Đối thoại Chủ nhật: Phát triển kinh tế tập thể để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Thái Bình đã ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách, nghị quyết khuyến khích, hỗ trợ nông dân tập trung, tích tụ đất để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn. Vậy ngoài những chính sách này, vấn đề phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác tại Thái Bình sẽ được thực hiện như thế nào? Đồng chí Đinh Vĩnh Thụy, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đã trao đổi, chia sẻ với phóng viên về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thời gian qua, nông dân Thái Bình đã tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Vậy tỉnh Thái Bình có chủ trương, chính sách gì để hỗ trợ, khuyến khích nông dân, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Vĩnh Thụy. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

Đồng chí Đinh Vĩnh Thụy: Những năm gần đây, bức tranh kinh tế-xã hội, đặc biệt là nông nghiệp của tỉnh Thái Bình có nhiều khởi sắc. Nhiều lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã chuyển sang làm ở những ngành, nghề, lĩnh vực khác, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp, nhất là với trồng trọt. Một số nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng, bỏ hoang ruộng đất. Trong khi đó, xuất hiện một số hộ dân có điều kiện về máy móc, thiết bị nông nghiệp, mượn, thuê ruộng của những nông dân không muốn canh tác để tích tụ nhiều diện tích đất nông nghiệp, sản xuất quy mô lớn hơn.

Thái Bình hiện có 1.701 hộ tập trung được diện tích đất nông nghiệp lớn để sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế. Tính trung bình khoảng 2ha, nhiều hộ tập trung được từ 20ha đến 70ha, có hộ tập trung được hơn 100ha, nhiều hộ trở nên khá giả, làm giàu từ nông nghiệp.

Trước tình hình như vậy, chúng tôi đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích tập trung đất đai. Theo đó, những hộ dân cho nông dân khác mượn, thuê lại ruộng thì được tỉnh hỗ trợ 20kg thóc (lúa)/sào/năm. Những xã nào tuyên truyền, vận động nông dân cho thuê, mượn lại ruộng thì được tỉnh hỗ trợ công chỉ đạo, tuyên truyền là 1 triệu đồng/ha/năm. Tỉnh cũng ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ về máy cấy (bởi quy mô diện tích đồng ruộng lớn thì không thể cấy bằng tay, mà nông dân phải dùng máy cấy và làm đất bằng cơ giới hóa), máy sấy; ban hành chính sách thúc đẩy việc liên kết sản xuất. Các chủ thể thực hiện liên kết với doanh nghiệp sẽ có cơ chế hỗ trợ từ lập dự án, ký kết hợp đồng liên kết đến đào tạo, tập huấn...

PV: Bên cạnh khuyến khích, hỗ trợ tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, việc phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác ở Thái Bình được thực hiện như thế nào để hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa lớn?

Nông dân huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: DIỆP ANH

Đồng chí Đinh Vĩnh Thụy: Sau khi tỉnh Thái Bình có chủ trương thúc đẩy nhanh việc tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn (đại điền), tỉnh cũng thúc đẩy thành lập các hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Bởi HTX có vị trí, vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy sản xuất. Khi có các HTX, với tư cách là thành viên, bà con nông dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi mua vật tư nông nghiệp đầu vào (gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống), giá lại giảm hơn so với trước nếu mua số lượng lớn. Mặt khác, chất lượng các loại vật tư này cũng được bảo đảm. Chưa kể trong quá trình sản xuất, các thành viên HTX sẽ được hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, xanh, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đầu ra cũng được bảo đảm khi HTX chính là mắt xích liên kết giữa bà con nông dân với doanh nghiệp trong quá trình thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Góp phần giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, HTX chính là “bệ đỡ” của bà con nông dân.

Sau khi hỗ trợ nông dân tập trung đất đai, tạo thành các hộ đại điền, tổ chức sản xuất quy mô lớn, Thái Bình thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác. Từ HTX sẽ nhận được các hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về kinh tế tập thể theo Chương trình 1804 (Quyết định số 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025), góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, cải thiện đời sống của bà con nông dân.

PV: Phục vụ yêu cầu sản xuất đại điền phải có nơi ươm mầm gieo cấy, nhà xưởng, kho chứa thóc... Thái Bình triển khai vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Vĩnh Thụy: Việc sản xuất lớn đòi hỏi yêu cầu về hậu cần phục vụ sản xuất phù hợp. Như tôi đã đề cập ở đây chính là việc phải hình thành các HTX. Bởi thông qua các HTX thì chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như: Thuê đất, mượn đất để xây dựng kho bãi, trụ sở, hậu cần cho sản xuất... mới được bảo đảm. Và Thái Bình hiện đã có nhiều HTX được hình thành từ chính các hộ đại điền này.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN NGHINH XUÂN (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doi-thoai-chu-nhat-phat-trien-kinh-te-tap-the-de-nang-cao-hieu-qua-san-xuat-nong-nghiep-775599