Dồn sức cho công nhân có Tết trọn vẹn

Khi mà người người nô nức mua sắm, vui chơi đón Tết thì các cán bộ công đoàn (CĐ) vẫn tất bật với công việc của mình để chăm lo cho người lao động (NLĐ). Với các cán bộ CĐ, khi và chỉ khi mọi NLĐ đều có Tết thì mùa xuân và cái Tết mới trọn vẹn niềm vui.

Lo Tết sớm

Tết Nguyên đán hằng năm thông thường diễn ra vào tầm cuối tháng 1 đầu tháng 2 dương lịch, song từ khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm trước, Tết như đã gõ cửa các cơ quan CĐ với bộn bề công việc, kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ.

Nụ cười của CNLĐ là niềm vui của cán bộ CĐ.

Nào lo chuyện tàu xe về Tết cho công nhân ở xa, nào rà soát các trường hợp CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn cần trợ cấp, nào thiết kế các chương trình vui xuân, đón Tết… và quan trọng nhất là bám sát cơ sở, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của người lao động, đôn đốc doanh nghiệp trả lương, thưởng Tết cho người lao động đầy đủ, kịp thời.

Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch CĐ các Khu công nghiệp và chế xuất (KCN-CX) Hà Nội bộc bạch: “Mỗi dịp cuối năm, điều mà mọi CNLĐ hồi hộp mong ngóng nhất chính là tiền thưởng Tết. Với họ, dù ít hay nhiều, thì đây cũng là một khoản kha khá để có một kỳ nghỉ Tết tươm tươm sau cả năm vất vả, chi tiêu dè sẻn. Hơn thế nữa, tiền thưởng Tết còn thể hiện sự ghi nhận thành quả lao động cả một năm của người lao động.

Thấu hiểu điều này, ngay từ đầu tháng 12 dương lịch hằng năm, CĐ các KCN-CX Hà Nội đã có kế hoạch chỉ đạo các công đoàn cơ sở(CĐCS) phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động thực hiện tốt và bảo đảm chế độ tiền lương, tiền thưởng và quan tâm, chăm lo để người LĐ có điều kiện đón một cái Tết đầy đủ.

Mong muốn, mục tiêu đặt ra là thế, nhưng để thực hiện điều đó không hề dễ dàng. Các KCN-CX nằm trên địa bàn trải rộng, số lượng doanh nghiệp và CNLĐ rất lớn, hầu hết lại là doanh nghiệp FDI.

Những ông chủ người nước ngoài tuy quan tâm đến NLĐ, nhưng không phải ai cũng am hiểu về phong tục, tập quán trong đó có Tết cổ truyền của Việt Nam để sẵn sàng phối hợp với CĐ chăm lo Tết cho NLĐ. Điều này khiến cho các cán bộ CĐ thuộc CĐ các KCN-CX Hà Nội như vất vả nhiều hơn.

Ông Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Điện tử ASTI (KCN Quang Minh) - cho biết, mặc dù rất quan tâm tới NLĐ, song do là người nước ngoài, chưa hiểu rõ về Tết của Việt Nam, nên chủ doanh nghiệp ban đầu thường không tạo điều kiện cho công nhân nghỉ phép trước Tết vì sợ ảnh hưởng đến năng suất công việc, đồng thời khá thận trọng, chặt chẽ trong việc chi lương, thưởng Tết hay tạo điều kiện cho CĐ tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho công nhân.

Bởi thế, từ trước Tết, dù kiêm nhiệm công việc chuyên môn rất bận rộn, cán bộ CĐCS vẫn phải dành thời gian kiên trì giải thích để chủ doanh nghiệp hiểu về phong tục, tập quán, ý nghĩa Tết cổ truyền của Việt Nam và đề xuất ý kiến với chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho công nhân viên ở xa được nghỉ phép trước Tết để có thời gian về quê đón Tết với gia đình.

Cán bộ CĐCS cũng phải kịp thời tìm hiểu, cập nhật quy định mới của pháp luật liên quan đến tăng lương tối thiểu, tình hình tăng lương, thưởng Tết của các doanh nghiệp xung quanh kết hợp với đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của công ty để có căn cứ họp, đàm phán, thuyết phục doanh nghiệp thực hiện tăng lương, thưởng Tết.

“Xác định việc tăng lương, thưởng Tết là một nội dung quan trọng trong chăm lo Tết cho NLĐ nên chúng tôi luôn nỗ lực cố gắng. Với sự kiên trì giải thích, thuyết phục, vận động có tình, có lý của CĐ, hiện tại, chủ doanh nghiệp chúng tôi luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để CĐ chăm lo Tết cho NLĐ.

Những NLĐ ở xa được nghỉ phép trước Tết để về quê ăn Tết sớm. Việc tăng lương theo quy định pháp luật, thưởng tết được doanh nghiệp thực hiện đầy đủ. Doanh nghiệp cũng hỗ trợ tích cực cho CĐ tổ chức những hoạt động vui Xuân, đón Tết cho công nhân”- ông Nguyễn Đức Nhân nói.

