Đòi lại đất khi bị hàng xóm lấn chiếm như thế nào?

Trường hợp không thể thương lượng, tự hòa giải với hàng xóm, bạn có quyền gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Bạn đọc hỏi:Tôi tên là Hoàng Văn C., hiện đang sinh sống tại huyện Việt Yên – tỉnh Bắc Giang. Cách đây hơn một tháng (tháng 8/2016), vợ chồng tôi đã vào miền Nam để chăm cháu. Đến ngày 25/9/2016, khi vợ chồng tôi quay trở về thì thấy hàng rào nhà hàng xóm đã lấn chiếm sang phần đất nhà tôi 50 cm. Tôi đã sang nói chuyện với nhà hàng xóm nhưng họ nhất quyết không thừa nhận việc đã dịch chuyển hàng rào.

Sau đó tôi đã tiến hành đo lại diện tích mảnh đất thì thấy hiện trạng mảnh đất nay chỉ còn 39,5x10 m (trong khi diện tích mảnh đất ghi trong sổ đỏ là 39,5x10,5 m). Còn mảnh đất nhà hàng xóm vốn có diện tích ghi trong sổ đỏ là 39,5x9,1 m nay hiện trạng thực tế lại thành 39,5x9,6 m.

Luật sư cho tôi hỏi giờ tôi phải làm gì để có thể đòi lại được phần đất đã bị nhà hàng xóm lấn chiếm?

Luật sư trả lời:

Dựa trên thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin đưa ra quan điểm của mình như sau:

Thứ nhất, căn cứ khoản 1 Điều 266 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.

Thứ hai, khoản 1 Điều 267 Bộ luật này cũng quy định thêm khi xây dựng công trình, chủ sở hữu công trình không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.

Thứ ba, khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 cũng nghiêm cấm hành vi lấn, chiếm đất đai.

Do đó, nếu hàng xóm dịch chuyển hàng rào và lấn chiếm 50 cm sang phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của nhà bạn thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp này, để có thể đòi lại được phần đất đã bị hàng xóm lấn chiếm trước hết, bạn có thể thương lượng, tự hòa giải với hàng xóm để giải quyết vụ việc. Trường hợp không thể thương lượng, tự hòa giải hoặc thương lượng, tự hòa giải không thành thì bạn có quyền gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai.

Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai (theo Điều 202 Luật Đất đai năm 2013).

Nếu hòa giải tại UBND cấp xã không thành, theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, bạn được quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Việt Yên để giải quyết theo pháp luật.

Nếu còn điều gì thắc mắc cần giải đáp thêm, bạn đọc có thể gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật VOV.VN số 19006511 để được tư vấn./.

Thạc sỹ-Luật sư Vũ Hồng Hoa/HTX Luật Đống Đa

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/tu-van-luat/doi-lai-dat-khi-bi-hang-xom-lan-chiem-nhu-the-nao-560874.vov