Đòn hiểm Nga rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế

Hành động của Moscow mang tính nhất thời nhưng gây hậu quả rất lớn cho phương Tây - nhiều quốc gia rút khỏi ICC, việc chính trị hóa pháp luật bị vô hiệu.

BBC ngày 16/11 đưa tin Moscow đã rút khỏi Quy chế sáng lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), sau khi định chế pháp lý mang tính quốc tế này tuyên bố việc Nga sáp nhập Crimea là hành động xung đột vũ trang với Ukraine.

Mặc dù Nga đã ký tham gia Quy chế Rome để thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế nhưng Moscow chưa phê chuẩn quy chế này.

"Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, tình hình ở Crimea và Sevastopol là tương đương với một cuộc xung đột vũ trang quốc tế giữa Ukraine và Liên bang Nga. Liên bang Nga đã dùng quân đội của mình để giành quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine mà không có sự đồng ý của chính phủ Ukraine", theo báo cáo từ công tố viên ICC Fatou Bensouda.

Trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Nga trước sự kiện này, cho biết: “Tòa ICC không đạt được kỳ vọng và ICC cũng không trở thành một định chế đại diện cho công lý quốc tế thực sự có tính độc lập”.

Cơ quan ngoại giao Nga mô tả hoạt động của ICC mang tính một chiều và thiếu hiệu quả. Moscow chính thức rút khỏi Quy chế Rome theo lệnh của Tổng thống Putin.

Trụ sở Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague, Hà Lan. Ảnh : AP

Nga rút khỏi văn kiện sáng lập ICC sau khi tòa án này liên tục ra hai phán quyết gây bất lợi cho Nga trong cuộc xung đột tại Gruzia hồi năm 2008 và việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Moscow cho rằng ICC đã lờ đi hành động gây hấn của Gruzia tại Nam Ossectia - khu vực thân Nga và ly khai khỏi Gruzia - trong cuộc chiến tranh chớp nhoáng năm 2008.

Vì Nga chưa phê chuẩn Quy chế Rome nên nhiều nhà bình luận cho rằng việc Moscow tuyên bố rút khỏi quy chế này chỉ mang tính biểu tượng, có cũng như không, tuy nhiên cá nhân người viết cho rằng hành động của Moscow có ý nghĩa chính trị rất lớn với cả Nga và phương Tây. Tại sao vậy?

Putin lật tẩy chiêu trò chính trị hóa pháp luật của Mỹ và phương Tây

Có thể thấy rằng hiệu quả của “diễn biến hòa bình” đã giúp cho Mỹ và đồng minh có thể can thiệp vào tình hình nội trị của các nước thù địch một cách dễ dàng và quá hiệu quả.

Hàng loạt chính quyền ngã gục trước tác hiệu của “công cụ lật đổ" nguy hiểm này. Washington và các đồng minh chỉ phải bỏ ra chi phí quá ít cho những “chiến công lẫy lừng” ấy.

Với những chiến thắng dễ dàng “không tốn một đồng xu, một viên đạn”, khiến Washington ngày càng gia tăng tỷ lệ nghịch giữa “củ cà rốt Mỹ” và “cây gậy của Washington” – Cây gậy ngày một to, còn củ cà rốt ngày một nhỏ.

Trong thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ điều đó khiến cho sức mạnh Mỹ và đồng minh có thể “đánh đông dẹp bắc”, củng cố vị thế thống soái của mình.

Tuy nhiên, qua thời gian thì những đồng minh mới, những đối tác cũ nhận ra họ chỉ là "bị bông" cho sức mạnh phương Tây, điều đó khiến cho vị thế và vai trò của Mỹ và đồng minh bị đe dọa.

Đặc biệt những lực lượng bị “diễn biến hòa bình” của họ lật đổ thì ngày càng có cơ hội trở lại nắm giữ quyền lực vì người dân các nước nhận rõ sự thật phía sau “củ cà rốt” mà phương Tây trưng ra.

Trước mối nguy đó, phương Tây phải tìm ra giải pháp tận diệt “những thế lực thù địch” ấy và pháp luật hóa chính trị là một giải pháp tuyệt với. Những thủ đoạn chính trị bỉ ổi có thể bị lên án, nhưng nếu nó được pháp luật hóa, trở thành những chứng cứ cho lập luận của cơ quan công tố và là cơ sở khép tội của cơ quan xét xử thì nó lại được "rửa sạch" ngay.

Và đó được xem là nguyên nhân cho sự ra đời của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Để che chắn mục đích của mình, khi xây dựng quy chế thành lập ICC, những tác giả của nó đưa việc phát huy giá trị của công lý quốc tế vào làm nền tảng, thể hiện tính độc lập của định chế này, nhằm lôi kéo nhiều “thế lực thù địch” tham gia. Nga đã tham gia và xem xét thực tế hoạt động của ICC để phê chuẩn quy chế.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các tác giả và những đồng bảo trợ thì lại nhanh chóng rút khỏi quy chế, khiến cho họ có thể miễn nhiễm với tác hại do công cụ mà chính họ sáng tạo ra. Đơn cử là Mỹ. Ban đầu Washington đã ký kết quy chế Rome dưới thời chính quyền Bill Clinton, nhưng sau đó lại rút khỏi quy chế này dưới thời chính quyền George W Bush.

Từ đó ICC trở thành công cụ pháp lý chỉ áp dụng cho những tiểu quốc có đối nghịch với phương Tây hay những thực thể chính trị có thể lật ngược thế cờ chính trị của phương Tây tại những quốc gia có phản ứng tiêu cực với tỷ lệ nghịch giữa “cây gậy và củ cà rốt” của họ. Điều đó khiến Trung Quốc và Ấn Độ từ chối thẳng thừng ICC.

Việc Moscow kiên nhẫn bám đuổi quy chế Rome chứng tỏ Nga đã cố gắng tìm kiếm công lý ở Tòa án Hình sự Quốc tế, song thực tế chứng minh ICC không phải là phiên bản của nó trong quy chế Rome, vì vậy Kremlin rút khỏi quy chế ấy.

Động thái của Moscow tuy chỉ là một hành động nhất thời nhưng sẽ gây ra những hậu quả chính trị rất lớn cho phương Tây. Đó là sẽ có nhiều quốc gia rút khỏi quy chế Rome và ICC sẽ đến lúc chầm dứt sự tồn tại – công cụ chính trị hóa pháp luật sẽ bị vô hiệu hóa.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/don-hiem-nga-rut-khoi-toa-an-hinh-su-quoc-te-3323218/