'Đội Điều tra số 7' và sự trở lại của Điện ảnh CAND

Từng làm mưa làm gió màn ảnh rộng một thời những bộ phim điện ảnh nổi tiếng: 'Người không mang họ', 'Phía sau vụ án hồ Con Rùa'… Sau 30 năm vắng bóng, Điện ảnh CAND chính thức trở lại với seri phim truyện 'Đội Điều tra số 7'. Bộ phim dựa trên những vụ án mà Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội với thương hiệu 'Số 7 Thiền Quang' từng triệt phá.

Những ngày này, những người làm Điện ảnh CAND (Cục Truyền thông CAND) đang hào hứng, đầy khí thế khi 15 tập đầu tiên của seri phim truyện: “Đội Điều tra số 7” bắt đầu lên sóng lúc 21h từ ngày 23/12 trên các kênh Truyền hình CAND - ANTV, Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội và các hạ tầng truyền hình cáp, truyền hình OTT, truyền hình IPTV và các nền tảng mạng xã hội...

“Đội điều tra số 7” đánh dấu sự trở lại của Điện ảnh CAND.

Thiếu tá Vũ Liêm, Phó giám đốc Điện ảnh CAND, Giám đốc sản xuất, đồng thời là biên kịch của phần đầu tiên đã từng viết nhiều kịch bản phim truyền hình đã phát sóng trên đài truyền hình quốc gia.

Nhắc tới seri phim này, anh cho biết: “Kịch bản “Đội Điều tra số 7” chưa phải là kịch bản xuất sắc nhất trong kịch bản chúng tôi có nhưng chúng tôi quyết định lựa chọn bởi vì câu chuyện phim là những vụ án xảy ra tại Hà Nội, khắc họa câu chuyện về một không gian Hà Nội được mệnh danh là trái tim hồng của cả nước. Chúng tôi thấy từ đó tạo nên cảm hứng xuyên suốt hướng tới những ngày lễ kỉ niệm của lực lượng Công an, của đất nước trong thời gian tới”.

Là biên kịch, để lấy chất liệu thực đưa vào bộ phim, Vũ Liêm đã tiếp cận hồ sơ nghiệp vụ và trực tiếp gặp những nhân chứng là các cán bộ chiến sĩ trực tiếp tham gia các chuyên án, những tư liệu sống động ấy đã thôi thúc để anh sáng tạo.

Thiếu tá Vũ Liêm cho biết ngoài đời, các vụ án diễn ra độc lập, mốc thời gian xa nhau. Tuy nhiên, khi xây dựng nội dung, ekip xâu chuỗi chúng lại để tạo nét hấp dẫn. Các tội phạm không xuất hiện bặm trợn mà ẩn mình dưới lớp vỏ lương thiện, trí thức. Trong phần một, nhóm sản xuất chủ yếu tập trung hai vụ án, một là vụ giải cứu em bé 7 tháng tuổi người Nhật, bị một băng nhóm bắt cóc năm 1999. Vụ thứ hai là triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán ma túy của ông trùm Văn Kính Dương, năm 2021. Bối cảnh phim chủ yếu diễn ra ở Hà Nội, nơi đặt trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội ở số 7 phố Thiền Quang, tiền thân của cái tên Đội điều tra số 7. Ngoài ra, êkip ghi hình ở nhiều nơi như Điện Biên, Hòa Bình, đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Tại buổi ra mắt phim, có 2 vị khách mời đặc biệt là những người từng trực tiếp tham gia vụ giải cứu: Thượng tá Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó trưởng Công an quận Long Biên, người trực tiếp truy bắt đối tượng và thượng tá Nguyễn Hữu Biên - lái xe trong vụ án giải cứu con tin. Hai người lính chiến năm xưa nay đã già hơn, tóc thêm nhiều sợi bạc nhưng vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc khi nhắc lại câu chuyện cũ, rưng rưng xúc động với tình cảm chân thành của đoàn làm phim tới vụ án đặc biệt này.

Theo biên kịch Vũ Liêm, thông thường khi lấy chất liệu từ những vụ án có thật đưa vào một tác phẩm điện ảnh sẽ có 3 phương thức. Thứ nhất, lấy nguyên si các tình tiết và đưa thêm ngôn ngữ vào để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật cuốn hút người xem. Cách thứ hai, lấy những điểm trọng yếu thay đổi câu chuyện và cái kết cũng hoàn toàn bất ngờ. Cách thứ ba là lấy cảm hứng từ câu chuyện đó để xây dựng nên tác phẩm nghệ thuật.

“Chúng tôi đã sử dụng cả 3 phương thức để tạo nên một câu chuyện phim. Chúng tôi dụng công xây dựng bộ phim để nói về góc khuất nỗi niềm những người lính cảnh sát hình sự. Nỗi niềm người lính vào trận đánh rất nhiều điều mà người chiến sĩ hình sự không thể tâm sự được với gia đình, nhiều khi không thể tâm sự được với đồng đội họ chỉ giữ riêng cho mình vì lý tưởng, nhiệm vụ của chuyên án. Toàn bộ những góc khuất khoảng lặng chúng tôi cố gắng thể hiện”, biên kịch Vũ Liêm chia sẻ

Không chỉ được xây dựng trên những chuyên án có thật của Cảnh sát hình sự, seri phim còn có đội ngũ cố vấn nghiệp vụ trực tiếp tại phim trường là những cán bộ chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm. Những cảnh rượt đuổi, đấu súng với tội phạm trong phim được các diễn viên thực hiện thật 100%. Bộ phim quay vào giữa mùa hè nóng nhất, dưới thời tiết khắc nghiệt có ngoại cảnh rượt đuổi trên đường núi, hay con đèo rất hiểm trở, vì thế cả đạo diễn, diễn viên đều phải căng mình để đối mặt với khó khăn. Nhưng trên hết, đằng sau những cảnh rượt đuổi, đấu súng gay cấn ấy, hình ảnh người chiến sĩ CAND được khắc họa đầy nhân văn với sự quyết liệt, mưu trí khi phá án.

