Độc đáo phong tục đón Tết của đồng bào vùng cao Tây Bắc

Cứ mỗi độ xuân về, khi hoa đào, hoa mận khoe sắc trên khắp triền núi, đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc lại nô nức chuẩn bị đón ngày tết lớn nhất của năm. Phong tục đón Tết của mỗi dân tộc có những nét độc đáo riêng tạo nên bản sắc văn hóa cho cộng đồng dân tộc mình.

Mùa xuân về với đồng bào người Tày là những điệu hát then ngọt ngào

Chuyến công tác của chúng tôi đúng vào dịp cuối năm, cũng là thời điểm hoa đào, hoa mận rộn ràng khoe sắc khắp các triền núi, ngọn đồi và quanh những ngôi nhà của bà con người Tày ở Bắc Kạn. Với tôi, đó quả thực là một trải nghiệm vô cùng thú vị!

Trên những dãy núi trùng trùng điệp điệp, sương mây hòa quyện vào nhau như chẳng muốn tan. Tại bản Nà Tuồng, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, những nếp nhà sàn có tuổi đời “vắt ngang” hai thế kỷ ở nằm rải bên sườn núi.

Xuân về trên sắc đào phai.

Màn đêm và sương muối giá lạnh buông xuống bản vùng cao, nhưng trong căn nhà của người Tày, hơi ấm bao trùm. Hơi ấm của những ánh lửa bập bùng, hơi ấm của tình người quây quần bên nhau trò chuyện, sẻ chia…

Bên đống lửa trong ngôi nhà sàn của gia đình ông Ma Đình Nhật, chúng tôi được thưởng thức những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày: làn điệu hát then, đàn tính được biểu diễn bởi chính bà con nơi đây.

"Trong đời sống của người Tày cổ xưa, hát then, đàn tính mang tính chất lễ và hội như: Lễ cầu an, cầu mùa… Người hát then trong những dịp lễ, tết là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài yếu tố tâm linh là để cầu mùa, chúc phúc, hát then, đàn tính còn là giải trí, giãi bày nỗi lòng, thể hiện tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương bản làng, lao động sản xuất. Với cuộc sống thay đổi như ngày nay nhưng hát then, đàn tính vẫn đươc người Tày gìn giữ", ông Nhật thông tin.

Chúng tôi còn được nghe kể về phong tục đón Tết của người dân nơi đây.

Dân tộc Tày chiếm số lượng đông nhất trong các dân tộc của tỉnh Bắc Kạn, chiếm 54% dân số.

Dịp lễ tết trọng đại nhất của năm được đồng bào dân tộc chuẩn bị từ rất sớm. Trước Tết khoảng 1 -2 tháng, khắp các bản làng, nhà nào cũng cố gắng nuôi lấy con lợn béo, trồng rau, trồng đỗ, lạc, chuẩn bị nào là gạo nếp, gạo tẻ để gói bánh chưng, nấu rượu, đồ xôi…

Vào ngày 27, 28 tháng Chạp, các gia đình dân tộc Tày đã tíu tít thịt lợn, gói bánh chưng. Những con lợn to nhất được chọn thịt cho ngày tết. Thịt lợn được chế biến thành nhiều món ăn đặc trưng của người Tày, như thịt lam, thịt treo gác bếp, lạp sườn, thịt ướp muối gừng… và một phần để gói bánh chưng.

Đối với người Tày ở Bắc Kạn từ bao đời nay, việc gói bánh chưng đã trở thành tục lệ thiêng lêng không thể thiếu vào những ngày giáp Tết. Khác với người Kinh thường gói bánh chưng vuông, người Tày gói bánh chưng dài. Những tàu lá dong xanh mướt được chọn lựa kỹ càng, gạo nếp phải là nếp hái được chọn từng bông ngoài ruộng, cùng thịt lợn béo, đỗ xanh, lạt giang.

Những làn điệu hát then, đàn tính được người Tày gìn giữ và thể hiện trong các dịp lễ, tết.

Ngày 30 Tết, bàn thờ tổ tiên được lau dọn sạch sẽ, chủ nhà sẽ dâng lên bàn thờ gia tiên những lễ vật mang ý nghĩa cầu mong năm mới đầy đủ, sung túc. Ngoài việc dọn dẹp, người dân tộc Tày còn trải một tờ giấy đỏ ở bàn thờ với hy vọng một năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu. Bốn chân bàn thờ được buộc bốn cây mía, với quan niệm đó là cái gậy để tổ tiên chống về nhà ăn tết cùng gia đình.

Sáng mùng 1, người dân tộc Tày kiêng có người không mời mà vào, vì thế, họ chọn mời người xông nhà là người có đạo đức trong bản, người làm ăn siêng năng.

