Đổi thay trên 'vùng đất lửa'

GD&TĐ - Xã Long Bình, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) từ cách đây hơn nửa thế kỷ đã ghi bao chiến công oai hùng của quân và dân ta, trải qua hai cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc chống Pháp và đuổi Mỹ. Vùng đất lửa năm xưa giờ đã mang một diện mạo mới, hòa mình cùng sự đổi thay không ngừng của đất nước…

Sức sống mới Gò Công

Vượt gần 100 cây số, chúng tôi đến huyện Gò Công Tây trong một buổi chiều vương đầy nắng. Từ TP Mỹ Tho qua huyện Chợ Gạo con đường 50 rộng rãi, hai bên đường những vườn cây trái sum suê soi mình bên những dòng kênh dẫn chúng tôi đến với thị trấn Vĩnh Bình – nơi huyện lỵ trù mật của huyện Gò Công Tây.

Theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, vùng đất Gò Công Tây nằm giữa 2 con sông Cửa Tiểu và sông Trà đã được thiên nhiên ưu đãi về châu thổ. Dù trước đây có nhiều vùng đất nhiễm phèn và nước mặn nhưng qua đôi tay siêng năng của người nông dân nhiều năm cần cù cải tạo nên kinh tế vườn của Gò Công Tây đang là ưu thế vượt trội của địa phương.

Những vườn xoài, thanh long, dưa hấu hai bên đường xanh tốt như một minh chứng thực tế cho sự đổi thay đó. Xen giữa những con đường và bờ kênh là những mảnh vườn trồng rau củ như đưa chúng tôi tới vùng đất quen thuộc của xứ sở trồng hoa màu ở Đà Lạt.

Kinh tế vườn nơi đây đã trở thành mũi nhọn của một địa phương nổi tiếng về nông nghiệp cung cấp nguồn nông sản chính cho toàn tỉnh và cả TPHCM. Ít ai nghĩ trong suốt kháng chiến chống Pháp cho đến thời Mỹ - Ngụy, đây là vùng đất bom rơi đạn lạc, tự do bắn phá của kẻ thù.

Đặc biệt từ khi nửa cuối năm 1968, quân giải phóng chiếm ưu thế tại vùng đất này, kẻ địch càng điên cuồng càn quét, với dã tâm một ngọn cỏ cũng không mọc nổi. Những dấu tích khói lửa xưa đã mờ phai, nhường cho màu xanh ngút ngàn của ruộng lúa, vườn cây ăn trái. Xa xa từng đàn trâu bò đi đủng đỉnh trên bờ đê cùng với những đàn dê, bầy vịt chạy đồng vang tiếng kêu như nhịp thở của ruộng đồng.

Đúng như lời giới thiệu của một cán bộ nông nghiệp huyện, chăn nuôi gia súc gia cầm nhiều năm gần đây đã tăng tốc về số lượng và chất lượng. Khó khăn nghèo đói năm xưa từng bước bị đẩy lùi trong từng ngõ hẻm.

Long Bình đổi sắc thay da

Đó cũng là hình ảnh đổi mới ở xã Long Bình – một địa phương nằm gần cuối huyện đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm chiến thắng Long Thạnh. Trên con đường 16 về UBND xã dù có vài đoạn còn dang dở nhưng tất cả đã được “lột xác” vì đã được tráng nhựa phẳng lỳ. Theo giới thiệu của Chủ tịch xã Đặng Hoàng Thọ, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nên nhiều tuyến đường giao thông nông thôn của xã được khoác lên mình bộ mặt mới.

Theo ông Thọ, nơi đây có hơn 80% đất làm nông nghiệp chủ yếu trồng lúa. Vì thế trên những nẻo đường mà chúng tôi đã đi qua, nơi đâu lúa cũng ngập đồng. Màu vàng của nắng pha màu vàng của lúa làm cho bức họa đồng quê thêm tươi sắc. Mỗi cây lúa ở đây cũng thấm bao giọt mồ hôi của người nông dân vì thiên tai gây họa.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu riêng vụ đông xuân năm ngoái nước mặn đến sớm đã xâm nhập sâu vào nội đồng trong lúc nước trong kinh thấp hơn nên phải tổ chức bơm chuyền để nghiêng đồng đổ nước ra sông. Nhờ có chủ động phòng ngừa trước nên thiệt hại của người dân giảm đáng kể; năng suất và sản lượng cây trồng đạt kế hoạch đề ra với tổng sản lượng 26.000 tấn đạt 146% kế hoạch năm.

Tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Long Thạnh (xã Long Bình) vừa được địa phương tổ chức, chúng tôi may mắn được gặp một số gương mặt nông dân sản xuất giỏi. Anh Phạm Văn Thanh - chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh ấp Ninh Qưới - khoe: “Gia đình tôi có 2 công ruộng ông bà để lại, nhờ mấy năm trồng hoa màu mà kinh tế gia đình nay đã khá. Hai căn nhà tường, đồ đạc sắm sanh trong nhà như tivi, tủ lạnh, máy lạnh đều lấy tiền từ ruộng trồng củ cải, dưa leo, khổ qua”.

Theo lời kể của người đàn ông 56 tuổi, 2 mùa trồng củ cải trắng chỉ trong thời gian 3 tháng mà đã thu về 40 triệu đồng. Không chịu thua kém hàng xóm, ông Nguyễn Văn Châu, ông Võ Hồng Khanh lại “phất lên” nhờ chăn nuôi gia súc gia cầm.

Vào giờ đến trường, từng đoàn học sinh mặc áo đồng phục vai quàng khăn đỏ bay phấp phới trong gió chạy xe đạp càng làm cho khung cảnh quê nhà thêm sức sống. Các em chính là tương lai của quê hương sau khi được trang bị đầy đủ tri thức để mai mốt trở thành những kỹ sư giỏi đem hết tài đức về cống hiến cho quê hương.

Một trường điểm MN, 2 trường TH Long Bình trên khu đất rộng với những dãy nhà 2 tầng đã đáp ứng được nhu cầu học tập của con em lao động. Trước đây sau khi tốt nghiệp THCS, các em phải vượt gần 10 cây số để đến trường thì nay các em đã có một trường THPT ngay trên xã nhà. Phong trào học tập đến tận từng gia đình để xua tan những tối tăm lạc hậu do nạn mù chữ, thất học gây ra.

Tại nhà tưởng niệm và bia căm thù của xã, mấy hôm nay hương khói nghi ngút, hòa chung vào tiếng gõ mõ cầu siêu cho 76 linh hồn người dân Long Thạnh đã bị quân Pháp sát hại cách đây 70 năm, sau chiến thắng Long Thạnh. Nỗi đau cùng với bia đá ghi mãi ngàn đời nhưng mỗi người dân Long Bình đã biến căm thù thành hành động, cùng chính quyền chung tay đồng lòng đưa cuộc sống quê hương vươn dậy.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/doi-thay-tren-vung-dat-lua-3272364-b.html