Đạo diễn, NSƯT Mai Hồng Phong, người vô cùng quen thuộc với khán giả truyền hình Việt Nam qua những seri phim như “Quỳnh búp bê” “Người phán xử”, “Những ngọn nến trong đêm”… cho biết, dù từng làm nhiều phim truyền hình về đề tài hình sự nhưng lần này lại mang tới cho anh cảm giác mới mẻ, bởi đây dựa trên những câu chuyện có thật, những nhân vật là những cán bộ chiến sĩ giữa đời thường họ đã sống, đã thầm lặng hy sinh để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Khi tiếp cận với kịch bản “Đội Điều tra số 7”, anh đã có một cảm xúc rất khác vì đây là bộ phim đánh dấu sự trở lại của Điện ảnh CAND nên được đầu tư khá kỹ lưỡng từ kịch bản tới phục trang, đạo cụ… đặc biệt là sự hỗ trợ rất lớn về trang thiết bị chuyên dụng của Công an các đơn vị như Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Công an các tỉnh, thành đã giúp bộ phim có những hình ảnh hoành tráng, chân thực nhất.

“Tôi ngưỡng mộ những người bảo vệ công lý, những anh hùng thầm lặng giữa đời thường nên lập tức nhận lời làm phim khi được đề nghị. Không có bộ phim nào là hoàn hảo cả, “Đội Điều tra số 7” cũng thế. Phim có thể còn nhiều điểm đáng tiếc nhưng chắc chắn là một tác phẩm tử tế", đạo diễn Mai Hồng Phong chia sẻ.

Dàn diễn viên cho series phim “Đội Điều tra số 7” có sự xuất hiện của NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Tạ Minh Thảo, Hà Việt Dũng, Trần Nghĩa, Minh Hương, Quang Hòa, Dương Khánh… trong đó NSƯT Tạ Minh Thảo, Đức Trung, Hà Việt Dũng, Minh Hương đóng chính trong phim vào vai các chiến sĩ Cảnh sát hình sự. Các diễn viên cho biết để cảnh quay diễn ra chân thực họ đã phải dành nhiều thời gian tập các tư thế võ thuật, chiến đấu, khổ luyện kì công. Tuy có chuẩn bị ekip đóng thế, nhưng khi ra trường quay, các diễn viên đều tự thực hiện những pha hành động gay cấn một cách chân thực nhất. Đó sẽ là những thước phim vô cùng sinh động, bắt mắt, hấp dẫn khán giả.

Thiếu tá Trần Nam Chung, Giám đốc Điện ảnh CAND cho biết: “Với seri phim "Đội Điều tra số 7", Điện ảnh CAND không đảm nhận hết tất cả các khâu sản xuất nhưng với những khâu then chốt như là nội dung thì chúng tôi phải làm toàn bộ. Vì nội dung phim có liên quan nhiều yếu tố, cả về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ. Đây là phim Công an làm về Công an nên càng phải đảm bảo các yếu tố này. Kịch bản phim do đội ngũ biên kịch của Điện ảnh CAND chắp bút với sự góp ý của các chuyên gia điều tra, nghiệp vụ trong lực lượng Công an và nhiều chuyên gia điện ảnh trong nước. Chúng tôi hy vọng sẽ cho ra đời những tác phẩm vừa đáp ứng thị hiếu của khán giả, đồng thời đáp ứng yêu cầu của ngành Công an là nội dung đúng nghiệp vụ, chính trị và pháp luật. Chúng tôi xác định, trong quá trình sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi tin là với nhiệt huyết, sự quyết tâm, đồng lòng của cán bộ, chiến sĩ Điện ảnh CAND, chúng tôi có thể hoàn thành tốt mọi công việc, nhiệm vụ. “Đội Điều tra số 7” là seri phim hình sự, là một dạng phim không giới hạn về số tập. Hiện tại, ekip đã hoàn tất mùa 1 với 15 tập. Mỗi tập có thời lượng 30 phút. Sắp tới, chúng tôi sẽ sản xuất mùa 2 với số lượng tương tự, khoảng 15- 20 tập. Chúng tôi hy vọng khán giả sẽ đón nhận phim ở mùa 1 và tiếp tục đón nhận phim ở mùa 2 với tâm thế hào hứng hơn nữa”.

Hy vọng rằng với sự đầu tư công phu này, “Đội Điều tra số 7” sẽ khắc họa sâu sắc hơn hình tượng người chiến sĩ CAND trong tác phẩm nghệ thuật, qua đó giúp nhân dân hiểu hơn về công việc và cuộc sống của người chiến sĩ Công an.

Trần Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/doi-dieu-tra-so-7-va-su-tro-lai-cua-dien-anh-cand-i718244/