Đổi mới thủ tục kiểm dịch để thuận tiện cho buôn bán, vận chuyển vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi

Nhằm thuận tiện hơn cho hoạt động buôn bán, vận chuyển vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sửa đổi nhiều quy định trong hoạt động kiểm dịch, như tăng thời hạn giá trị sử dụng của giấy kiểm dịch; gia súc nhập khẩu đã có thẻ tai thì không phải xin cấp mã số; miễn đánh dấu gia súc khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh…

Vận chuyển động vật phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch.

Ngày 9/5/2024, Cục Thú y (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị Phổ biến, triển khai Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.

NHIỀU ĐIỂM MỚI TRONG KIỂM DỊCH ĐỘNG VẬT

Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 1/4/2024 đã đưa ra nhiều điểm mới trong các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn. Đó là, trước khi nhập khẩu sản phẩm động vật, chủ hàng gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch tới Cục Thú y.

Đối với trường hợp gửi hồ sơ giấy, thành phần hồ sơ có yêu cầu bản sao, thì bản sao chỉ cần có ký, đóng dấu xác nhận của chủ hàng và chủ hàng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch.

Quang cảnh hội nghị

Quy định mới đã tăng thời hạn giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu là 60 ngày; thời hạn giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu là 180 ngày.

Ông Chu Nguyên Thạch, Trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Cục Thú y cho biết trong Thông tư mới đưa ra quy định: Muốn vận chuyển động vật, thì các loại động vật phải được đánh dấu, cấp mã số: Động vật giống (Trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, ngựa, lừa, la và lợn) khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh; Động vật (Trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, ngựa, lừa, la và lợn) khi xuất khẩu, nhập khẩu.

"Doanh nghiệp phải bổ sung mã số HS vào các mẫu đơn đăng ký, khai báo kiểm dịch. Gia cầm nhập khẩu để giết mổ cũng cần xét nghiệm bệnh Niu-cát-xơn. Bổ sung thêm chỉ tiêu xét nghiệm là Salmonella spp., và E.coli (chủng O157:H7) đối với thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm thịt đông lạnh/ướp lạnh/sơ chế của trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, lợn, gia cầm, chim nhập khẩu".

"Trong trường hợp gia súc nhập khẩu đã được đánh dấu hoặc đã có thẻ tai thì không phải thực hiện việc xin cấp mã số. Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu lập bảng kê mã số, số hiệu của gia súc nhập khẩu theo quy định (trừ trường hợp đã có bảng kê mã số, số hiệu của gia súc kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu", ông Thạch cho hay.

Quy định cũng miễn đánh dấu gia súc khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh để giết mổ. Sẽ giảm kiểm tra ADN loài nhai lại đối với bột nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật để sản xuất thức ăn cho động vật khi Cục Thú y Căn cứ tình hình bệnh Bò điên của nước xuất khẩu, theo các Nghị quyết của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH/OIE) về công nhận tình trạng dịch bệnh của nước xuất khẩu.

Theo ông Chu Nguyên Thạch, Thông tư số 04/20224/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/5/2024. Đối với các hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch, đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu, hồ sơ đề nghị miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu đã nộp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ.

CẦN GIẢM “NGHẼN” Ở HỆ THỐNG MỘT CỬA LÀM THỦ TỤC KIỂM DỊCH

Tại hội nghị, Cục Thú y cũng đối thoại, trả lời các vướng mắc của các doanh nghiệp trong hoạt động về kiểm dịch động vận, sản phẩm động vật khi thực hiện các thủ tục trên hệ thống một cửa quốc gia.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thuận Hưng Phát, cho biết hiện có 26 quốc gia được phép nhập khẩu sản phẩm động vật vào Việt Nam để gia công chế biến. Điều này làm hạn chế trong sự cạnh tranh. Doanh nghiệp kiến nghị Cục Thú y nghiên cứu cho phép thêm số nước có thể được nhập khẩu vào Việt Nam để có sự cạnh tranh tốt hơn về giá cả.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, lưu ý các doanh nghiệp gia công chế biến sẽ gặp nhiều bất lợi nếu số lượng thị trường được nhập khẩu hạn chế. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu từ quốc gia nào cần có văn bản kiến nghị với Cục Thú y. Trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, Cục Thú y sẽ đàm phán về thú y với nước đó.

“Doanh nghiệp cũng phải đề nghị với đối tác đề xuất với cơ quan chức năng nước đó và có những đề xuất và cung cấp hồ sơ cho cơ quan chức năng Việt Nam xem xét, đánh giá để được công nhận xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Long yêu cầu.

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Phương Quang Minh (Thái Nguyên), cho biết doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm động vật về để gia công chế biến xuất khẩu. Doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp nên việc hoạt động đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu của khu công nghiệp.

Trong quá trình thực hiện nhập khẩu sản phẩm, công ty luôn nghiên cứu kỹ các thông tư, quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan kiểm dịch vùng của Cục Thú y cũng hướng dẫn đầy đủ các thủ tục kiểm dịch, đặc biệt khi phải thực hiện trên một cửa quốc gia. Nhờ đó, từ khi triển khai thực hiện theo một cửa quốc gia, doanh nghiệp không gặp khó khăn gì mà lại thấy rất nhanh và thuận lợi, bà Hoa nói.

“Tuy nhiên, tình trạng hệ thống một cửa quốc gia thường bị nghẽn mạng, nhất là vào buổi chiều. Điều này khiến doanh nghiệp phải chờ đợi đến hôm sau để vào làm thủ tục”, bà Nguyễn Phương Hoa nêu vấn đề.

Thừa nhận việc hệ thống một cửa quốc gia có nhiều lúc bị nghẽn, ông Nguyễn Văn Long đề nghị cả doanh nghiệp và cơ quan kiểm dịch cần rà soát lại hệ thống điện tử. Nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra, doanh nghiệp cần kịp thời phản ánh với cơ quan thú y và hải quan. Trường hợp hệ thống lỗi, hay chưa đáp ứng được yêu cầu Thông tư mới thì cần phối hợp với cơ quan hải quan chấp nhận bản giấy cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có sự cạnh tranh lành mạnh, đúng quy định, theo hướng bền vững để phát triển.

Chương Phượng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doi-moi-thu-tuc-kiem-dich-de-thuan-tien-cho-buon-ban-van-chuyen-vat-nuoi-va-san-pham-chan-nuoi.htm