Đội 'công năng đặc dị' của CIA

Trong thời kỳ đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tuyển mộ những người có 'công năng đặc dị', tức những năng lực đặc biệt, nhằm tìm kiếm, khai thác thông tin tuyệt mật của nước ngoài.

Năm 1972, nghệ sĩ, nhà ngoại cảm người Mỹ Ingo Swann đã “vận công” để thay đổi từ trường bên trong một chiếc thùng chân không được che chắn dày đặt dưới lòng đất trong vài giây - chỉ bằng cách nghĩ về nó. Khi Harold Puthoff, một nhà vật lý của Viện nghiên cứu Stanford, chứng kiến các chỉ số trên từ kế (máy đo từ trường) của ông thay đổi một cách bí ẩn, ông đã rất kinh ngạc. Và ngay khi Puthoff yêu cầu Swann ngừng nghĩ về chiếc thùng, những biến đổi trên từ kế đột ngột dừng lại.

“Những hiện tượng này là có thật. Hiện tượng tâm linh là có thật,” Dean Radin, nhà khoa học chủ chốt tại Viện Khoa học Trí tuệ có trụ sở tại California, nói với PopMech. Ông đã nghiên cứu cận tâm lý học, các sự kiện tâm linh, trong bốn thập kỷ qua. Và vào đầu những năm 1970 - giữa thời kỳ Chiến tranh Lạnh - chính phủ Mỹ cũng đồng quan điểm với Radin.

Uri Geller, cựu lính dù Israel nổi tiếng thế giới nhờ năng lực tâm linh.

Chương trình Stargate

Vào thời điểm Puthoff và đồng nghiệp Russel Targ, một nhà vật lý khác tại Viện Nghiên cứu Stanford (SRI), trình bày kết quả nghiên cứu của họ tại một cuộc họp quốc tế về vật lý lượng tử và cận tâm lý học (nghiên cứu về các hiện tượng siêu nhiên và tâm linh mà khoa học chính thống chưa thể giải thích được), CIA đã bắt đầu hợp tác với SRI để thực hiện nghiên cứu bí mật về các hiện tượng huyền bí - chủ yếu là “thị giác từ xa” để thu thập thông tin tình báo. “Thị giác từ xa” đề cập một loại nhận thức ngoại cảm liên quan đến việc sử dụng tâm trí để “nhìn thấy” hoặc điều khiển các vật thể, con người, sự kiện ở xa hoặc thông tin khác bị ẩn khỏi tầm nhìn vật lý.

Vào giữa những năm 1980, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) tiếp quản chương trình này và gọi nó là Stargate. DIA đặt ra ba mục tiêu chính cho nghiên cứu: Xác định cách áp dụng chế độ xem từ xa để thu thập thông tin tình báo nhằm vào các mục tiêu nước ngoài; tìm hiểu xem các quốc gia khác có thể làm điều tương tự như thế nào và sử dụng nó để chống lại Mỹ; thực hiện các thí nghiệm để tìm cách cải thiện khả năng xem từ xa, sử dụng trong lĩnh vực tình báo.

Đây là một chương trình bí mật. Radin, nhà khoa học từng làm việc cho chương trình Stargate, cho biết nhân viên an ninh sẽ thông báo cho ông và các đồng nghiệp về tính nhạy cảm liên quan công việc bí mật của họ hai tuần một lần và hỏi họ xem họ có lý do gì để tin rằng có ai đó không liên quan đến dự án biết bất cứ điều gì về nó.

“Về cơ bản, bạn phải trở thành một kẻ hoang tưởng chuyên nghiệp”, Radin nói. Ông nói đã hỏi một trong những người giám sát của mình rằng điều gì sẽ xảy ra nếu họ có một bước đột phá - chẳng hạn như nghĩ ra một loại thuốc có thể khiến ai đó có khả năng siêu ngoại cảm?

