Đổi thay trên vùng quê Gio Hải

Bốn mươi lăm năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xã Gio Hải của huyện Gio Linh, từ một vùng đất cách mạng bất khuất trong chiến tranh, khó khăn trong những thập niên chín mươi của thế kỷ trước nay đã trở thành xã mạnh về kinh tế biển và xuất khẩu lao động… Đời sống của người dân có nhiều đổi thay đáng mừng.

Bia tưởng niệm các liệt sĩ được gia đình ông Trần Văn Huỳnh xây dựng. Ảnh: T.L

Đất anh hùng

Anh Hồ Xuân Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Hải dẫn chúng tôi đến thắp hương tại Nhà bia tưởng niệm 4 liệt sĩ anh dũng hy sinh tại Thôn 6. Từ những năm trước 1960 và đến 1965, phong trào cách mạng ở Gio Hải rất nổi tiếng khắp cả vùng Gio Linh. Nhiều lần địch tìm cách đàn áp, tiêu diệt phong trào cách mạng và các cơ sở cách mạng nằm vùng ở địa phương ven biển này. Ngày 18/8/1964, cơ sở bí mật bị lộ, tại hai gia đình cơ sở Trần Văn Giáo và Trần Văn Xiêm ở Thôn 6, địch đã huy động một lực lượng lớn bộ binh, thiết giáp bao vây, nổ súng, đốt nhà nhằm bắt sống các cán bộ nằm vùng. Nhưng các đồng chí Nguyễn Văn Định, Xã đội trưởng, Nguyễn Văn Đức, Phó Bí thư Đảng ủy xã; Hồ Văn Thu, Trưởng Công an xã và Ngô Văn Liễu, cán bộ Huyện ủy Gio Linh nhất quyết không đầu hàng, trước lúc hy sinh các đồng chí đã anh dũng chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Sau ngày hòa bình, ông Trần Văn Huỳnh, con trai đầu của ông Trần Văn Xiêm đã dựng nhà bia thờ các liệt sĩ ngay tại vị trí các liệt sĩ đã hy sinh trong khuôn viên gia đình mình. Nhà bia tưởng niệm trở thành địa chỉ giáo dục lý tưởng cách mạng cho các thế hệ người dân xã Gio Hải.

Từ tháng 6/1966, để ngăn chặn phong trào cách mạng và sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, quân đội Mỹ bắt đầu xây dựng hàng rào điện tử McNamara dài lên đến biên giới Việt - Lào, gần 100km. Kể từ đây, phong trào cách mạng của quân và dân xã Gio Hải bước sang một giai đoạn mới quyết liệt hơn. Quân đội Mỹ huy động lực lượng hùng hậu dùng xe húc ủi, cày nát vườn tược, nhà cửa hoa màu của dân. Một hệ thống hàng rào dây thép gai, bãi mìn, các thiết bị trinh sát mặt đất, trên không…được bố trí liên hoàn dọc hàng rào. Xã Gio Hải ngày càng bị vây chặt từ bốn phía. Nhưng trong bất kể hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Gio Hải vẫn luôn kiên trì phát triển phong trào cách mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn, không sợ hy sinh làm nên những chiến công hiển hách. Với truyền thống cách mạng và anh dũng kiên cường trong chiến tranh, xã Gio Hải hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có 134 liệt sĩ, 24 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 273 thương binh và gia đình có công với cách mạng...

Chuyển đổi sản xuất mạnh mẽ

Những ngày này, theo đường quốc phòng ven biển đi qua xã Gio Hải chúng tôi luôn có cảm giác ấm áp làng quê đang đổi mới. Xã Gio Hải có 4 thôn, sau khi sáp nhập thêm hai thôn Nhĩ Trung và Nhĩ Hạ của xã Gio Thành nên xã có tất cả 6 thôn với hơn 6.700 khẩu. Bãi biển Gio Hải dài 5,8 km nổi tiếng thu hút nhiều du khách khi mùa hè đến, không kém các bãi biển đẹp khác trong khu vực. Dọc qua các làng, đường giao thông rải thảm nhựa rộng thoáng giúp cho việc giao lưu buôn bán các sản vật vùng biển với các vùng kinh tế khác thuận lợi hơn rất nhiều. Giấc mơ về một vùng kinh tế biển năng động và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Gio Hải khi các dự án du lịch biển Quảng Trị đang khởi động.

Ông Trần Viết Nam, Chủ tịch UBND xã Gio Hải cho biết, thế mạnh phát triển kinh tế của xã là khai thác đánh bắt xa bờ, thương mại- dịch vụ, xuất khẩu lao động và sản xuất nông nghiệp. Đội tàu xa bờ của Gio Hải với 13 chiếc, trong đó có 4 tàu vỏ thép, ngoài ra có gần 200 tàu thuyền khai thác bãi ngang. Ngư dân Hoàng Tứ ở Thôn 4 cho biết, cách đây ba năm đã đầu tư 18 tỉ đồng đóng tàu vỏ thép đi biển, ngoài giải quyết việc làm thường xuyên cho các lao động, mỗi năm ông thu về vài trăm triệu đồng tiền lãi. Khai thác biển và xuất khẩu lao động đang là nguồn thu nhập chính của người dân Gio Hải. Toàn xã có gần 300 lao động xuất khẩu qua các nước Nhật Bản, Hàn Quốc tìm được việc làm thuận lợi. Nhờ khai thác biển và xuất khẩu lao động, nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên khang trang trên vùng đất cách mạng Gio Hải.

Cái được không kém phần quan trọng là Gio Hải thực hiện rất tốt việc chuyển đổi sinh kế sau sự cố ô nhiễm môi trường biển cách đây bốn năm, nên kinh tế các hộ dân trong xã khá ổn định. Nhiều mô hình trồng lúa trên đất cát trắng, trồng đậu xanh, chăn nuôi gà, nuôi bò nhốt…rất hiệu quả. Nhờ vậy, chỉ sau bốn năm từ năm 2016 đến 2019, thu nhập bình quân đầu người dân đã tăng lên rất cao. Theo chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ xã Gio Hải phấn đấu đến năm 2020 đạt thu nhập trên đầu người đạt 28 triệu đồng, nhưng nhờ sáng tạo và biết phát huy hiệu quả phòng trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế nên đến nay Gio Hải đạt 38 triệu đồng người/năm, vượt chỉ tiêu đề ra 10 triệu đồng. Thực hiện xây dựng nông thôn mới Gio Hải đạt được 17/19 tiêu chí, quyết tâm đến năm 2023 hoàn thành các tiêu chí còn lại để đạt chuẩn xã nông thôn mới đầu tiên của vùng biển.

Chủ tịch UBND xã Trần Viết Nam cho biết, giai đoạn 2020-2025, Gio Hải sẽ chú trọng hơn nữa phát triển mạnh về kinh tế biển và dịch vụ- du lịch và xuất khẩu lao động để đạt mức thu nhập bình quân vào năm 2025 từ 60 đến 65 triệu đồng/người/năm. Tập trung vào các dự án đầu tư phát triển du lịch biển cũng như đội tàu đánh bắt xa bờ vừa khai thác kinh tế biển và góp phần bảo vệ biển đảo Tổ quốc để Gio Hải luôn xứng đáng là xã biển bất khuất trong chiến tranh và năng động, sáng tạo trong thời bình.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=148765