ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI GẮN LIỀN VỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

Theo TS. Nguyễn Đức Thụ, Nguyên Phó Bí thư Thường trực, Đảng ủy Văn phòng Quốc hội, các kỳ Đại hội của Đảng luôn chú trọng chỉ đạo đổi mới Quốc hội trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Công tác lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội ngày càng toàn diện, đòi hỏi Quốc hội không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội khóa XV

Quốc hội khóa XV

Theo Hiến pháp 2013, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Nước Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Bộ máy Nhà nước Việt Nam bao gồm cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Quốc hội là cơ quan lập pháp, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, do nhân dân bầu ra, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát đối với hoạt động của Nhà nước.

TS. Nguyễn Đức Thụ, Nguyên Phó Bí thư Thường trực, Đảng ủy Văn phòng Quốc hội

TS. Nguyễn Đức Thụ, Nguyên Phó Bí thư Thường trực, Đảng ủy Văn phòng Quốc hội

TS. Nguyễn Đức Thụ cho biết, Đảng lãnh đạo toàn diện đối với Quốc hội thông qua cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng. Trong tất cả các nhiệm kỳ đại hội, đảng luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội, các Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX và X, Đảng lãnh đạo đối với Quốc hội chủ yếu thông qua các văn kiện đại hội, nhất là Báo cáo Chính trị của các kỳ Đại hội. Cụ thể:

Yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội qua các thời kỳ đại hội

Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) có quy định: “Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật, chính sách cụ thể.Nêu cao vị trí và vai trò của Quốc hội, tạo điều kiện cho các cơ quan dân cử thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo Hiến pháp quy định. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và quản lý xã hội bằng pháp luật”. Đó là căn cứ quan trọng để thực hiện đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội qua các nhiệm kỳ Quốc hội.

Báo cáo chính trị trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991) đã nêu rõ: Cải tiến tổ chức và hoạt động của Quốc hội để làm đúng trách nhiệm là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới tiêu chuẩn đại biểu và chế độ bầu cử Quốc hội.

Tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã đề cập đổi mới tổ chức, tăng cường hoạt động của Nhà nước, trong đó có Quốc hội về hoạt động lập pháp: Nhà nước định ra các đạo luật… Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó.

Tiếp đó, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 7/1996) đã xác định cụ thể hơn nhiệm vụ của Quốc hội:

“Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp và giám sát của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước” . Về công tác lập pháp, cần ban hành các đạo luật cần thiết để điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, giảm dần các luật, pháp lệnh nêu nhiều nguyên tắc chung; nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; xác định rõ phạm vi, nội dung, cơ chế giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Báo cáo chính trị trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001), cùng với chức năng lập pháp và giám sát đã được đặt ra tại kỳ Đại hội trước, Đại hội lần này đã quy định thêm một nhiệm vụ rất quan trọng của Quốc hội là: Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Quốc hội cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng cường công tác lập pháp, đổi mới quy trình ban hành luật; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước và chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, hoàn thiện những quy định về bầu cử, ứng cử, về tiêu chuẩn và cơ cấu các đại biểu Quốc hội, tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (tháng 4/2006) yêu cầu Quốc hội phải thực hiện đổi mới về tổ chức và hoạt động: phát huy tốt hơn vai trò của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; tổ chức lại một số Ủy ban của Quốc hội; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Cũng theo TS. Nguyễn Đức Thụ, các Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII, Đảng lãnh đạo đối với Quốc hội thông qua Báo cáo Chính trị, Nghị quyết và văn kiện đại hội của các kỳ Đại hội.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nêu cụ thể những nhiệm vụ đối với Quốc hội: Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội để cử tri lựa chọn và bầu những người thực sự tiêu biểu vào Quốc hội.

Đồng thời, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng hợp lý số lượng đại biểu chuyên trách; có cơ chế để đại biểu Quốc hội gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri. Cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Nghiên cứu, giao quyền chất vấn cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Báo cáo chính trị đặt ra hai nhiệm vụ mới so với trước đây, đó là: có cơ chế để đại biểu Quốc hội gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri; nghiên cứu, giao quyền chất vấn cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội

Nghị quyết của Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện đổi mới đối với Quốc hội: “Tiếp tục… đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Đây là lần đầu tiên Nghị quyết của Đại hội Đảng có quy định về đổi mới đối với Quốc hội, khẳng định quyết tâm thực hiện đổi mới cả về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Đại hội XI cũng thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) có quy định về đổi mới nhiệm vụ của Quốc hội, cụ thể: Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục đặt ra các nhiệm vụ về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trên 3 chức năng lập pháp, quyết định vấn đề quan trọng và giám sát; tiếp tục đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng cường đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Điểm mới là có cơ chế giám sát, đánh giá đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn, tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nêu rõ giải pháp: Thực hiện tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra; nghiên cứu giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách công tác ở các cơ quan hành pháp. Quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo hướng giảm số lượng cấp phó và ủy viên thường trực. Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cơ chế giám sát, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra định hướng chung về đổi mới tổ chức nhà nước: Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa … Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước.

Đổi mới Quốc hội trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.

TS. Nguyễn Đức Thụ cho rằng, các kỳ Đại hội của Đảng luôn chú trọng chỉ đạo đổi mới Quốc hội trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.

Về công tác lập pháp, Đại hội Đảng lần thứ VIII đã đặt ra nhiệm vụ khắc phục tình trạng luật khung, luật ống; Đại hội Đảng lần thứ X đặt ra yêu cầu đổi mới tăng việc ban hành luật, thông qua định hướng giảm ban hành pháp lệnh; Đại hội Đảng lần thứ IX đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng pháp luật, Đại hội Đảng lần thứ XIII quan tâm, nhấn mạnh về chất lượng lập pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm.

Nhiều kỳ Đại hội của Đảng đã yêu cầu Quốc hội đổi mới hoạt động giám sát. Đại hội Đảng lần thứ VIII và lần thứ IX yêu cầu thực hiện giám sát tối cao với toàn bộ hoạt động của Nhà nước; Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra thực hiện chất vấn; Đại hội Đảng lần thứ XII và XIII đưa ra yêu cầu lấy phiếu tín nhiệm.

Đối với nhiệm vụ quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đại hội Đảng lần thứ XI quy định về quyết định công trình trọng điểm quốc gia và quyết định ngân sách nhà nước. Các Đại hội của Đảng đều yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng của hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

TS. Nguyễn Đức Thụ nhấn mạnh, việc lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội ngày càng toàn diện, đòi hỏi Quốc hội không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. /.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83707