Độc lạ violin tre và đàn mõ bò

Sau nhiều tháng 'tự cách ly' trong xưởng tre nứa tại gia, nghệ sĩ Nguyễn Trường đã chế tác được 2 loại nhạc cụ mới toanh, độc đáo, đậm chất Tây Nguyên, được giới chuyên môn đánh giá cao.

Bài hát lạc quan chống dịch Covid-19 của nhạc sĩ khiếm thị

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và những tình khúc vượt thời gian

Khai mạc Festival âm nhạc Quốc tế

Là nhạc công Đoàn Ca múa tỉnh, giảng viên Violin rồi Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng VHNT Đắk Lắk suốt 37 năm, sau khi về hưu, “thầy nhạc” Nguyễn Trường phát hiện tiếng khua của những chiếc K’Kong Emo (mõ tre treo ở cổ bò) vang vọng khắp núi đồi chính là nguồn thanh âm thú vị chưa từng được đưa vào dàn nhạc.

Nghệ sĩ Nguyễn Trường biểu diễn Viokram.

Ông mang quà bánh về các buôn làng, kỳ công xin đồng bào cho đổi lấy mõ tre. Càng nghiên cứu kỹ, ông càng nhận ra tài hoa đáng nể của những nhà chế tác vô danh. Năng khiếu thiên bẩm về thẩm âm, thẩm mỹ đã giúp nghệ nhân buôn làng biến những đốt tre câm lặng thành chiếc mõ đẹp hoàn hảo, tự thân vang với âm mộc ngân xa, không nhạc cụ nào địch nổi.

So với thanh mẫu (diapason) thì âm thanh của K’Kong Emo chưa chuẩn cao độ, nhưng cộng hưởng giữa thanh và ống lại đạt độ vang chuẩn mực. Để biến nó thành đàn mõ với âm vực rộng cỡ 2 bát độ mà vẫn giữ nguyên vẹn được các ưu điểm riêng có, Nguyễn Trường đã tìm nguyên liệu từ nguồn tre cọc rào, thay đổi kích thước, độ dày, độ lớn, độ dài ngắn của chiếc mõ rồi vi chỉnh cột hơi của ống và 2 thanh lá đồng âm.

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân nguyên Trưởng đoàn Ca múa Đắk Lắk, “sư phụ” của giới nghệ nhân chuyên chế tác nhạc cụ Tây Nguyên đánh giá cao tính sáng tạo của nghệ sĩ Nguyễn Trường trong việc biến chiếc mõ bò thành đàn mõ.

“Với nhạc cụ dân gian, từ hình thức tới âm thanh càng giữ được tính nguyên thủy càng giá trị. Chiếc đàn mõ này giá trị này sẽ làm phong phú thêm bộ sưu tập nhạc cụ tre đá Tây Nguyên”.

Trước đó vài tháng, nghệ sĩ Nguyễn Trường đã thành công trong việc “Tây Nguyên hóa” cây đàn violin, là loại nhạc cụ ông đã theo học suốt 9 năm ở Học viện Âm nhạc Huế. Ông chế tác những cây đàn bằng tre theo nguyên lý violin, ghép 2 thành tố Violin và Kram-tiếng Ê đê nghĩa là tre, thành tên gọi cho cây đàn mới lạ viokram.

So với tiếng đàn violin làm bằng gỗ sồi, tiếng viokram đậm chất mộc thoát ra từ ống tre đem tới cảm giác sống động khi thể hiện âm thanh đại ngàn. Viokram có thể độc tấu, hòa tấu với độ ngân rung kéo dài, kỹ thuật tremolo êm ngọt réo rắt hơn các loại đàn tre khác, mà nhạc công nhuần nhuyễn cỡ nào cũng khó tránh khỏi độ ngắt quãng.

Chiếc mõ bò nguyên bản đầu tiên ông đổi được của mục đồng.

Chất liệu dễ kiếm, giá thành rẻ hơn hẳn so với những chiếc violin nhập khẩu, những chiếc viokram sẽ dễ dàng trở nên gần gũi với đồng bào bản địa, và bổ sung cho dàn nhạc dân gian Tây Nguyên thêm một loại nhạc cụ bằng tre rất dễ hòa âm.

Nhạc sĩ, ca sĩ, NSƯT Y Phôn Ksor vui thích nhận xét cây đàn này là một “hiện tượng” với âm sắc hòa quyện giữa các loại nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên như Kni, Bro, đàn Goong. Chất mộc rất giá trị trong tiếng viokram có thể nức nở như tiếng khóc của người mẹ, hoặc thủ thỉ trầm ấm như lời cha kể Khan.

NSND Y San Alio - Trưởng đoàn Ca múa Đắk Lắk khẳng định Đoàn sẽ sớm giới thiệu ra công chúng cả 2 loại nhạc cụ mới lạ, độc đáo, có thể đệm cho bất cứ ca khúc nào, từ âm hưởng Tây Nguyên tới dòng nhạc sôi động quốc tế, mà nghệ sĩ Nguyễn Trường đã chế tác thành công, là viokram và đàn mõ.

Hoàng Thiên Nga (báo Tiền Phong)

Xem tác phẩm gốc tại đây:https://www.tienphong.vn/van-hoa/doc-la-violin-tre-va-dan-mo-bo-1630562.tpo

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/326990/doc-la-violin-tre-va-dan-mo-bo.html