ĐỔI MỚI CƠ CHẾ PHÂN BỔ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Tại hội thảo 'Lấy ý kiến chuyên gia vào Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu Đề tài: Đổi mới cơ chế phân bổ, giám sát việc phân bổ vốn đầu tư công nhằm góp phần phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam' do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức vào sáng 19/10, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cơ chế phân vốn đầu tư công là nội dung quan trọng để bảo đảm tính công bằng, trọng tâm và quyết định đến hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Trong nhiều năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chú trọng việc nghiên cứu, đổi mới công tác phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm; đồng thời, tăng cường giám sát về phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Từ đó, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, một mặt bảo đảm an sinh, xã hội của người dân, mặt khác, tập trung được nguồn lực xây dựng các công trình lớn, các dự án quan trọng quốc gia, thúc đẩy kinh tế - xã hội nhanh, bền vững… Phát huy vai trò của nguồn lực ngân sách dành cho đầu tư công trong bối cảnh nợ công tăng, thông qua hoạt động đầu tư công để tạo môi trường và kích thích phát triển.

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách nhà nước, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tưu phát triển; Luật Đầu tư công quy định việc phân bổ vốn đầu tư công phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công trong từng giai đoạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đánh giá của các chuyên gia, công tác phân bổ vốn đầu tư công bám sát nguyên tắc, tiêu chí, định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã từng bước đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác giám sát lĩnh vực này được chú trọng, tăng cường.

TS. Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách

TS. Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách

TS. Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng trong công tác quản lý phân bổ vốn đầu tư công thông qua Luật đầu tư công; ban hành các nghị quyết về nguyên tắc, định mức tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công nhằm tập trung nguồn lực thực hiện đột phá chiến lược về phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; nâng cao hiệu lực hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 -2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Quy định Nghị quyết là căn cứ để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, định hướng phân bổ vốn đúng mục tiêu, tránh đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 -2025; đẩy mạnh hiệu quả phân bổ vốn đầu tư công.

Ths. Nguyễn Thị Thơm, Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ths. Nguyễn Thị Thơm, Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Từ góc độ triển khai thực hiện, Ths. Nguyễn Thị Thơm, Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, ngay từ cuối tháng 7 năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trugn ương và địa phương rà soát, đề xuất giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 cho các dự án đã báo cáo Quốc hội, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án quan trọng quốc gia để trình Quốc hội phê duyệt, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách quản lý tài chính, ngân sách đặc thù đối với một số địa phương có điều kiện, đặc biệt là các đô thị lớn nhằm huy động các nguồn thu, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công để xử lý dứt điểm vướng mắc nội tại đã tồn tại từ lâu.

Nhận định bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại vướng mắc cần sớm khắc phục, các chuyên gia cũng cho rằng, thực tiễn đặt ra yêu cầu trong cảnh bối cảnh mới, đòi hỏi nguồn lực đầu tư công phải được quản lý chặt chẽ, phân bổ có trọng tâm, trọng điểm, hợp lý và hiệu quả hơn.

Theo TS. Nguyễn Thị Hương, Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, trong ngắn hạn cũng như dài hạn, nguồn vốn đầu tư công tiếp tục đóng vai trò là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra sức lan tỏa, hỗ trợ hoạt động của các thành phần kinh tế.

Để nguồn lực quan trọng này phát huy hiệu quả tối ưu, TS. Nguyễn Thị Hương kiến nghị cần thực hiện quyết liệt các giải pháp như: Rà soát, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác phân bổ, giao vốn đầu tư công, triển khai thực hiện dự án, tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tăng tính linh hoạt trong quá trình thực hiện, cho phép điều chỉnh vốn từ các dự án hiệu quả thấp, khó khả thi sang các dự án cần thiết, cấp bách, có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Nguyễn Thị Hương, Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính

TS. Nguyễn Thị Hương, Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thị Hương cũng cho rằng, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết điểm nghẽn trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để huy động tối đa nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng: kiên trì nguyên tắc “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, Nhà nước không trực tiếp đầu tư vào những dự án, lĩnh vực mà nhân dân, doanh nghiệp có thể làm.

Chia sẻ về nội dung này, Ths. Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, cần bám sát định hướng của Đảng trong cơ cấu lại đầu tư công và các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quán triệt nguyên tắc đầu tư đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm, chống dàn trải trong đầu tư công, từ đó rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, sớm đưa công trình đi vào sử dụng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đối với tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực; tiếp tục phát huy hiệu quả của cơ chế phân cấp; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm;…

Cũng theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Hoàng Anh, cần rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật để bảo đảm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách; đổi mới mạnh mẽ trong phân bổ vốn đầu tư công;…

Ngoài ra, đề xuất giải pháp về nội dung này, các chuyên gia cũng lưu ý, cần xử lý nghiêm trách nhiệm các cơ quan có liên quan trong công tác thực hiện đầu tư công, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương tài chính; Tăng cường phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm; Nêu cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu; Nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư; xử lý những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trí tuệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, có hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công./.

Lê Anh - Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81090