Vào khoảng ngày mùng 4, mùng 5, người Tày tổ chức hội lồng tồng (xuống đồng). Những chàng trai cô gái tươi tắn trong sắc áo chàm đặc trưng cùng nhau đi chơi hội. Trong ngày này, các trò chơi được tổ chức phổ biến gồm: Hái hoa dân chủ; ném còn; kéo co; thi hát các câu Sli, câu lượn về Bác Hồ, về mùa xuân, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước…

Đồng bào Mông ăn Tết cổ truyền văn minh hơn nhưng vẫn giữ được nét truyền thống

Trong khi đó, tại Sơn La, khi những vườn đào, vườn mận trên nương bắt đầu chớm nở, báo hiệu mùa xuân sang, cũng là lúc đồng bào dân tộc Mông vui mừng đón Tết cổ truyền. Tết cổ truyền của người Mông ngày nay diễn ra ngắn gọn, văn minh chứ không còn tốn kém như trước.

Huyện Vân Hồ là một trong những huyện có nhiều đồng bào người Mông sinh sống nhất tỉnh Sơn La, vì vậy không khí đón Tết cổ truyền nơi đây rất náo nhiệt, đông vui.

Những thanh niên trai tráng khỏe mạnh nhất sẽ đảm nhiệm việc giã xôi để làm bánh dày trong dịp Tết.

Khác với dân tộc Kinh và nhiều đồng bào dân tộc ở nhiều vùng trong cả nước nói chung, người Mông ở một số tỉnh Tây Bắc thường ăn Tết vào đầu tháng Chạp. Tết của người Mông thường diễn ra trong 3 ngày nhưng trước đó cả tháng, khắp các bản trên, bản dưới tại các xã vùng cao của Sơn La, người Mông đã nhộn nhịp không khí đón xuân.

Dừng chân tại bản Hua Tạt (xã Vân Hồ), chúng tôi được nghe kể rằng người Mông có hai cái Tết quan trọng nhất là Tết Độc lập cùng nhân dân cả nước diễn ra vào dịp 2/9 hàng năm và Tết truyền thống của đồng bào.

Tôi mang chuyện này hỏi anh Tráng A Chu - một người Mông tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng tại bản Hua Tạt, góp phần đưa Hua Tạt trở thành điểm sáng du lịch của huyện Vân Hồ.

Anh Chu kể, Tết cổ truyền của người Mông diễn ra từ ngày 30/11 âm lịch hàng năm (trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng) và kéo dài trong suốt 3 ngày. Đây là dịp để đồng bào Mông vui chơi, gặp gỡ nhau sau một năm lao động vất vả. Tết cổ truyền của người Mông ngày nay diễn ra ngắn gọn, văn minh chứ không còn tốn kém như trước.

“Những ngày Tết, bạn ghé chân tới bất kỳ một bản người Mông nào, âm thanh phổ biến, quen thuộc mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận là tiếng chày giã bánh dày vang lên khắp nơi xen lẫn tiếng vui đùa, reo hò của trẻ em khi chơi các trò chơi truyền thống như tu lu (đánh cù), ném pao…”, anh Chu cho biết.

Công việc chuẩn bị Tết được tất cả các thành viên trong gia đình san sẻ với nhau. Những người phụ nữ tranh thủ hoàn thiện những đường thêu, nút chỉ cuối cùng trên bộ váy, áo mới để cả nhà kịp diện Tết. Còn cánh đàn ông lại tất bật mổ gà, mổ lợn để chuẩn bị thực phẩm cho gia đình.

Người Mông thường nói vui: “Đã là con trai người Mông thì ai cũng biết đánh Tù Lu”. Bởi lẽ từ khi còn nhỏ, các bé trai người Mông đã được đi theo anh, theo cha chơi môn thể thao này và cũng được anh, được cha đẽo cho một con quay nhỏ.

Đối với người Mông, trong mâm cỗ ngày Tết, ngoài các loại thịt, bánh dày là thực phẩm không thể thiếu để cúng tổ tiên và trời đất. Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Tại bản Hua Tạt, không khí giã bánh dày sôi nổi, náo nhiệt như ngày hội lớn.

Những người phụ nữ tất bật đồ chín gạo nếp nương - thành phần chính của bánh dày, còn công việc cho xôi vào một máng gỗ rồi dùng chày giã nhuyễn rất vất vả và tốn nhiều sức lực sẽ do những thanh niên trai tráng khỏe mạnh đảm đương. Giữa cái lạnh của mùa đông mà trên khuôn mặt chàng trai nào cũng mồ hôi lấm tấm. Những hạt nếp đã được giã mịn và quyện vào nhau sẽ được gói lại bằng lá chuối theo hình tròn.

