Đôi bàn chân của Mẹ

Cha mất sớm. Mẹ một mình nuôi 4 đứa con. Hồi thằng út còn nhỏ, mẹ phải cắp nó ra đồng chăn vịt. Có hôm nó ngủ, mẹ lấy cái khăn to choàng lấy nó địu sau lưng. Mẹ một tay vòng ra sau bợ thằng út cho bớt dằn khi lội ruộng, một tay mẹ cầm cây sào quơ qua quơ lại, lùa đàn vịt từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Gặp cánh đồng có nhiều lúa sót, đàn vịt bấu đầu xuống nhặt, mẹ tìm bóng cây ngồi trú nắng, lấy cái nón lá quạt sành sạch cho thằng út say giấc.

Những ngày không chăn vịt mẹ đi mò tép, bắt cá. Mẹ mò bắt tép cá rất giỏi. Con mương nước ròng, mẹ miệng cắn cái quai giỏ. Hai tay mẹ đảo qua đảo lại bắt nào tép, tôm lóng, cá bóng… Dù mẹ lam lũ chạy ngược chạy xuôi, làm đủ thứ chuyện trên đời vẫn không đủ cho 4 cái miệng của anh em tôi luôn há toang hoác chờ ăn, như những chú chim non chưa rời tổ ấm.

Đôi chân mẹ lúc nào cũng gắn liền với ruộng đồng. Đến mùa cấy ai mướn cũng đi, đến mùa gặt ai gọi mẹ cũng chẳng từ chối. Hết mùa cấy, hết mùa gặt người ta mướn gì mẹ cũng chẳng từ nan miễn sao có tiền mua gạo cho anh em tôi no là được.

Có lần mẹ đi nhổ cỏ mướn. Anh em tôi ở nhà, có người dì ở xa ghé thăm, bảo tôi đi gọi mẹ về. Trời nắng chang chang, tôi đi xuống miếng đất biền, nơi mẹ đang nhổ cỏ mướn. Ở đấy, tôi bắt gặp mẹ đang phơi lưng giữa trời, cúi rạp người xuống nhổ từng cọng cỏ. Tôi đến thật gần, mà mẹ vẫn chưa trông thấy. Tự dưng tôi muốn gọi và chạy lại ôm mẹ nhưng không hiểu sao, tôi cứ đứng chôn chân tại chỗ, hai dòng nước mắt chảy dài…

Ông nội có một công đất, trồng dừa nước nằm sát mé sông. Mỗi năm thu hoạch một lần. Lá dừa nước dùng để lợp nhà. Đốn những tàu dừa nước già, xé ra phơi tại chỗ cho khô, sau đó mang về lợp nhà hoặc vừng vách. Người dân quê còn gọi là… lá xé! Còn muốn có lá chằm thì phải “đổ lá” thành bó, chở về nhà, dùng hom (thân của cây dừa nước), dùng lạt (lấy từ thân dừa nước non, còn gọi là cờ bắp) chằm lại thành từng tấm lá. Một công lá ấy, một tay mẹ “đổ lá”, mẹ chèo xuồng chở về, rồi một mình mẹ ngồi chằm. Cuối cùng cũng được vài trăm lá, bán lấy tiền mua quần áo, sách vở cho anh tôi.

Cứ thế, bốn mùa tuần hoàn. Đôi chân mẹ, gắn liền với sình non, bùn đất phù sa, phèn chua… Đôi chân mẹ đi “vạn dặm” nhưng cuối cùng cũng chỉ quanh quẩn ở nơi nghèo khó để nuôi dạy anh em tôi thành người. Đôi chân đóng phèn, nứt nẻ hết gót chân của mẹ cả một đời chưa biết mùi thơm của nước sơn móng. Những ngón chân của mẹ quanh năm đóng một màu vàng vàng cố hủ, từ những miếng đất nhiễm chua, nhiễm mặn mà mẹ đã từng đi qua. Những ngón chân ấy, tuy xấu xí nhưng với anh em tôi rất đáng trân quý. Vì cả cuộc đời mẹ, luôn dành về mình những gì gian khó, để cho anh em tôi có được tình yêu thương trọn vẹn nhất!

TRẦN THÀNH NGHĨA

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/doi-ban-chan-cua-me-36050.html