Đón Tết muộn

Đối với mỗi cán bộ CĐ, mang cái Tết vui, đủ đầy, ấm cúng đến cho mọi CNVCLĐ luôn là điều mong mỏi, trở trăn lớn nhất. Chính vì thế, cứ vào dịp Tết cổ truyền hằng năm, khi nơi nơi tưng bừng với các cuộc gặp mặt, chúc mừng đầu năm thì những người cán bộ CĐ Thủ đô, từ thành phố tới cơ sở cũng bận rộn hẳn lên với công việc tặng quà chúc Tết cho các CNVCLĐ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; đến thăm hỏi, động viên CNVCLĐ đang làm việc xa nhà không có điều kiện sum họp gia đình trong những ngày xuân mới, bảo đảm cho tất cả mọi người đều có điều kiện đón xuân, vui Tết.

Bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ Thành phố cho biết, những hoạt động lớn trong công tác chăm lo Tết của các cấp Công đoàn Thủ đô là thăm, tặng quà, chúc Tết cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn hoặc CNLĐ ở các đơn vị trực tiếp phục vụ Tết, làm việc xuyên Tết; tổ chức chương trình Tết sum vầy, tổ chức xe miễn phí đưa CNLĐ về quê ăn Tết.

Hầu hết các hoạt động này đều diễn ra ngoài giờ, vào những ngày cận Tết, tại địa bàn cơ sở. Thế nên, hầu hết cán bộ CĐ tới ngày 28,29, 30 Tết vẫn lặn lội sớm hôm, ngoài giờ với những chuyến đi thăm, tặng quà chúc Tết CNLĐ, tổ chức các hoạt động vui xuân đón Tết cho công nhân, tổ chức chương trình Tết sum vầy, tổ chức xe đưa công nhân về quê ăn Tết...

“Thậm chí, ở những ngành như an ninh, y tế, môi trường, điện lực, giao thông vận tải, xây dựng… với đặc thù phải làm việc xuyên Tết, thì chuyện cán bộ CĐ thường xuyên vắng nhà lúc giao thừa để đến với CNLĐ đang trực tiếp làm việc không phải là chuyện hiếm”- bà Nguyễn Thanh Thủy kể.

Mang niềm vui sẻ chia cho người khác

Từng chứng kiến những lễ tiễn công nhân về quê ăn Tết, tôi càng cảm nhận rõ hơn những sự vất vả và tình cảm, tâm huyết của cán bộ CĐ dành cho CNLĐ. Đó là những buổi sáng sớm cuối đông, tiết trời lạnh buốt, sương mờ còn giăng phủ chưa tỏ mặt người, nhưng tại những khu vực tập trung xe chờ đưa công nhân về quê, chẳng hạn như khu vực trước cổng KCN Bắc Thăng Long đã nhộn nhịp tiếng nói cười.

Hàng ngàn CNLĐ tấp nập đổ về với lỉnh kỉnh ba lô, túi xách hành lý. Không ít người bồng con nhỏ hoặc dắt mẹ già cùng theo. Có mặt sớm hơn, tất bật hơn các công nhân là những cán bộ của LĐLĐ Thành phố, CĐ các KCN - CX Hà Nội, CĐ Sở Giao thông - Vận tải, CĐ Tổng Cty Du lịch Hà Nội, LĐLĐ huyện Đông Anh và nhiều cán bộ CĐ cấp trên cơ sở, cán bộ các đơn vị liên quan.

Người xem lại danh sách, điểm danh công nhân, người đôn đốc các lái xe, người giúp đỡ xách hành lý, bế con nhỏ, dắt cha mẹ già của công nhân lên xe. Từng chuyến xe lăn bánh, mang theo những nụ cười tươi rói, những bàn tay vẫy cùng lời chúc đầu xuân rộn rã xua tan giá lạnh. Công nhân về nhà rồi, các cán bộ CĐ còn như bồi hồi lưu luyến, niềm vui, niềm xúc động còn dạt dào.

“Nếu niềm vui của công nhân là sắp được đoàn viên, thì những cán bộ CĐ vui vì đã giúp CNLĐ được về quê đón Tết thuận lợi, an toàn” - ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch CĐ các KCN - CX Hà Nội, người nhiều năm lăn lộn, tận tình với việc tổ chức các chuyến xe đưa công nhân về quê đón Tết, cho biết.

Còn một nữ cán bộ CĐ thuộc LĐLĐ huyện Gia Lâm thì chia sẻ: “Việc lo Tết cho gia đình chủ yếu là của người phụ nữ, nhưng với nhiều nữ cán bộ CĐ cấp trên cơ sở, LĐLĐ Thành phố thì 28,29 Tết vẫn còn mê mải với việc tặng quà, lo xe đưa công nhân về quê. Khi người công nhân được chăm lo chu đáo rồi, cán bộ CĐ mới có thời gian lo Tết cho gia đình, lúc ấy đã tới tất niên”.

Vất vả, bận rộn, đôi khi quên cả những công việc chuẩn bị Tết cho gia đình, nhưng hầu hết các cán bộ CĐ đều tâm sự: Nhìn thấy niềm vui, niềm xúc động của CNLĐ khi được đón nhận sự quan tâm của tổ chức CĐ, mọi vất vả của người cán bộ CĐ dương như tan biến.

Và, với mọi cán bộ CĐ, chỉ khi nào mọi CNVCLĐ, đoàn viên CĐ có hoàn cảnh khó khăn đều được giúp đỡ, chia sẻ, đều có được cái Tết trọn vẹn, thì người cán bộ CĐ mới có thể an tâm, mới thấy được công sức của mình bỏ ra là thỏa đáng và thấy mùa xuân, cái Tết của mình trọn vẹn niềm vui.

Ngọc Tú

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/don-suc-cho-cong-nhan-co-tet-tron-ven-47922.html