Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

ĐBP - Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn được quan tâm đổi mới về hình thức và nâng cao chất lượng nội dung. Nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền PBGDPL đã được triển khai và nhân rộng, như: Hội thi tìm hiểu pháp luật, hòa giải cơ sở; tuyên truyền pháp luật tới đồng bào dân tộc thiểu số... Qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; giảm bớt các vụ khiếu kiện, các tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống nhân dân; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.

Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án như: Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy và phòng, chống tội phạm; đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”; đề án “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”. Tập trung thực hiện tốt Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bi thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh, gắn với việc triển khai nghị quyết đại hội Đảng các cấp; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, các cấp, ngành đã kịp thời đổi mới phương thức tuyên truyền thông qua tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật.

Để chuyển tải các văn bản pháp luật quan trọng đến cán bộ và nhân dân, đưa pháp luật vào cuộc sống, các hình thức tuyên truyền được đổi mới. Nhiều báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật sử dụng tiếng địa phương để tuyên truyền đạt hiệu quả, người nghe dễ hiểu, dễ nắm bắt nội dung văn bản. Việc lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng là rất quan trọng. Đối với vùng thấp, dân trí cao hơn thì đi sâu tuyên truyền nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lồng ghép tuyên truyền chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định canh định cư, ổn định sản xuất, không nghe theo kẻ xấu; không du canh du cư; không sinh con thứ 3; phát hiện tố giác những hành vi buôn bán người, buôn bán ma túy và các chất gây nghiện...

Nhằm phát huy hiệu quả, ngoài công tác tuyên truyền miệng, họp dân, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật trên cổng/trang thông tin điện tử của đơn vị; chú trọng nội dung tuyên truyền là các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động, công tác, quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh duy trì việc ký kết và thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp như: Chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với các sở, ban, ngành về PBGDPL cho hội viên, phụ nữ và thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; phối hợp giữa Ban Dân tộc tỉnh với Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Ông Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: 6 tháng đầu năm, các sở, ban, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh mới ban hành. 100% sở, ngành, địa phương đã triển khai đến công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân các văn bản về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19. Toàn tỉnh tổ chức gần 8.500 cuộc, đợt phổ biến pháp luật trực tiếp (tăng hơn 6.300 cuộc, đợt so với cùng kỳ năm 2020) cho hơn 607 nghìn người tham dự (tăng hơn 463 nghìn người); tổ chức 1 cuộc thi tìm hiểu pháp luật; phát hành miễn phí gần 173 nghìn bản tài liệu PBGDPL cho người dân, cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021”. Hiện nay, 100% sở, ngành, địa phương đều sử dụng phần mềm TDOffice, trang, cổng thông tin điện tử để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến mọi đối tượng. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn sử dụng mạng xã hội để thực hiện PBGDPL… Qua đó, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, xây dựng khối đại đoàn kết, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ các hủ tục và tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Thu Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/189741/doi-moi-cong-tac-tuyen-truyen-pho-bien-phap-luat