Trong một trong những thí nghiệm của Stargate, 40 đối tượng được giao nhiệm vụ nhận dạng các đặc điểm của khuôn mặt được tạo ngẫu nhiên. Theo báo cáo nghiên cứu năm 1990 đã được công bố, công trình này được coi là đặc biệt hứa hẹn trong việc giúp xác định vị trí những người mất tích hoặc tội phạm.

DIA tiếp tục dự án cho đến giữa những năm 1990, khi CIA bắt đầu giải mật các tài liệu về nghiên cứu quan sát từ xa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá ngoài. Tháng 6/1995, CIA đã yêu cầu Viện Nghiên cứu Mỹ (AIR) - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Arlington, Virginia, tiến hành đánh giá độc lập về chương trình Stargate. Các nhà đánh giá ghi nhận chương trình có triển vọng, thu được một số kết quả hứa hẹn.

Mặc dù vậy, chương trình Stargate vẫn bị khép lại và theo PopMech, chính phủ Mỹ đã không tiếp tục các nghiên cứu như vậy. Tiến sỹ Jessiaca Utts, nhà khoa học được mời đánh giá ngoài về Stargate nói: “Tôi rất tiếc khi chương trình kết thúc vì tôi thực sự nghĩ rằng còn nhiều điều nữa cần được khám phá”.

Ngôi nhà ở Fort Meade, Maryland, nơi các nhà ngoại cảm tập trung để theo dõi từ xa Đại sứ quán Mỹ ở Iran trong cuộc khủng hoảng con tin. Ngôi nhà bị san bằng khi chương trình tâm linh kết thúc vào năm 1995.

Tuyển dụng đội “ngoại cảm”

Theo History, trong dự án tuyệt mật được tiến hành lần đầu tiên tại một phòng thí nghiệm ở California vào những năm 1970 và sau đó tại một căn cứ quân sự ở Maryland, CIA, DIA đã tuyển dụng những người tự nhận là có khả năng ngoại cảm (ESP) để hòng giúp khám phá bí mật tình báo.

Năm 2017, CIA đã giải mật khoảng 12 triệu trang hồ sơ tiết lộ những chi tiết chưa được biết trước đây về chương trình Stargate. Thời điểm chương trình ngừng hoạt động vào năm 1995, các nhà ngoại cảm được gọi là “người quan sát từ xa” đã tham gia một loạt hoạt động, từ việc xác định vị trí con tin bị các nhóm khủng bố Hồi giáo bắt cóc đến lần theo dấu vết của những tên tội phạm đang chạy trốn ở Mỹ.

Dự án Stargate bắt đầu từ năm 1972, khi một báo cáo mật gây chấn động trong cộng đồng quân sự và tình báo Mỹ tuyên bố rằng Liên Xô đang đổ tiền nghiên cứu liên quan đến ESP và psychokinesis - khả năng di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ -cho mục đích gián điệp. Để đáp lại, CIA bắt đầu tiến hành các nghiên cứu tối mật tại SRI, có trụ sở ở Menlo Park, California.

Cuối năm đó, nhóm nghiên cứu SRI đã mời Uri Geller, cựu lính dù Israel nổi tiếng thế giới nhờ năng lực tâm linh, đến Menlo Park để thử nghiệm. Mặc dù Geller được biết đến nhiều nhất với khả năng bẻ cong dao kéo kim loại bằng tâm trí, CIA lại quan tâm nhiều hơn đến một kỹ năng khác của ông: khả năng đọc được suy nghĩ của người khác và thậm chí kiểm soát tâm trí họ.

Như tác giả Annie Jacobsen viết trong cuốn sách Hiện tượng: Lịch sử bí mật các nghiên cứu của Chính phủ Mỹ về nhận thức ngoại cảm và vận động tâm thần, các tài liệu được giải mật cho thấy các nhà phân tích của CIA muốn thăm dò khả năng của Geller trong lĩnh vực “phóng chiếu tâm trí” và sử dụng nó vào lĩnh vực an ninh quốc gia.

