Đối tượng nào dễ mắc virus Zika?

Trung tâm y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, virus Zika hiện đã có mặt ở 17/24 quận, huyện của TP.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính đến 8h sáng qua, ngày 28.11.2016 đã phát hiện thêm 4 trường hợp nhiễm virus Zika, nâng tổng số ca trên toàn TP lên 83. Trong 4 ca nhiễm virus Zika mới, có 1 ca ở Quận 2, 1 ca ở Quận 12, 1 ca ở Quận Bình Thạnh và 1 ca ở Quận Tân Bình.

Cũng theo Trung tâm Y tế dự phòng, cho đến nay vẫn chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh. Tuy nhiên, người dân và đặc biệt là thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt. Mọi người, mọi nhà tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.

Biểu hiện để nhận biết Zika: Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược. Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.

Đối tượng nào dễ mắc virus Zika?

Theo TS. Masaya Kato - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, lý do WHO nhận định Zika là mối quan ngại đối với y tế cộng đồng không phải do tốc độ lây lan của virus mà do các biến chứng nguy hiểm của bệnh này. Đối với trẻ sơ sinh, cụ thể là gây teo não và hội chứng Guillain-Barré, một loại rối loạn hệ thống miễn dịch tác động đến thần kinh gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân.

Do đó, phụ nữ có thai, đang có ý định và có nguy cơ mang thai là những đối tượng cần cẩn trọng nhất. Phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai mỗi 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.

PV

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/doi-tuong-nao-de-mac-virus-zika-d103940.html