Đón cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong tháng 9 này, nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới sẽ đến Việt Nam để tìm nhà cung cấp. Đây là cơ hội để nhà sản xuất Việt Nam có thể tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.

Bên cạnh yếu tố cạnh tranh về giá, một trong những yêu cầu mà họ đưa ra là các doanh nghiệp Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương, từ ngày 13 đến 15-9, các tập đoàn hàng đầu thế giới như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy Điển)... sẽ tham dự chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Vietnam International Sourcing 2023) tại TP Hồ Chí Minh, do Bộ Công Thương và UBND TP Hồ Chí Minh đồng chủ trì.

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Cổ phần May 10.

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Cổ phần May 10.

Ông Giafar Safaverdi, Giám đốc Khu vực cung ứng Đông Nam Á của IKEA-doanh nghiệp bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới cho biết, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của IKEA. Bởi Việt Nam sở hữu năng lực sản xuất ngày càng phát triển, các chính sách tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, logistics. Song ông Giafar Safaverdi chia sẻ, IKEA lựa chọn các nhà cung cấp cùng chia sẻ giá trị và tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người. Vì thế, IKEA đã xây dựng tiêu chuẩn IWAY-Bộ Quy tắc thu mua, cung ứng có trách nhiệm, bảo đảm hoạt động kinh doanh luôn vì môi trường, xã hội, điều kiện làm việc của người lao động và cả phúc lợi động vật.

Tương tự, Tập đoàn Aeon cho biết, mục tiêu chính của Aeon là tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có năng lực và đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn của tập đoàn để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn trong hệ thống Aeon TopValu toàn cầu. Một số lĩnh vực mà Aeon mong muốn tìm đối tác thông qua Chuỗi sự kiện này bao gồm: Nông sản (bao gồm hàng tươi, sấy, hàng đông lạnh, hàng chế biến); các chế phẩm từ giấy (giấy vệ sinh, giấy ăn, giấy lau...); đồ dùng nhà bếp sản xuất từ nhựa; dép đi trong nhà... Đáng chú ý, "ông lớn" trong ngành bán lẻ Mỹ là Walmart cũng sẽ đến Việt Nam để tập trung thu mua sản phẩm tại 6 ngành hàng chính, bao gồm: Quần áo và phụ kiện, giày dép, hàng dệt may và phụ kiện, điện tử gia dụng, đồ nội thất, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Walmart cũng chia sẻ những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam, đó chính là năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.

Có thể thấy, sau đại dịch Covid-19 và những bất ổn địa chính trị gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ, bán buôn hàng đầu thế giới đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa để bảo đảm nguồn cung bền vững, và họ đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng. Trong đó, các tập đoàn bán lẻ toàn cầu mong muốn mua sản phẩm, giá trị bền vững, để từ đó bán được hàng ở nước họ nhiều hơn. “Con đường phát triển bền vững là bắt buộc để doanh nghiệp Việt tìm được lối vào chuỗi cung ứng bền vững. Vấn đề đặt ra là làm thế nào giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội đó, bởi nếu không đáp ứng được nhu cầu của chuỗi cung ứng thì họ tìm nhà cung cấp khác”, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương, chia sẻ.

Bài và ảnh: KHÁNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/don-co-hoi-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-742314