Đời sống nâng cao nhờ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Ngày 09/12/2020, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (NCCVCM) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới, quy định chặt chẽ, bảo đảm chế độ đối với NCCVCM và thân nhân. Thực hiện Pháp lệnh, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Long An triển khai nhiều hoạt động và đạt kết quả tích cực, nâng cao chất lượng cuộc sống của các đối tượng NCCVCM và thân nhân.

Thời gian qua, chính quyền xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa nỗ lực thực hiện các điểm mới trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian qua, Sở phối hợp các sở, ngành, địa phương quan tâm và kịp thời thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan đến công tác thương binh - liệt sĩ, chính sách ưu đãi đối với NCCVCM, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện chế độ, chính sách, Pháp lệnh ưu đãi đối với NCCVCM; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NCCVCM trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở còn tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả phong trào Ðền ơn đáp nghĩa với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

"Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCCVCM, Sở tổ chức tập huấn, phổ biến hệ thống các văn bản liên quan. Qua đó, các sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền sâu, rộng với nhiều hình thức như tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà NCCVCM nhân các dịp lễ, tết, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) kết hợp tuyên truyền về chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCCVCM, các chính sách mới được ban hành" - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai thông tin.

Xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa ngày nay được tách ra từ xã Đông Thuận, từng được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân ngày 20/12/1994. Tiếp nối truyền thống hào hùng của thế hệ cha anh đi trước, chính quyền và Nhân dân xã Thủy Đông luôn đặt công tác tri ân, Đền ơn đáp nghĩa NCCVCM lên hàng đầu.

Để triển khai những điểm mới trong chính sách ưu đãi NCCVCM, chính quyền xã vừa duy trì hỗ trợ các trường hợp đang hưởng trợ cấp, vừa bổ sung thêm các đối tượng theo chính sách mới. Hiện tại, xã có 119 người được hưởng trợ cấp hàng tháng, gồm 16 thương binh, thân nhân 7 Mẹ Việt Nam Anh hùng từ trần, 2 NCC giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến, 1 người nhiễm chất độc hóa học màu da cam, 83 thân nhân NCCVCM.

UBND xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa tổ chức tặng quà, chi trả trợ cấp cho các đối tượng người có công với cách mạng vào dịp lễ, tết

Tùy theo từng đối tượng sẽ có mức trợ cấp khác nhau, từ 1.208.000 - 4.396.000 đồng/tháng. Trong đó, mức chuẩn trợ cấp NCCVCM tăng từ 1.318.000 đồng (năm 2015) lên 1.624.000 đồng/tháng (năm 2020). Đối tượng Bà mẹ VNAH từ sau tháng 7/2021 còn được hưởng thêm trợ cấp hàng tháng bên cạnh tiền tuất một lần, tiền tuất hàng tháng, tiền phụ cấp hàng tháng,... trước đó. Số tiền trợ cấp hàng tháng của các mẹ được quy định bằng 3 lần mức chuẩn.

Từ năm 2021, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xã Thủy Đông còn mở rộng thêm ưu đãi với vợ/chồng của liệt sĩ tái giá. Hiện xã chi trả tiền trợ cấp hàng tháng (bằng mức chuẩn) và thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho 3 người thuộc đối tượng này. Đây là chế độ ưu đãi được quy định với đối tượng vợ/chồng của liệt sĩ đi thêm bước nữa trong Pháp lệnh năm 2020.

Thông qua việc triển khai, thực hiện các điểm mới được bổ sung, điều chỉnh trong Pháp lệnh Ưu đãi NCCVCM năm 2020, đến nay, NCC trên địa bàn xã nhận được mức hỗ trợ hợp lý. Hệ thống chính sách ưu đãi dần hoàn thiện, góp phần giúp các đối tượng ổn định cuộc sống, bảo đảm NCCVCM có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú.

Công chức Văn hóa - Xã hội xã Thủy Đông - Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết: “Sau khi Pháp lệnh được ban hành, tôi nỗ lực tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ. Đầu tiên, tôi niêm yết văn bản Pháp lệnh Ưu đãi NCCVCM năm 2020 tại bảng thông báo trước UBND xã, nhà văn hóa các ấp, khu phố,... Sau đó, thông tin đến mọi người tại các buổi họp dân, họp mặt ấp, khu phố. Với từng hội, đoàn thể có nhóm Zalo chung, người đứng đầu chịu trách nhiệm chia sẻ nội dung Pháp lệnh cho các thành viên, bảo đảm ai cũng đều biết, đều hiểu”. Theo chị Nga, ban đầu, việc triển khai cũng gặp nhiều bất cập do chính sách vừa ban hành, ít người biết, các đối tượng chưa được cập nhật đầy đủ, cán bộ phụ trách lĩnh vực NCCVCM phải dành nhiều thời gian để nắm thông tin thật chính xác mới có thể tuyên truyền đến người dân.

Ưu đãi NCCVCM là chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm thể hiện lòng biết ơn với những người đã hy sinh vì Tổ quốc; đồng thời, tri ân, đền ơn đáp nghĩa các cá nhân có công với cách mạng và thân nhân. Từ đó, sự chung tay, nỗ lực của chính quyền và Nhân dân sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", góp phần phát triển phong trào Đền ơn đáp nghĩa ngày càng sâu, rộng trong xã hội./.

Ngày 10/9/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, NCC giúp đỡ cách mạng (nay gọi tắt là Pháp lệnh Ưu đãi NCCVCM). Văn bản mang tính pháp lý quan trọng, thể chế hóa các chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác NCCVCM, là nền tảng pháp lý để các cấp, các ngành chăm lo, nâng cao đời sống cho NCCVCM và thân nhân của họ. Pháp lệnh có 7 lần sửa đổi, lần gần đây nhất là năm 2020.

Pháp lệnh năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/7/2021, bao gồm 9 chương và 58 điều. Trong đó, Pháp lệnh bổ sung 2 chương mới là Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ và Nguồn lực thực hiện; thêm 10 điều mới; sửa đổi 41 điều; hỗ trợ thêm nhiều chính sách mới cho đời sống NCCVCM và thân nhân của họ.

Thanh Anh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/doi-song-nang-cao-nho-chinh-sach-uu-dai-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-a175230.html