Đổi mã vùng điện thoại cố định: Có ảnh hưởng nhưng tác động nhỏ

Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT) vừa công bố sẽ thay đổi mã vùng điện thoại tại 59 tỉnh thành từ 11.2.2017. Đại diện Bộ TTTT khẳng định, việc chuyển đổi mã vùng tác động không lớn, đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khẳng định, thiệt hại sẽ rất khó đong đếm.

Hàng ngàn hãng taxi trên cả nước sẽ phải thay đổi lại biển hiệu số điện thoại trên thành xe.Ảnh: Zing.vn

Tại sao phải thay đổi?

Theo Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm: Theo kế hoạch, việc chuyển đổi sẽ thực hiện ở 59/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Bốn tỉnh không phải chuyển đổi gồm Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang. Việc chuyển đổi mã vùng sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Việc chuyển đổi chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 11.2.2017 với 13 tỉnh, thành phố; giai đoạn 2 gồm 23 tỉnh, thành phố, và cuối cùng 23 tỉnh; các tỉnh cuối cùng trong danh sách thay đổi sẽ bắt đầu chuyển đổi từ 17.6.2017.

Ông Trần Mạnh Tuấn- Phó Cục trưởng cục Viễn thông (Bộ TTTT)- khẳng định, việc điều chỉnh quy hoạch kho số là bình thường. Ông Tuấn nói, ở các quốc gia, thông thường khoảng 10-15 năm, kho số được điều chỉnh lại để đáp ứng nhu cầu phát triển. Nói về lý do thay đổi mã số điện thoại, ông Tuấn cho biết, tỉnh có mã vùng 3 chữ số, tỉnh khác lại có 1 hoặc 2 chữ số nên khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến số cố định, lúc thì quay 10 chữ số, lúc lại quay 11 chữ số dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ. “Điều nay không phù hợp với thông lệ quốc tế”, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, khẳng định.

Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng, với việc chuyển đổi các mã vùng điện thoại cố định từ 7 đầu số (từ 2 đến 8) như hiện nay về chỉ còn đầu 2, kho số quốc gia sẽ thu lại được nhiều đầu mã để chuyển thuê bao di động từ 11 chữ số về thống nhất 10 chữ số, góp phần hạn chế sim rác, tin nhắn rác, vốn chủ yếu xuất phát từ thuê bao di động 11 chữ số thời gian qua.

Trên thực tế, việc chuyển đổi mã vùng đã được đặt ra từ lâu, vào ngày 6.1.2015, báo chí đưa tin việc đổi số này sẽ được diễn ra từ ngày 1.3.2015 theo nội dung trong Quy hoạch kho số viễn thông được cơ quan quản lý ban hành. Khi thông tin này được đưa ra đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Nhiều người tỏ ý lo ngại về việc đổi mã vùng sẽ gây ảnh hưởng tới thói quen ghi nhớ số điện thoại của người dân hay hoạt động của doanh nghiệp. Khi đó, cơ quan chức năng của Bộ TTTT đã lên tiếng khẳng định việc quy hoạch lại kho số là cần thiết. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng khẳng định không đổi mã vùng ngay trong thời điểm đầu năm 2015.

Doanh nghiệp kêu chi phí tăng

Cũng trong buổi họp báo chiều 22.11, Phó Cục trưởng cục Viễn thông cho biết, báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông thì tổng lưu lượng của các cuộc gọi liên tỉnh, di động và quốc tế vào số cố định Việt Nam chỉ chiếm 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam. Và hiện nay, số lượng thuê bao điện thoại cố định đang giảm mạnh, hiện chỉ còn 5 triệu thuê bao. So với hàng trăm triệu thuê bao của điện thoại di động thì con số này không đáng là bao. “Như vậy, tác động thực sự tới các cuộc gọi không nhiều, hơn nữa việc tác động này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian, khi người dân quen với mã vùng thì không ảnh hưởng nữa. Nói cách khác, khi thay đổi mã vùng tuy có ảnh hưởng nhưng tác động rất nhỏ, đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức” - ông Tuấn khẳng định với PV trong họp báo chiều 22.11.

Sau 1 ngày thông tin thay đổi mã vùng điện thoại, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nói với PV Lao Động, việc thay đổi số mã vùng điện thoại lúc này có thật sự cần thiết khi lượng thuê bao cố định giảm mạnh, lưu lượng chỉ chiếm 1,6%, không gây tác động tiêu cực tới phát triển viễn thông, trong khi lại gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Đại diện của nhãn hiệu bưởi “Hương miền Tây” tại huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) cho biết, doanh nghiệp này có hàng ngàn đại lý lớn nhỏ rải khắp cả nước nên việc thay đổi kéo theo vô số phiền hà trong liên lạc. “Cty đang đẩy mạnh làm thương hiệu. Mỗi quả bưởi đều có gắn tem, kèm theo số điện thoại. Như vậy, phải thiết kế lại mẫu tem, bao bì. Việc đổi số mã vùng sẽ gây ra thay đổi trong giao dịch với khách hàng”, chủ doanh nghiệp này cho biết. Cùng quan điểm, ông Hồ Chương - Tổng GĐ Cty Cổ phần Taxi Mai Linh Miền Bắc- nói, hiện Cty có hàng ngàn xe, thay đổi số điện thoại phải sơn lại hàng ngàn xe, phải thay đổi hàng loạt giấy tờ liên quan.

Ông Trần Mạnh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông - cho biết, quá trình chuyển đổi sẽ qua nhiều giai đoạn gồm giai đoạn quay số song song, giai đoạn duy trì âm thông báo và giai đoạn kết thúc duy trì âm thông báo. Cụ thể, trong 30 ngày từ khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi, người dùng gọi điện cả số cũ (trước chuyển đổi) và số mới (sau chuyển đổi) đều thành công. Sau đó là giai đoạn âm thông báo 30 ngày. Trong khoảng thời gian này, các cuộc gọi quay số theo mã vùng mới được tiến hành bình thường, các cuộc gọi quay số theo mã vùng cũ được định tuyến âm thông báo bằng Tiếng Việt “Xin thông báo: mã vùng của (tên tỉnh/thành phố) đã thay đổi. Đề nghị quý khách quay số lại, thay (mã vùng cũ) thành (mã vùng mới). Định tuyến ấm cũng được thông báo bằng tiếng Anh.

THÔNG CHÍ

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thi-truong/doi-ma-vung-dien-thoai-co-dinh-co-anh-huong-nhung-tac-dong-nho-614366.bld