Đối mặt nhiều thách thức

Theo nhận định của Chính phủ, kinh tế 9 tháng năm 2016 tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tốc độ tăng 5,93% trong 9 tháng tuy thấp hơn so với cùng kỳ (6,63%), nhưng đã cao hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm (5,52%). Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ mức tăng trưởng âm (-0,18%) trong 6 tháng đầu năm đã tăng trở lại 0,65% trong 9 tháng. Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (tăng 3,14% so với tháng 12-2015), các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo… Việc ban hành và triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị định 35 về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo đã tạo được niềm tin cho người dân, doanh nghiệp.

(ĐTTCO) - Hôm nay 20-10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc và kéo dài hơn 1 tháng. Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2016.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt thấp do sự giảm sút của khu vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng. Phải phấn đấu quyết liệt trong quý IV mới mong đạt được mức tăng trưởng 6,3-6,5%. Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng thấp do nền kinh tế vẫn mang nặng mô hình phát triển theo chiều rộng với 2 yếu tố vốn và lao động; tỷ trọng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng thụt lùi từ 36,2% năm 2015 giảm xuống còn 34,4% năm 2016. Cùng với đó kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại; cơ cấu thu - chi ngân sách chưa thật sự hợp lý, thu không đủ chi và trả nợ… Trên cơ sở đánh giá 9 tháng, Chính phủ dự báo cả năm 2016 trong số 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng GDP 6,3-6,5% (so với mục tiêu Quốc hội đề ra 6,7%) và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 6-7% (so với kế hoạch 10%)...

Trong khi đó, xuất khẩu cũng khó tăng trưởng cao thời gian tới nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ. Hiện nay, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chững lại về tốc độ, đặc biệt xuất khẩu vào khu vực ASEAN (giảm 10%) và thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng (8 tháng là 18,8 tỷ USD ); cơ cấu sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ yếu là hàng lắp ráp (điện thoại di động), gia công (dệt may, da giày) đều là sản phẩm giá trị gia tăng thấp.

Dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng theo nhiều chuyên gia, khu vực doanh nghiệp, động lực chính cho phát triển kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, 5 nhóm vấn đề được coi là trở ngại lớn nhất: tiếp cận tài chính, đất đai; chính sách thiếu ổn định; không đủ lao động qua đào tạo; kỷ luật lao động kém; tham nhũng vặt. Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2006-2015 cho thấy các lĩnh vực không được cải thiện hoặc có chiều hướng đi xuống, gồm chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền, tiếp cận đất đai và cạnh tranh bình đẳng. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016-2017 về môi trường kinh doanh xếp Việt Nam ở vị trí 60 trong số 138 nước, giảm 4 bậc so với năm ngoái.

Có thể thấy, bức tranh kinh tế từ đầu năm đến nay bộc lộ nhiều điểm yếu. Việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu thu và chi ngân sách chưa hợp lý, nợ xấu chưa được xử lý thực chất... là những điểm nghẽn lớn kéo theo tăng trưởng GDP thấp. Đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp, bộc lộ những bất cập của một nền nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hiệu quả thấp và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Hệ thống doanh nghiệp cả khu vực nhà nước và tư nhân đều yếu về thực lực và sức cạnh tranh, số doanh nghiệp đăng ký nhiều nhưng số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 57% so với số đăng ký.

Việc 2 chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng GDP, xuất khẩu không đạt, tiếp tục đặt ra thách thức rất lớn trong điều hành nền kinh tế thời gian tới. Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các giải pháp trong 2 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, cần đánh giá kỹ hơn về nhận định kinh tế vĩ mô để quyết liệt thực hiện nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước, tạo hướng đột phá phát triển trong bối cảnh mới.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161019/doi-mat-nhieu-thach-thuc.aspx