Đôi điều về 'thói ngụy biện'

Người Việt ta rất nhiều đức tính tốt, có lẽ không cần phải liệt kê. Thế nhưng cũng có những người mang trong mình các 'thói hư, tật xấu' mà nếu không chỉ ra và khắc phục, chúng sẽ là vật cản trên con đường tiến tới văn minh của dân tộc. Một trong những thói hư tật xấu ấy là thói ngụy biện.

Tôi xin kể ra đây những chuyện liên quan mà bản thân chứng kiến và là người trong cuộc. Trong một buổi tranh luận, một thầy giáo nói với cậu học viên rằng ông đã từng sống ở vùng đất ấy nên ông hiểu về nó. Thầy cật vấn rằng “em đã sống ở đó chưa mà phát biểu như đúng rồi”. Đây là một kiểu tư duy rất kỳ lạ, bởi chẳng lẽ người ta muốn nói về vùng đất nào thì bắt buộc phải sống ở đó hay sao. Trong thực tế có những vùng rộng lớn, chứa đựng nhiều giá trị phong phú đến mức cho dù ai đó đã từng ở đó cũng chưa chắc đã có thể hiểu thấu đáo. Theo quan điểm của vị giáo học kia, chẳng lẽ ai nói về thời đại Hùng Vương và nước Âu Lạc thì phải từng sống ở thời đại ấy, nước ấy. Nói về vua Lê chúa Trịnh, không lẽ cứ phải là người đã từng trong thời đại ấy? Chưa ở Trung Quốc, Nhật Bản thì không được nói gì về xứ đó? Con người có rất nhiều nguồn khác nhau để nghiên cứu, thu thập thông tin kia mà.

Còn nhớ, khi có một doanh nghiệp của Việt Nam xuất hàng ra nước ngoài, bằng hiểu biết còn hạn chế của mình, qua trao đổi, tôi cho rằng việc ấy rất có thể không thành công như quảng cáo và mong đợi. Nhiều người cùng trao đổi, trong đó có người bạn đưa ra các lý lẽ khá thuyết phục để khẳng định doanh nghiệp sẽ thành công. Tôi bảo, để rồi coi! Sau đó doanh nghiệp này gặp khó khăn và đã không thành công. Tôi nhắn tin cho anh ta và nói rằng không phải tôi tài giỏi gì song sự phân tích và dự báo của tôi về chuyện này là cơ bản chính xác. Anh nhắn tin lại cho tôi: “Dù sao em vẫn ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam”. Trời đất! Tôi đâu có nói về việc ủng hộ hay không ủng hộ doanh nghiệp Việt, tôi và anh cùng mọi người bàn về hiệu quả kinh doanh của một việc cụ thể kia mà.

Cũng vậy, có đồng nghiệp gửi cho tôi bài báo của một người khá nổi tiếng viết. Đọc kỹ, tôi nhắn với chị đồng nghiệp rằng bài báo có những điều chưa đạt, cũng không quên liệt kê ra những cái mà tôi cho là chưa đạt. Chị nhắn lại: “Ông có viết được như người ta không mà chê họ. Bao giờ viết được như họ thì hãy chê”. Ô hay, một người không biết đá banh thì vẫn có quyền nhận xét cầu thủ đá hay, đá dở; một người dù không biết nấu ăn - theo quan điểm của chị - chẳng lẽ lại không được quyền chê người khác nấu ăn dở nếu món đó quá tệ…

Có lần, trong buổi thảo luận nhóm, khi một sinh viên khen những những cái hay của nền giáo dục Mỹ, một vài bạn lập tức “phản pháo” rằng sao bạn cứ khen Mỹ hoài vậy, thích Mỹ sao không sang Mỹ mà sống. Tôi phải giải thích, bạn ấy đang nói về những mặt tích cực của nền giáo dục Mỹ theo cảm nhận và hiểu biết của bạn, các em hãy lắng nghe bạn. Tôi cũng bảo, em nói với bạn như vậy là em đã sai và ngụy biện bởi bất kể ai là người Việt Nam, có cha mẹ là người Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam thì họ đều có quyền được thừa hưởng gia tài do tổ tiên truyền lại mà quyền đầu tiên là quyền được sống trên đất nước mình, không ai có quyền bắt họ phải đi sang nước khác để sống. Các em tưởng “sang Mỹ mà sống” dễ đến mức ấy sao, mà thực ra nếu nó có dễ đến mức ấy thì người khen những mặt tích cực của nền giáo dục Mỹ chắc gì đã “có cửa”, bởi chính những người thường chê bai đã chiếm hết các chỗ trống từ trước rồi.

Gần đây có những ý kiến đề nghị cần học Nhật Bản việc bỏ Tết Nguyên đán mà đón Tết theo dương lịch. Cuối năm 2023, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của Liên Hợp Quốc. Ngay lập tức, trên mạng xã hội có những bài chửi bới, xúc phạm, miệt thị những người đòi bỏ Tết cổ truyền là “mất gốc”, “lai căng” “vọng ngoại”. Trong số ấy có người là thầy giáo cũ của tôi, tôi đã vào và để lại bình luận: “Kính thưa thầy! Quyền biểu đạt là quyền của mỗi người. Em biết có những người đòi bỏ Tết Nguyên đán nhưng họ là trí thức lớn, yêu nước nhiệt thành, vì vậy không thể nói những người đòi bỏ Tết là “mất gốc”, “vọng ngoại”. Em nghĩ rằng ai cũng có quyền nêu quan điểm của mình, nếu quan điểm ấy không vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức của cộng đồng. Vì vậy, chúng ta cần tôn trọng quan điểm riêng của họ, nếu không cùng quan điểm ta có thể phản biện lại bằng các lập luận của mình chứ không nên chửi bới, xúc phạm họ như vậy”…

Trên đây chỉ là những kiểu ngụy biện sơ đẳng mà ta thường bắt gặp nhưng quả thật không ổn chút nào. Trước đây một thế kỷ, chí sĩ Phan Chu Trinh đã thống thiết kêu gọi cần “khai dân trí” đầu tiên. Thiết nghĩ, việc khai dân trí đầu tiên là bản thân mỗi người cần luôn tự sửa mình để làm một người công chính. Trong tất cả mọi việc, chỉ có phản biện, tranh luận một cách chân thành, thẳng thắn mới là con đường chân chính hướng tới và đi tìm chân lý. Trên con đường ấy, thói ngụy biện cần phải được dẹp bỏ.

Vũ Trung Kiên

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/doi-dieu-ve-thoi-nguy-bien-214903.html