Đời sống văn học thời Nguyễn qua các tài liệu lưu trữ

Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và hướng tới ngày Thơ Việt Nam (Rằm tháng Giêng), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) thực hiện triển lãm trực tuyến 'Văn chương muôn màu' tại https://archives.org.vn hoặc https://facebook.com/luutruquocgia1 từ 7 giờ ngày 15/2.

Văn chương từng đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần thời trung đại. Triều Nguyễn không phải là một ngoại lệ. Dưới triều đại này, văn chương hiện diện khắp nơi trong đời sống thường nhật: các dịp lễ tết vua tôi thường cùng nhau xướng họa; khi nhà vua đi tuần du thăm thú cảnh đẹp non sông, thăm hỏi đời sống nhân dân, thơ như nhật ký ghi lại cảm xúc, hành trình; thơ là nơi gửi gắm tâm tư tình cảm, tỏ chí tỏ lòng; cũng có khi thơ chính là một món quà ban thưởng đầy ý nghĩa…

Trường thi Văn Nam Định 1897

Bên cạnh vai trò cao cả, ở một phương diện khác, văn chương bị coi là công cụ để chuẩn bị gây mầm loạn, sử dụng để đe dọa sự tồn tại của chính quyền quân chủ. Sự tồn tại song song của cái đẹp, cái bi, cái cao cả đã làm cho văn chương trở thành một bức tranh muôn vẻ, muôn màu.

Triển lãm “Văn chương muôn màu” giới thiệu đến công chúng hơn 200 tài liệu đặc sắc về đời sống văn học dưới triều Nguyễn (1802 – 1945), được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới. Trong đó, nhiều văn bản lần đầu tiên được công bố.

8. Một góc không gian triển lãm “Văn chương muôn màu”, ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Có cái nhìn đa chiều để hiểu đúng, hiểu sâu về một giai đoạn văn học là điều hết sức cần thiết. Tiếp cận các danh nhân văn học và đời sống văn chương triều Nguyễn từ điểm nhìn Châu bản chắc chắn sẽ đem đến cho người xem nhiều thông tin bổ ích và thú vị. Từ đó góp phần kiến giải để hiểu sâu sắc hơn về những thông điệp mà các tác gia văn học gửi gắm qua từng tác phẩm. Đặc biệt, đây là những thông tin bổ trợ làm phong phú thêm kiến thức văn học, lịch sử triều Nguyễn trong nhà trường.

Triển lãm bố cục gồm 3 phần.

Phần 1: Những “gương mặt thân quen”:

Lần giở di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn, công chúng sẽ được tiếp cận thêm về các tác gia văn học lớn của thế kỷ 19 – 20 như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... ở một góc độ khác – sự nghiệp quan trường và cuộc đời của họ. Từ đó, chúng ta có thể hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về tư tưởng quan điểm cũng như tâm tư, tình cảm mà các tác gia đã gửi gắm vào từng tác phẩm.

ượng Nguyễn Công Trứ tại đền thờ ở Ninh Bình. Trong chương trình Ngữ văn phổ thông, Nguyễn Công Trứ được biết đến với Bài ca ngất ngưởng. Ông là một trong số ít tác gia văn học được nhắc đến nhiều trong Châu bản triều Nguyễn. (ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)

Phần 2: “Hiểm địa” của ngôn từ

Cũng như bất kỳ triều đại quân chủ chuyên chế nào, dưới triều Nguyễn, các vụ án văn chương thường gắn liền với việc bảo vệ quyền uy, vị thế của chính thể và giới cầm quyền đương thời. Các vụ án văn chương khoa cử và ngoài khoa cử được ghi lại khá nhiều trong Châu bản triều Nguyễn.

Phần 3: Tiêu dao miền thơ phú

Dưới các triều đại quân chủ, thơ văn từng có vị trí đặc biệt trong đời sống cung đình. Châu bản triều Nguyễn cho chúng ta thêm nhiều thông tin thú vị về đời sống văn chương cung đình cách nay hàng trăm năm. Khi đó, việc vua tôi cùng nhau làm thơ không chỉ để mua vui, mà có khi để ngụ ý khuyên răn, để nói chí hướng, để tu tâm dưỡng tính, đào luyện nhân cách. Với những giá trị nổi bật, sinh hoạt văn chương cung đình triều Nguyễn đã góp thêm hương sắc cho lịch sử văn học nước nhà.

Ban Tổ chức, triển lãm sẽ là nguồn tài liệu, tư liệu quý đối với các nhà nghiên cứu và công chúng có cùng mối quan tâm đối với vấn đề này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/doi-song-van-hoc-thoi-nguyen-qua-cac-tai-lieu-luu-tru-post566541.antd