Đổi trấu lấy... USD

Băn khoăn vì hàng vạn tấn vỏ trấu ở đồng bằng sông Cửu Long, thả lềnh bềnh trên mặt sông, uổng phí sau mỗi mùa thu hoạch lúa, chàng cử nhân khoa Luật, sinh năm 1979 quyết tâm chế tạo bằng được máy ép củi để tái sinh “đống rác vàng”... Đó là Lê Hoàng Huynh- Giám đốc Công ty CP Hoàng Huynh.

Băn khoăn vì hàng vạn tấn vỏ trấu ở đồng bằng sông Cửu Long, thả lềnh bềnh trên mặt sông, uổng phí sau mỗi mùa thu hoạch lúa, chàng cử nhân khoa Luật, sinh năm 1979 quyết tâm chế tạo bằng được máy ép củi để tái sinh “đống rác vàng”... Đó là Lê Hoàng Huynh- Giám đốc Công ty CP Hoàng Huynh.

CôngThương - Giấc mơ máy ép củi

Hoàng Huynh sinh ra và lớn lên tại Long An - nơi có dòng sông tắm mát trong những buổi trưa hè. Thế nhưng sau mỗi vụ mùa, sông quê lại đầy trấu từ các nhà máy xay xát đổ ra... Lên Sài Gòn học Đại học Luật, ra trường có việc làm ổn định ở một công ty nước ngoài với mức lương cao, nhưng hình ảnh con sông quê bị ô nhiễm bởi trấu sau những vụ mùa, kèm theo đó là hàng vạn tấn trấu bị bỏ đi... cứ ám ảnh Huynh mỗi ngày.

Một lần tình cờ ngồi nghe bạn bè nói chuyện về trấu gây ô nhiễm nhưng có thể làm chất đốt trong công nghiệp, anh chợt nảy sinh ý định kết hợp với người bạn học cơ khí làm máy ép trấu thành củi, bán cho các nhà máy, vừa giúp sông quê tránh ô nhiễm, lại cung cấp nguồn nhiên liệu mới cho các công ty sản xuất.

Nghĩ là làm, năm 2007, Hoàng Huynh cùng một số người bạn học ngành cơ khí về quê bắt tay tiến hành làm máy. Để thực hiện ý tưởng, đêm nào, anh cũng thức đến 3 giờ sáng. Phải mất đến gần một năm cật lực làm việc với vài chục lần chỉnh sửa, máy mới hoàn thành. Thế nhưng, khi đưa vào vận hành, máy không ép ra củi mà ra toàn... trấu. Để khắc phục sự cố, anh và cộng sự tiếp tục nghiên cứu, vận hành lại đến gần 30 Tết mới xong. “May trời thế nào chiếc máy lại chạy êm. Ra được cái máy đầu là thành công một nửa, đến nay thì ổn cả rồi”- Hoàng Huynh tâm sự.

Củi làm từ vỏ trấu của Công ty CP Hoàng Huynh

Sau thành công với máy ép củi, năm 2008, Huynh quyết định thành lập Công ty CP Hoàng Huynh và xây dựng nhà máy sản xuất- chế biến than, củi sạch tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang) để cho ra đời những tấn củi trấu thành phẩm đầu tiên. Tới nay, công ty đã phát triển lên 6 nhà máy sản xuất củi trấu, trong đó, 2 nhà máy đặt tại Long An, 3 nhà máy tại Tiền Giang và 1 nhà máy tại An Giang. Tính chung tất cả, mỗi tháng, công ty đang cung cấp cho thị trường khoảng 4.000 tấn than, củi trấu các loại làm từ vỏ trấu. Trong đó 70% sản lượng được xuất khẩu đi Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, châu Âu, Úc... với giá 130USD/tấn, số còn lại được cung cấp cho thị trường nội địa.

“Hiện nay, than trấu của công ty đang được các đối tác nước ngoài đánh giá cao về chất lượng, tuy nhiên, độ bén lửa và mẫu mã còn hạn chế. Thời gian tới, công ty sẽ tập trung cải tiến mẫu mã để cho ra nhiều loại sản phẩm khác nhau đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Đồng thời tiến hành thủ tục đăng ký bản quyền đảm bảo chất lượng”- Hoàng Huynh vui mừng chia sẻ.

Sẵn sàng bao tiêu cho bà con làm củi

Theo anh Huynh, quy trình sản xuất củi trấu dễ làm và có thể nhân rộng: Trấu nguyên liệu được thu mua từ các nhà máy xay xát. Khi đưa vào máy ép củi, bộ phận sấy tự động sẽ làm giảm độ ẩm xuống còn <12%, sau đó ép thành thỏi củi cứng có nhiệt lượng gần bằng với nhiệt lượng của than đá (16,6 MJ/kg). Bằng hệ thống tự động, hai nhân công có thể vận hành được 5 máy ép củi, sản xuất ra 9.000 kg củi/ngày. Giá trấu nguyên liệu thu mua bình quân chỉ khoảng 600 đồng/kg. Như vậy, nếu trừ chi phí tiền điện (0,1kw/kg củi) và các khoản chi phí khác, tính ra, người nông dân sẽ thu lời từ 1 – 1,5 triệu đồng cho 1 tấn củi.

Làm củi trấu không những tận dụng nguồn phế phẩm, mang lại lợi nhuận cho người nông dân mà các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng có thể thu lợi lớn nếu dùng củi trấu làm nguyên liệu đốt thay cho than đá. “Giá than đá hiện nay dao động từ 2.800- 3.200/kg, trong khi đó giá củi trấu chỉ 1.200 đồng/kg. Nếu một cơ sở mỗi ngày đốt hết 30 tấn than đá thì dùng củi trấu thay thế sẽ hết khoảng 45 tấn, họ sẽ tiết kiệm được hơn 40 triệu đồng, chưa kể hàm lượng độc hại của củi trấu ít, sẽ tốt hơn cho sức khỏe của công nhân”- Huynh phân tích.

Không chỉ sản xuất củi trấu, Hoàng Huynh còn xây dựng và đặt riêng một xưởng chế tạo máy ép củi trấu tại Cai Lậy (Tiền Giang). Loại máy của công ty sản xuất có ưu điểm hơn các hãng khác (kể cả máy của Trung Quốc) vì có thể linh hoạt thay thế phụ tùng để phù hợp với việc ép vỏ trấu, vỏ lạc hay vỏ cà phê.

Tới nay, công ty đã cung cấp nhiều máy ép củi cho các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và Tây Nguyên, đồng thời hướng dẫn bà con nông dân cách sử dụng để tự chế biến củi từ các phế phẩm nông nghiệp. Giá bán cho nông dân hiện nay là 45 triệu đồng/máy. Công ty còn sẵn sàng cho bà con mua máy trả chậm không tính lãi nếu mua máy về sản xuất, đồng thời miễn phí công lắp đặt hệ thống ép củi tự động.

Để mở rộng sản xuất, Công ty Hoàng Huynh đã phối hợp với một số Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tổ chức giới thiệu và chuyển giao công nghệ sản xuất củi trấu cho nhiều hộ nông dân. Với cách làm này, các hộ tham gia sản xuất đều có thu nhập khá lên so với trước. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục liên kết với các địa phương để hướng dẫn bà con nông dân cách thức làm củi trấu. “Thị trường tiêu thụ vẫn còn rộng thênh thang, bà con muốn làm củi, công ty sẵn sàng cho mua thiếu máy móc thiết bị và bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định”- anh Huynh đảm bảo.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/p0c232n31291/doi-trau-lay-usd.htm