Sau khi hoàn thành, người Mông bày 6 cặp bánh dày lên bàn thờ, tượng trưng cho 12 tháng trong một năm với ý nghĩ dâng lên trời đất và vị thần mùa màng.

Người Mông không đón giao thừa, họ quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm. Bởi họ quan niệm, con trai là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong nhà phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.

Trong ngày đầu năm mới, đồng bào đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày. Người Mông rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi thì cả năm sẽ gặp may mắn. Vì vậy, khách đến nhà người Mông trong dịp Tết luôn được đón tiếp rất chu đáo, được mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi ra về, người Mông còn mừng tuổi cho khách những chiếc bánh dày do chính tay họ làm ra.

Một điều khá đặc biệt trong ngày Tết của người Mông đó là thường mang công cụ lao động ra rửa sạch sẽ, sau đó dán lên từng nông cụ một mẩu giấy. Theo quan niệm của đồng bào Mông thì mỗi một mảnh giấy đó là thông báo cho dụng cụ đã lao động vất vả trong năm qua được nghỉ ngơi trong những ngày Tết. Đồng thời, họ cũng gửi gắm vào đó mong muốn nông cụ sau những ngày nghỉ Tết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm mới khi cùng gia chủ tham gia lao động, sản xuất.

Cuộc sống vật chất ngày càng được nâng lên, đời sống tinh thần của đồng bào Mông vùng cao ở Sơn La cũng rất phong phú. Bởi vậy, trong những ngày Tết cũng diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, như múa khèn, thổi sáo, đàn môi, hát ống, ném pa pao, tù lu, cầu lông gà... Các chàng trai, cô gái Mông mặc những bộ quần áo mới đầy màu sắc, đi chơi, giao lưu, trai gái được tự do tìm hiểu nhau, tạo sự gắn kết và thống nhất trong cộng đồng.

A Chu kể: "Những ngày cuối năm trong khoảng thời gian từ 15-18h trên sân Hua Tạt, tiếng hô hào, cười đùa của các tràng trai Mông vang rộn. Họ rủ nhau ra sân để chơi Tù Lu (hay còn gọi là trò đánh quay). Đây cũng là môn thể thao dân tộc giúp chàng trai người Mông thể hiện sức mạnh, sự khéo léo, tinh nhanh, phán đoán tốt của mình trong mỗi dịp đua tài".

Khi màn sương buông xuống trên khắp các sườn núi, mọi người cùng quây quần bên các đống lửa lớn. Dường như cái lạnh của buổi tối không ngăn được bà con tiếp tục cuộc vui. Họ ngồi sát lại bên nhau, lắng nghe những tiếng khèn điệu hát, những cái nắm tay thân mật như tăng thêm tình đoàn kết, để cùng nhau bước sang một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc.

Một mùa xuân mới lại về trên khắp cả nước nói chung và đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc nói riêng với sắc hồng của hoa đào, của đôi má người sơn nữ, sắc trắng tinh khôi của hoa mận, hoa mơ, sắc xanh của áo chàm, của núi rừng, những câu sli, câu lượn ngọt ngào, đắm say… Tết là thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, Tết ở vùng cao Tây Bắc là không gian giao hòa của vạn vật cỏ cây hoa lá và lòng người. Tết còn là dịp để mỗi người dân tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, là dịp nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Vì vậy, ngày Tết luôn là thời điểm mong đợi của mỗi dân tộc cũng như trong lòng mỗi người trên đất nước Việt Nam.

Hoàng Hà

Box1:

Một điều khá đặc biệt trong ngày Tết của người Mông đó là tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày, rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ. Người Mông xem đây như một sự tri ân những công cụ sản xuất, bởi trong năm qua, những đồ vật này đã giúp họ làm nương, làm vườn để sản xuất lương thực, thực phẩm cho gia đình.

Box 2:

Trong đời sống của người Tày cổ xưa, hát then, đàn tính mang tính chất lễ và hội như: Lễ cầu an, cầu mùa… Người hát then trong những dịp lễ, tết là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài yếu tố tâm linh là để cầu mùa, chúc phúc, hát then, đàn tính còn là giải trí, giãi bày nỗi lòng, thể hiện tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương bản làng, lao động sản xuất. Với cuộc sống thay đổi như ngày nay nhưng hát then, đàn tính vẫn đươc người Tày gìn giữ

Xuân về trên đôi má ửng hồng của các em bé người Mông.

Bên bếp lửa bập bùng, người Tày thể hiện các điệu hát then cầu mùa, chúc phúc...

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/doc-dao-phong-tuc-don-tet-cua-dong-bao-vung-cao-tay-bac-1097650.html