Đối thoại Biển lần thứ 11: Phân tích rõ nội hàm của hoạt động phức hợp trên biển

Hoạt động phức hợp tuy không phải là hiện tượng mới mẻ, song, thực tế tồn tại các trường hợp hoạt động phức hợp bị lợi dụng thành hoạt động vùng xám. Giới chuyên gia quốc tế về luật biển cho rằng, cần thiết phải tăng cường các chương trình phân tích bản chất của các hoạt động vùng xám nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động phức hợp.

Các đại biểu tham dự Đối thoại Biển lần thứ 11. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Cần thiết phân tích rõ bản chất

Phân tích bản chất của hoạt động vùng xám là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu được hàng trăm đại biểu thảo luận tại Đối thoại Biển lần thứ 11 với chủ đề “Hoạt động vùng xám: Thúc đẩy hay cản trở trật tự trên biển” diễn ra vừa qua. Sự kiện được tổ chức tại thành phố Hải Phòng do Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tổ chức, quy tụ 150 đại biểu gồm các chuyên gia uy tín từ 14 quốc gia trên thế giới.

Các diễn giả đã chia sẻ các quan điểm về hoạt động phức hợp và kinh nghiệm ứng phó với các hoạt động vùng xám từ góc độ thực tiễn các nước. Đối thoại cũng hướng tới mục tiêu thảo luận, đề xuất các kiến nghị chính sách và pháp lý để quản lý các hoạt động nhằm đảm bảo trật tự trên biển. Trọng tâm chính trong 4 phiên thảo luận với chủ đề chính gồm: Hoạt động phức hợp từ lý thuyết tới thực tiễn; Các khía cạnh phi quân sự của hoạt động phức hợp; Công nghệ cao - Yếu tố kích hoạt chính của các hoạt động phức hợp; Các khuyến nghị chính sách và pháp lý nhằm quản lý hoạt động phức hợp.

Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, hoạt động phức hợp không phải hiện tượng mới mẻ trong lịch sử thế giới. Đối thoại là cơ hội để xác định nội hàm của hoạt động phức hợp, các trường hợp hoạt động phức hợp bị lợi dụng thành hoạt động vùng xám. Trên thực tế, nhiều hoạt động vùng xám vẫn chưa được nhận diện đầy đủ và đánh giá rõ ràng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Vì vậy, việc phân tích rõ bản chất của các hoạt động vùng xám, sự thiếu thiện chí trong việc áp dụng và giải thích luật quốc tế hoặc lợi dụng những quy định của luật quốc tế còn chưa thực sự rõ ràng để làm suy yếu luật quốc tế là mục tiêu quan trọng bậc nhất của Đối thoại lần này nhằm định hình cách thức ứng phó hiệu quả hơn với thực trạng này.

Thảo luận tại đối thoại, Trưởng Đại diện KAS Florian C. Feyerabend cho hay, vài tuần trước, Đức đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên, trong đó nhấn mạnh nội dung sẽ xây dựng một chiến lược riêng để đối phó với các thách thức vùng xám, với mục đích tăng cường năng lực xác định, phân tích và ứng phó với các hoạt động vùng xám. Đối thoại Biển lần thứ 11 là chương trình có ý nghĩa quan trọng với nhiều nội dung đáng chú ý, kết nối các vấn đề từ chính sách đối ngoại, luật pháp quốc tế tới khoa học công nghệ.

Cùng chung quan điểm, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam Marcus Winsley cho rằng, Đối thoại Biển lần thứ 11 là cơ hội quý giá để lắng nghe và trao đổi. Các chuyên gia hàng đầu thế giới có được diễn đàn để cập nhật về những bước phát triển mới của an ninh biển. Kết quả của Đối thoại đã cho thấy, giới học giả và giới chức các quốc gia hiểu thêm về hoạt động vùng xám, từ đó định hình những cách thức ứng phó hiệu quả hơn.

Giáo sư Peter Layton - Viện Griffiths (Australia) chỉ ra rằng, việc thực hiện các hoạt động vùng xám thường có sự phối hợp của nhiều chủ thể phi quân sự, các đơn vị khác nhau. Sự kết hợp này cho thấy, các hoạt động vùng xám được chỉ huy ở cấp độ chiến lược. Đặc trưng của hoạt động vùng xám thường không sử dụng các công cụ quân sự mà sử dụng các phương tiện phi quân sự khác nhau, nhằm tránh những sự va chạm hoặc leo thang về mặt quân sự, giữ tình hình ở mức độ tuy căng thẳng nhưng không xảy ra chiến tranh.

