Đời sống La Chử - đất kiệu

Bữa cơm đầu tiên của cha con tôi tại quê nhà sau ngày đất nước thống nhất có hai món từ tấm bé đến lúc ấy tôi mới biết: Canh mướp đắng và củ kiệu muối. Hơn 20 năm mới được nếm lại hương vị xưa, ba tôi ăn ngon lành hết dĩa kiệu. Còn tôi, thấy kiệu lạ không dám gắp, chỉ chan canh, húp vào vội ọc ra khiến cả nhà cười ầm. Ấn tượng về củ kiệu không dừng lại ở đó.

Học hết lớp 5 hệ 10 năm, tôi chuyển vào học lớp 7 hệ 12 năm ở Trường phổ thông cấp 2-3 Hương Trà (nay là Trường THPT Đặng Huy Trứ). Ở trường, thi thoảng nghe các anh chị lớp trên, người ở các huyện, các xã lân cận gọi người làng tôi là “đồ dân củ kiệu” với vẻ mỉa mai, hàm ý dân làng tôi quê mùa, nghèo đói, chỉ có kiệu và kiệu.

Trước giải phóng và chừng 5 năm kế tiếp, tuy đất đai mênh mông nhưng thiếu nước tưới nên chỉ những đám ruộng gần làng mới cấy được hai vụ. Hè thu đa phần chuyển qua trồng nưa, kiệu trên vùng đất khô. Từ Quốc lộ 1A lên làng, hai bên đường rộng hàng chục mẫu toàn trồng nưa, kiệu. Kiệu làng tôi ngon, thơm, bán khắp xứ, vào tận Đà Nẵng, làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Một năm, kiệu có hai vụ, tính theo âm lịch từ tháng 4 đến tháng 8 và từ tháng 9 đến tháng chạp. Kiệu có mặt trong bữa ăn hàng ngày của dân làng, chế biến thành nhiều món ngon miệng, hấp dẫn từ người giàu tới kẻ bần cùng.

Nghỉ hưu, ngày lại ngày thẩn thơ trên đường làng, tôi như bắt gặp lại hình ảnh hơn 40 năm trước, những người bà con ngồi nhổ kiệu bên vệ đường réo gọi tên anh em tôi. Để tâm tìm hiểu, tôi chợt nhận ra rằng có lẽ dân làng tôi, những người ăn kiệu mòn răng lẫn người hay châm chọc, từ lâu, củ kiệu đã được vinh danh, là một trong chín loại rau củ được chạm hình tượng vào Cửu đỉnh, báu vật quốc gia của Việt Nam, nằm trong sân Thế Miếu, cách làng tôi dăm cây số mà thôi.

Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, viết về phủ Thừa Thiên, phần mục Loại rau, đề cập: “Kiệu: giới, theo Bản thảo thì có tên là hỏa thông, lá thái chi, có thể lợi tiểu và cổ trường. Năm Minh Mạng thứ 17, khắc hình tượng vào Chương đỉnh” (bản dịch của Phạm Trọng Điềm, NXB Thuận Hóa 1997, tập 1, trang 268). Dương Phước Thu trong biên khảo về Cửu đỉnh - “Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế” (NXB Tri Thức 2011), cho biết sâu hơn về chín loại rau củ có mặt trên Cửu đỉnh. Trong đó, riêng củ kiệu, ông cung cấp: “giới, tục danh là củ kiệu, còn gọi là hỏa thông hay thái chi, thuộc họ hành. Nó là một thứ cây rau củ, có thể dùng khi trộn cả lá và củ làm gia vị, có thể phơi qua nắng để muối hoặc chế biến lâu năm để ăn rất ngon. Những người tu hành không hay dùng vì mùi hăng qua hơi thở. Theo Đông y, dược tính của nó dùng làm thuốc rất lợi tiểu và chặt ruột. Vùng miền Trung nước ta trở vào Nam trồng nhiều. Các tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế trở vào Quảng Nam có giống kiệu ngon hơn cả. Đây là một loại rau củ, một thứ sản vật thơm tho của đất nước Việt.

Đáng nói, dân trong vùng truyền tụng đặc sản của mình qua câu: “Cá xóm Bàu, cau Kẻ Liệu, kiệu An Lưu”. Bàu đây là Bàu Sen ở phía đông nam làng tôi rộng chừng 9 mẫu, trên bờ có miếu Thành Hoàng, nổi tiếng cá ngon, nhất là cá gáy, cá tràu. Kẻ Liệu là tên Nôm làng Liễu Cốc Thượng thuộc phường Hương Xuân; An Lưu giáp làng tôi, nay thuộc phường Hương An. Chắc là tiền nhân đặt cho luôn vần bởi An Lưu có rau muống rất ngon, xưa dùng tiến vua, chưa bao giờ có tiếng về kiệu. Người am hiểu chuyện đời nhận xét cũng là con hói chảy qua nhiều làng, song bùn ở đoạn hói chảy qua làng An Lưu tốt hơn, phù hợp với rau muống.

Tiếc thay, diện tích kiệu ngày càng thu hẹp nhường chỗ cho lúa và các loại hoa màu khác. Người dân trồng kiệu chỉ đủ dùng, dư dả mới mang ra chợ quê. Mỗi lần có việc, nhiều người phải về chợ Đông Ba mua kiệu miền Nam, củ to, tròn nhưng không đậm đà, thơm ngon như kiệu làng. Thật buồn khi đến giờ muốn gào to tự hào “tôi là dân củ kiệu đây” cũng chẳng còn cơ hội nữa.

Hà Xuân Huỳnh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/la-chu-dat-kieu-a103193.html