Theo Jacobsen, Geller đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu của chính phủ Mỹ về ESP và psychokinesis. Năm 1975, Geller thậm chí còn tham gia một loạt các cuộc thử nghiệm thần kinh bí mật tại một phòng thí nghiệm ở Livermore, California, nơi các nhà khoa học đang phát triển đầu đạn hạt nhân tiên tiến, hệ thống laser và các công nghệ vũ khí mới nổi khác làm việc.

CIA đã ngừng hợp tác với các nhà ngoại cảm từ cuối những năm 1970 và chương trình này được chuyển cho DIA tài trợ. Trong suốt hai thập kỷ tiếp theo, Quốc hội Mỹ tiếp tục phê duyệt kinh phí cho chương trình thị giác từ xa. “Đối với tôi, đó có vẻ là một hệ thống radar ít tốn kém”, Hạ nghị sĩ Charlie Rose của bang Bắc Carolina nói với các thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện trong một cuộc họp về nghiên cứu tâm linh năm 1979. “Và nếu người Nga có nó còn chúng ta không, chúng ta đang gặp rắc rối nghiêm trọng”.

Cựu quân nhân Joseph McMoneagle nổi bật trong số những nhà ngoại cảm làm việc với chương trình tuyệt mật của chính phủ Mỹ. Sau này ông nói với tờ Washington Post rằng mình đã tham gia khoảng 450 nhiệm vụ từ năm 1978 đến năm 1984, bao gồm cả việc giúp Quân đội Mỹ xác định vị trí con tin ở Iran và giúp các đặc vụ CIA phát hiện chiếc radio sóng ngắn được giấu trong máy tính bỏ túi của một người bị cho là điệp viên Liên Xô, bị bắt ở Nam Phi.

Theo Miami Herald, năm 1979, sinh viên Iran bắt làm con tin hàng chục nhà ngoại giao Mỹ, chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ ở Iran. Khi đó, tình báo Mỹ đã sử dụng đội “công năng đặc dị” để bí mật theo dõi các con tin. Trong một chiến dịch có mật danh là Grill Flame, 5-6 nhà ngoại cảm làm việc trong căn phòng tối của một tòa nhà cổ ở Fort Meade, bang Maryland đã cố gắng sử dụng năng lực ngoại cảm để tìm kiếm vị trí nơi các con tin đang bị giam ở cách xa hơn 10.000 km, tình trạng giam giữ hay sức khỏe của họ.

Các nhà ngoại cảm thậm chí còn được hỏi ý kiến trước cuộc đột kích siêu bí mật của quân đội Mỹ nhằm giải thoát con tin vào tháng 4/1980, kết thúc trong thảm họa khi một chiếc máy bay và một trực thăng va chạm nhau tại một sa mạc.

Trong bản ghi nhớ viết ngày 23/4/1980, một ngày trước khi bắt đầu sứ mệnh giải cứu, một trong những người đứng đầu đơn vị tâm linh đã nói với sĩ quan cấp trên rằng một đại diện của Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã liên lạc với đơn vị, “yêu cầu chúng tôi tăng cường nỗ lực và rằng chúng tôi cố gắng thiết lập tình huống có thể tham gia sâu hơn vào điệp vụ giải cứu con tin”.

Các nhà ngoại cảm có cung cấp thông tin tình báo nào hữu ích hay không là chủ đề tranh luận sôi nổi giữa các quan chức tình báo, dù đó là vấn đề bí mật. Sau khi các con tin được thả vào tháng 1/1981 và bị thẩm vấn kỹ lưỡng về trải nghiệm của họ, Lầu Năm Góc đã so sánh thông tin này với 202 báo cáo từ nhà ngoại cảm Grill Flame. “Chỉ có 7 báo cáo” được chứng minh là đúng, một đại tá Không quân thuộc Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ viết. Ông nói thêm rằng hơn một nửa báo cáo là “hoàn toàn không chính xác”.