Còn Đề đốc Debesh Lahiri - Giám đốc điều hành Tổ chức Hàng hải quốc gia Ấn Độ phân tích, tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Biển Đông có nhiều nguy cơ của các hoạt động vùng xám, hoạt động hỗn hợp. Các vụ việc đâm va ở trên biển đã diễn ra hay các vấn đề không tuân thủ theo nguyên tắc xem xét thỏa đáng trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Điều này không đơn thuần là những nguy cơ hỗn hợp đơn lẻ mà thực tế đã có những dấu hiệu của chiến tranh hỗn hợp. Tình trạng sẽ nghiêm trọng nếu không có các biện pháp kịp thời từ các bên.

Củng cố năng lực quản lý

Tại đối thoại, các diễn giả đã thảo luận trọng tâm về thực tiễn hoạt động phức hợp và hoạt động vùng xám ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng. Trong đó, các học giả cùng chỉ ra rằng, hoạt động phức hợp có một số đặc điểm, gồm: Kết hợp các biện pháp truyền thống và phi truyền thống, quân sự và phi quân sự, thường được thực hiện bởi chủ thể phi nhà nước nhưng có hậu thuẫn bởi nhà nước; giữ tình hình ở mức độ dưới ngưỡng chiến tranh; thường ở vùng chuyển tiếp giao tiếp giữa các không gian, chủ thể hoặc luật lệ khác nhau.

Theo đó, các chuyên gia nhìn nhận, thực tế các hoạt động vùng xám, phức hợp hiện nay đặt ra những thách thức pháp lý, tác động tới trật tự quốc tế hiện hành. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ mạnh mẽ ngày nay càng khiến các thách thức mang tính phức hợp và vùng xám càng trở nên rõ nét hơn. Mặt khác, các hoạt động vùng xám không chỉ diễn ra trên thực địa, mà còn diễn ra trên nhiều mặt trận khác, như kinh tế. Điển hình dễ thấy nhất là các lệnh trừng phạt, cấm vận, kiểm soát xuất nhập khẩu... cùng với thông tin - tuyên truyền như hoạt động cố ý tuyên truyền thông tin sai lệch.

Điểm nhấn đáng chú ý hàng đầu tại Đối thoại là việc công bố những sáng kiến, đề xuất cho các quốc gia trong và ngoài khu vực nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động phức hợp, đặc biệt để ứng phó hiệu quả các hoạt động vùng xám.

Trước hết, các nước cần tăng cường phối hợp hành động giữa các cơ quan chức năng liên quan. Tiếp đó là tăng cường, nâng cao năng lực nhận biết các thách thức vùng xám, phân biệt các hoạt động phức hợp có mục tiêu hợp pháp và các hoạt động vùng xám với mục tiêu và dụng ý không hợp pháp.

Đồng thời, các quốc gia và tổ chức quốc tế cũng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động phức hợp. Song hành với đó, hợp tác quốc tế là "chìa khóa" để các nước điều phối, phối hợp hành động, qua đó quản lý các hoạt động phức hợp hiệu quả hơn.

Đánh giá từ giới chuyên gia cho biết, Đối thoại Biển là hoạt động giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu hơn về hoạt động phức hợp và hoạt động vùng xám, qua đó có thể chủ động ứng phó và đề ra các quy tắc, luật lệ quản lý các hoạt động này. Trên thực tế, với lần thứ 11 tổ chức, Đối thoại Biển do Học viện Ngoại giao tổ chức đã minh chứng cho tính thiết thực và thành công của đối thoại này, điển hình như việc nhận được những phản hồi tích cực, cung cấp nhiều ấn phẩm, tài liệu chất lượng, kết nối các nhà khoa học bàn thảo về khoa học biển, kết hợp thảo luận chính sách và khuôn khổ pháp lý hướng tới quản trị biển bền vững.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-thoai-bien-lan-thu-11-phan-tich-ro-noi-ham-cua-hoat-dong-phuc-hop-tren-bien-post463978.html