Đối thoại chủ nhật: Bảo vệ rừng vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước

Trong suốt gần 3 thập kỷ qua, phong trào trồng cây, gây rừng ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, nhờ đó, độ che phủ và chất lượng rừng ngày càng được nâng lên.

Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam thu được 1.200 tỷ đồng qua bán tín chỉ dịch vụ hấp thụ, lưu trữ carbon từ rừng. Nhân dịp Tết trồng cây Giáp Thìn 2024, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Quốc Trị xung quanh vấn đề trồng cây, gây rừng.

Phóng viên (PV): Kết quả trồng rừng tại Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023, như thế nào, thưa đồng chí?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và có nhiều chương trình hỗ trợ, đầu tư, thúc đẩy trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, cả nước đã trồng rừng tập trung khoảng 800.000ha (năm 2021: 270.000ha; năm 2022: 253.000ha; năm 2023: 280.000ha). Qua đó đã nâng tỷ lệ che phủ của rừng toàn quốc lên 42,02%, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Việc trồng rừng, trong đó có rừng sản xuất, trồng cây phân tán còn đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản, thiết thực góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị. Ảnh: NGHINH XUÂN

PV: Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2030", đến nay kết quả đạt được như thế nào, thưa đồng chí?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Sau 3 năm thực hiện đề án, cả nước đã trồng được 769.867.000 cây (bình quân mỗi năm trồng được 256.600.000 cây), đạt 121,4% so với kế hoạch 3 năm, đạt 76% so với mục tiêu của đề án. Trong đó, gồm 344.510.000 cây xanh phân tán và trồng mới 435.357.000 cây xanh tập trung, tương đương với 212.373ha (24.320ha rừng phòng hộ, 188.053ha rừng sản xuất được trồng mới).

Một số tỉnh trồng cây xanh đạt kết quả cao, như: Lào Cai (61,64 triệu cây); Phú Thọ (52 triệu cây); Long An (45,32 triệu cây); Gia Lai (37,28 triệu cây); Nghệ An (34,38 triệu cây). Nhiều địa phương trồng hơn 20 triệu cây, như: Lai Châu, Lâm Đồng, Kon Tum, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La và Cà Mau. Các tỉnh trồng hơn 15 triệu cây gồm: Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Trị, Phú Yên.

Bộ đội Quân khu 2 tham gia Tết trồng cây. Ảnh: DIỆP ANH

Nhiều bộ, ngành, cơ quan Trung ương tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào trồng cây xanh. Ví như, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều đợt cao điểm triển khai trên toàn quốc với 49,2 triệu cây xanh được trồng. Bộ Quốc phòng tổ chức trồng cây trong khuôn viên doanh trại, trồng rừng trên diện tích đất được giao quản lý với hơn 9,58 triệu cây phân tán (không kể cây ăn quả các loại) và hơn 4.809ha rừng trồng. Bộ Công an trồng được gần 328.000 cây trong các đơn vị. Bộ Giao thông vận tải trồng được 160.000 cây trong hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và trường học để phát triển phong trào trồng cây trên cả nước.

PV: Thưa đồng chí, để duy trì độ che phủ rừng toàn quốc ở mức 42,02% thì ngành lâm nghiệp và Bộ NN-PTNT gặp những khó khăn, thách thức gì?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Để duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%, ngành lâm nghiệp đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy vậy vẫn còn một số khó khăn, như: Quỹ đất trồng rừng mới ngày càng hạn hẹp do diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp đã cơ bản được trồng, đặc biệt là đất trồng rừng đặc dụng, phòng hộ. Nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để phát triển kinh tế của địa phương vẫn còn tình trạng xâm chiếm đất rừng trái phép chưa được xử lý... Vốn đầu tư phân bổ cho công tác phát triển rừng hằng năm còn chậm so với yêu cầu của sản xuất; mức hỗ trợ trồng cây phân tán và trồng rừng còn thấp so với thực tiễn sản xuất. Diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, nắng nóng, sương giá kéo dài gây nguy cơ cháy rừng, thiệt hại về rừng.

PV: Mỗi độ Tết đến, xuân về cũng là dịp Tết trồng cây. Đồng chí có thể chia sẻ đôi điều về Tết trồng cây năm nay?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây”, đăng trên Báo Nhân Dân, với bút danh Trần Lực, kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh và đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” trong cả nước.

Tết Nguyên đán Canh Tý 1960 là Tết đầu tiên nhân dân ta hưởng ứng lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là Tết mở đầu một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong mỗi dịp vui Tết, đón xuân. Từ đó đến nay, cứ mỗi độ xuân về, các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân cả nước đều thực hiện Phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn lao nhằm động viên, khuyến khích nhân dân cả nước, khởi đầu cho một mùa trồng cây, trồng rừng, một năm lao động sản xuất thắng lợi, thể hiện rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Về việc tổ chức Tết trồng cây năm 2024, ngay trong tháng 1, Bộ NN-PTNT đã ban hành Chỉ thị về phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024. Đến nay, đã có 35 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch tổ chức Tết trồng cây năm 2024. Bộ NN-PTNT phối hợp với địa phương tổ chức Lễ phát động cấp quốc gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024 ngay trong những ngày đầu xuân năm mới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/doi-thoai-chu-nhat-bao-ve-rung-vi-su-phat-trien-nhanh-ben-vung-cua-dat-nuoc-766221