Đổi mã vùng điện thoại cố định: Sẽ hạn chế phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Theo lịch trình, ngày 11.2 tới, sẽ thay đổi mã vùng điện thoại cố định tại 13 tỉnh, thành đầu tiên cả nước. Với việc chuyển đổi này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho rằng, kho số quốc gia sẽ thu lại được nhiều đầu mã số để chuyển thuê bao di động từ 11 chữ số về thống nhất là 10 chữ số, góp phần hạn chế sim rác, tin nhắn rác xuất phát từ thuê bao di động 11 chữ số. Trong khi đó, đại diện VNPT khẳng định, việc đổi mã vùng sẽ chỉ diễn ra vào 2 giờ vào ban đêm để hạn chế thấp nhất phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Khi đổi mã vùng điện thoại cố định, doanh nghiệp sẽ phải sơn sửa lại biển hiệu.

Sẽ giảm thiểu rủi ro gián đoạn liên lạc

Theo Cục Viễn thông (Bộ TTTT), kể từ ngày 11.2 khi đổi số, trong tháng đầu tiên, khách hàng vẫn được quay số song song, tức gọi theo mã vùng cũ hay mã vùng mới thì cuộc gọi vẫn thực hiện được. Sau đó một tháng, nếu khách hàng gọi theo mã vùng mới, cuộc gọi diễn ra bình thường. Nếu chưa nhớ mã vùng mới, vẫn gọi theo mã vùng cũ thì khách hàng sẽ nhận được âm thông báo cho biết mã vùng đã bị thay đổi và đề nghị người dân gọi theo mã vùng mới theo hướng dẫn. “Với cách làm trên, nguy cơ rủi ro, gây gián đoạn thông tin liên lạc trong quá trình chuyển đổi mã vùng cũng được giảm thiểu rất nhiều” - Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm nói.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, việc chuyển đổi mã vùng không ảnh hưởng đến số thuê bao điện thoại cố định, số thuê bao vẫn giữ nguyên như cũ. Ví dụ, số cố định tại Hà Nội là 23456789, sau khi chuyển đổi từ mã vùng cũ (4) về mã vùng mới (24) thì số cố định đó vẫn là 23456789. Nghĩa là, khi thực hiện cuộc gọi nội hạt (từ cố định đến cố định trong cùng một tỉnh, thành phố) không có gì thay đổi.

Vẫn theo Thứ trưởng Phan Tâm, mục tiêu hướng tới khi thực hiện kế hoạch chuyển đổi mã vùng là tạo điều kiện để chuyển các mã mạng di động cho các thuê bao di động 11 số hiện nay. Cụ thể, sau khi chuyển đổi mã vùng, sẽ dành ra được một số mã vùng để sử dụng làm mã mạng di động và các thuê bao di động 11 số sẽ được chuyển sang mã mạng di động mới có độ dài đồng nhất là 10 chữ số.

Trao đổi với Lao Động chiều 5.2, đại diện VNPT (doanh nghiệp nắm gần 4,5 triệu thuê bao điện thoại cố định, chiếm khoảng 90% thị phần) cho biết, việc đổi số được thực hiện vào ban đêm và sẽ chỉ thực hiện trong vòng 2 tiếng. “Về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến dịch vụ của khách hàng. Nếu có bất cứ nguy cơ ảnh hưởng nào, VNPT sẽ thực hiện khôi phục lại dịch vụ như cũ để đảm bảo sáng hôm sau khách hàng sử dụng bình thường” - đại diện VNPT khẳng định.

Doanh nghiệp kêu phiền toái, mất thêm chi phí

Tuy nhiên, việc đổi mã vùng điện thoại cố định gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp khi họ buộc phải thay đổi toàn bộ mẫu mã, bao bì, pano, bảng hiệu, cataloge, quảng cáo có in số điện thoại liên hệ. Không những phải thay đổi những sản phẩm có in số điện thoại, họ còn phải chủ động liên hệ với các đối tác kinh doanh để thông báo về việc đổi mã vùng. Trong đó, với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bằng đầu số ảnh hưởng nhiều nhất.

Nói về bất tiện khi đổi số, ông Hồ Phi - Tổng GĐ Cty Cổ phần Taxi Mai Linh Miền Bắc - cho biết, hiện Cty có hàng ngàn xe, thay đổi số điện thoại phải sơn lại hàng ngàn xe, phải thay đổi hàng loạt giấy tờ liên quan. Trong khi đó, anh Quang - chủ DN kinh doanh thực phẩm sạch tại Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) - cho biết, doanh nghiệp đang đẩy mạnh làm thương hiệu nên việc đổi số có thể dẫn tới gián đoạn, thậm chí mất nguồn hàng. “Mỗi loại quả bán tại cửa hàng đều có gắn tem riêng biệt, kèm theo số điện thoại. Như vậy, phải thiết kế lại mẫu tem, bao bì. Ngay từ bây giờ tôi đã phải liên lạc với khách hàng lớn, đối tác để thông báo việc đổi số” - anh Quang nói.

Lộ trình chuyển đổi mã vùng

Giai đoạn 1: Thực hiện chuyển đổi mã vùng của 13 tỉnh, thành phố là Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Thời gian bắt đầu từ ngày 11.2.2017. Giai đoạn 2: Thực hiện chuyển đổi mã vùng của 23 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng. Thời gian bắt từ ngày 15.4.2017. Giai đoạn 3: Thực hiện chuyển đổi mã vùng của 23 tỉnh, thành phố là TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp. Thời gian bắt đầu vào ngày 17.6. 2017. Mã vùng của 4 tỉnh là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang giữ nguyên. Kế hoạch chuyển đổi mã vùng kết thúc vào ngày 31.8.2017.

THÔNG CHÍ

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-nghe/doi-ma-vung-dien-thoai-co-dinh-se-han-che-phien-ha-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-635758.bld