khi mà nước Mỹ giao thương nhiều hơn với thế giới, nó trở nên dễ tổn thương hơn với tình trạng mất việc làm gây ra bởi sự thao túng tiền tệ. Đó là điều mà nhiều người Mỹ không hề muốn.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/donald-trump-tong-thong-thu-45-cua-nuoc-my-se-dap-bai-chia-lai-post180107.html