Đổi thay ở vùng cao Phước Hà

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam là một trong những vùng đất được tỉnh Ninh Thuận chọn làm căn cứ của các cơ quan trực tiếp lãnh đạo quân và dân đấu tranh cho đến ngày toàn thắng. Sau ngày đất nước thống nhất, Phước Hà được thành lập với năm thôn: Giá, Là A, Rồ Ôn, Trà Nô và Tân Hà. Những năm qua, đồng bào Ra Glai nơi đây không ngừng nỗ lực để thoát nghèo.

Trở lại xã Phước Hà vào những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp chung vui với đồng bào dân tộc Ra Glai trước sự đổi thay và ngày càng trù phú trên vùng đất anh hùng này. Phước Hà, nằm về phía tây nam, cách trung tâm huyện Thuận Nam khoảng 25 km. Toàn xã có 845 hộ với 3.600 người; diện tích tự nhiên gần 18 nghìn ha, phần lớn là đồi núi và đất rừng, trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 1.620 ha, các loại cây trồng chủ yếu là ngô, lúa nước, đậu xanh, sắn…

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tà Thía Banh, khi xã mới thành lập, do phong tục tập quán sinh sống và sản xuất du canh, du cư lạc hậu, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 80%. Sau ngày tái lập tỉnh vào năm 1992, vùng cao Ninh Thuận được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành trung ương quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội, dân sinh; đáng chú ý nhất là xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình thủy lợi hồ chứa nước Tân Giang có dung tích chứa hơn 13 triệu m3 vào năm 2002 đã trở thành dấu mốc quan trọng, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào và cũng chính là dấu ấn khởi đầu cho sự trù phú nơi đây.

“Khi có nước, nhiều chương trình khuyến nông của tỉnh, huyện được đưa đến tận xã, người dân được tập huấn, hướng dẫn và biết cách áp dụng kỹ thuật sản xuất mới; từng bước xóa bỏ hình thức sản xuất lạc hậu, mạnh dạn chọn cây lúa nước để thay thế cây ngô, cây đậu… cho năng suất và giá trị kinh tế cao”- Bí thư Đảng ủy xã Tà Thía Banh bộc bạch.

Nếu trước đây, đồng bào Ra Glai ở Phước Hà chỉ biết trồng các giống ngô, sắn thuần túy theo cách canh tác lạc hậu “chọc lỗ và bỏ hạt xuống đất rẫy” và đặt tất cả hy vọng vào thời tiết, thường xuyên thiếu đói vào mùa giáp hạt. Giờ đây, nhờ áp dụng thành thạo kỹ thuật mới trong việc trồng, chăm sóc cây lúa nước, đậu xanh cao sản, ngô lai… cho năng suất cao, tăng thêm thu nhập, cho nên đời sống ngày càng được cải thiện.

Gia đình chị Trà Văn Thị Thủy ở thôn Trà Nô là một trong những hộ tiên phong và áp dụng tốt kỹ thuật thực hiện mô hình “một phải, năm giảm” (“một phải” là phải sử dụng giống xác nhận, “năm giảm” là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch). Nhờ đó, từ năm 2008 đến nay, mỗi năm, sáu sào trồng lúa nước cho thu nhập vài chục triệu đồng, chị có điều kiện nuôi năm người con nối tiếp nhau đi học đại học. Với số tiền tích cóp được mỗi năm, chị mua, nuôi năm con bò cái đẻ. Hiện giờ, đàn bò đã phát triển hơn 15 con. Hộ chị Trà Văn Thị Gái, sau hơn 10 năm thực hiện các mô hình tưới nước tiết kiệm, trồng xen canh, luân canh và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chịu hạn, giờ đã thoát nghèo và nuôi ba người con đi học đại học...

Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, bà con đã chủ động đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm nhiều công chăm sóc, nâng cao năng suất, tăng thu nhập gấp hai đến ba lần trên cùng diện tích canh tác so với trước đây. Toàn xã hiện có 12 chiếc máy cày; chín máy tuốt lúa và năm máy xay lúa. Tận dụng điều kiện tự nhiên, đồng bào đã phát triển chăn nuôi gia súc, với tổng đàn hơn bốn nghìn con bò, dê và cừu. Đời sống người dân Phước Hà được nâng lên rất nhiều. Tình trạng hộ thiếu gạo vào mùa giáp hạt không còn. Hơn 90% số hộ có điện thắp sáng; tất cả các gia đình có công trình hợp vệ sinh, có nước sạch sinh hoạt dẫn vào tận nhà và được khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế. Nhờ các chương trình, dự án đầu tư, hầu hết các tuyến đường giao thông nội thôn được làm bằng bê-tông khang trang, sạch đẹp, hơn 80% số gia đình mua sắm xe máy để đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản rất thuận tiện…

Chúng tôi bất ngờ gặp lại anh Pa Xá Pớt sau hơn 10 năm anh rời cơ sở dạy nghề sửa chữa xe máy và các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp tại TP Phan Rang - Tháp Chàm. Hiện tại, anh là người có tay nghề cao, tích lũy được hàng trăm triệu đồng, mua một khu đất rộng làm cơ sở sửa chữa cơ khí, làm thêm năm sào ruộng, nuôi đàn bò gần chục con, thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng.

Toàn xã có năm điểm trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở được đầu tư xây dựng khang trang bảo đảm việc dạy và học tập cho hơn 650 học sinh. 5 năm trở lại đây, chuyện chăm lo cho con cháu ăn học được người dân Phước Hà rất quan tâm. Đến thời điểm này, xã có nhiều em đi học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Nhiều em sau khi tốt nghiệp trở về địa phương, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức các đợt phát động phong trào khuyến học, khuyến tài,… cho nên tỷ lệ huy động học sinh ra lớp hằng năm đạt hơn 98%.

Tạm biệt Phước Hà, đi trên các tuyến đường bê-tông nội thôn, liên thôn, vượt qua chiếc cầu treo kiên cố nối liền thôn Tân Hà với thôn Giá để thăm khu chợ vừa được xây dựng khang trang, tấp nập cảnh người mua, người bán các đặc sản, nông sản do địa phương làm ra; ngắm nhìn cánh đồng lúa xanh rì khi hoàng hôn buông xuống trông như dải lụa mềm đa sắc mầu vào buổi chiều; nhìn các đàn gia súc béo múp, bụng no căng tròn được lùa về chuồng; cả xã bừng sáng ánh điện… chúng tôi hiểu rằng, đồng bào Ra Glai nơi đây, đã và đang phát huy nội lực học tập, tìm tòi nhiều cái mới để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động, sản xuất, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững... Tin rằng, một ngày không xa, xã anh hùng Phước Hà sẽ thay đổi diện mạo nhiều hơn nữa trong công cuộc đổi mới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32749902-doi-thay-o-vung-cao-phuoc-ha.html