Và mặc dù có 59 thông tin đúng một phần hoặc có thể đúng, nhưng viên đại tá lưu ý rằng “những báo cáo này thường bao gồm dữ liệu sai sót”. Các sĩ quan quân đội giám sát chiến dịch Grill Flame phản đối gay gắt đánh giá của viên đại tá không quân, cho rằng 45% báo cáo tâm linh có chứa một số thông tin chính xác. Và họ lập luận, “đó là thông tin không thể có được thông qua các kênh thu thập tình báo thông thường”

Trong một vụ khác, nhà ngoại cảm Angela Dellafiora Ford vào năm 1989 đã được yêu cầu giúp truy tìm một cựu nhân viên hải quan bỏ trốn. Gần đây, bà kể lại trên chương trình CBS News 48 Hours rằng mình xác định vị trí của người đàn ông là “Lowell, Wyoming,” khi hải quan Mỹ đang tiến hành truy đuổi anh ta tại điểm cách thị trấn Lovell ở Wyoming 100 dặm về phía tây.

Về mặt công khai, Lầu Năm Góc phủ nhận chi tiền cho bất kỳ nghiên cứu tâm linh nào, ngay cả khi các báo cáo bị rò rỉ vào những năm 1980 cho thấy một số chi tiết các thí nghiệm của chính phủ. Cuối cùng, vào năm 1995, CIA công bố một báo cáo do Viện Nghiên cứu độc lập của Mỹ thực hiện, trong đó thừa nhận công việc được đồn đại từ lâu của chính phủ Mỹ là nghiên cứu khả năng thị giác từ xa cho mục đích quân sự và tình báo.

Báo cáo cũng tuyên bố Stargate là một thất bại, lập luận rằng “vẫn chưa rõ liệu sự tồn tại của một hiện tượng huyền bí, khả năng nhìn từ xa, có được chứng minh hay không”. Mặc dù các nhà phân tích thừa nhận rằng một số thử nghiệm đã thành công nhưng họ kết luận rằng bất kỳ thông tin nào mà việc quan sát từ xa mang lại đều quá “mơ hồ” và không tạo ra “thông tin tình báo có thể dẫn đến hành động”.

Việc chấm dứt chương trình Stargate không có nghĩa là chính phủ Mỹ không còn quan tâm đến các hiện tượng tâm linh. Năm 2014, Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ đã khởi động một chương trình kéo dài 4 năm (tiêu tốn khoảng 3,85 triệu USD) để tìm cách sử dụng linh cảm hoặc trực giác - thứ thường được gọi là “giác quan thứ sáu”.

Tiến sĩ Edwin May, cựu giám đốc nghiên cứu của Stargate, tiếp tục thay mặt các nhà ngoại cảm tranh luận rằng đây là một công cụ hợp pháp cho tình báo quân sự và nội địa, rất lâu sau khi chương trình này bị đóng lại. Vào năm 2015, May nói với Newsweek rằng nghiên cứu về ngoại cảm gần đây nhất của ông, do tổ chức phi lợi nhuận Bial Foundation tài trợ, “có lẽ là thử nghiệm tốt nhất trong lịch sử lĩnh vực này”.

Chưa rõ năng lực ngoại cảm đã được Mỹ sử dụng như thế nào trong hoạt động tình báo, niềm tin vào năng lực này đã có lịch sử lâu đời trong công chúng xứ cờ hoa. Theo một cuộc thăm dò của viện Gallup tiến hành năm 2005, 73% người Mỹ vào thời điểm đó tin vào một số loại hiện tượng huyền bí, với 41% trong số những người được thăm dò nói rằng họ đặc biệt tin tưởng các nhà ngoại cảm.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/doi-cong-nang-dac-di-cua-cia-i730907/