Độc đáo loại hình khắc dấu nghệ thuật

Tại phố cổ Hội An (Quảng Nam) có một loại hình nghệ thuật độc đáo được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Bằng niềm đam mê của mình, anh Hà Phạm Công Phú (35 tuổi, quê Phú Thọ) đã “hô biến” những khối gỗ vô hồn thành hàng trăm con dấu… du lịch, đầy tính nghệ thuật.

Tốt nghiệp ngành xây dựng, thế nhưng anh Phú lại quyết định “khăn gói” để tìm kiếm con đường riêng cho mình. Sẵn có tay nghề chạm khắc con dấu được một người thầy chỉ dạy, anh chọn phố cổ Hội An làm “đất cắm dùi” để thử sức. Từ đó, cửa hiệu “Phố Rêu” xuất hiện và cái tên này cũng kích thích sự tò mò của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan phố cổ Hội An.

Mỗi con dấu chứa đựng một nội dung, ý nghĩa khác nhau, thu hút sự chú ý của nhiều du khách khi đến với phố cổ Hội An.

Thấm thoắt đã gần 8 năm, tại một góc nhỏ trên đường Trần Phú, hình ảnh chàng trai gốc người Phú Thọ ngày ngày cặm cụi với con dao, tỉ mỉ chạm khắc từng con dấu dường như đã quá quen thuộc với mọi người.

Anh chia sẻ, mỗi con dấu có hình thù, biểu tượng riêng mang dấu ấn của mỗi cá nhân và được gọi là con dấu… du lịch. Thông qua những con dấu này, mỗi người có thể thể hiện quan điểm, tư tưởng của mình một cách đơn giản, nhưng khá độc đáo và có phần sang trọng. Đặc biệt, mỗi hoa văn, kiểu dáng, nét chữ, kích cỡ… lại thể hiện cốt cách, tư tưởng và sở thích riêng.

Được biết, thú chơi này đã xuất hiện cách đây gần 20 năm. Ban đầu, nó được một số người có vốn nho học và một số khách nước ngoài (chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc) sử dụng. Sau đó thì dần trở thành một trào lưu. Và cho đến nay, con dấu gỗ được xem là một trong những thú vui độc đáo và tao nhã ở Việt Nam.

Nói về sản phẩm của mình, anh Phú chia sẻ: “Mỗi con dấu được chạm khắc với hai nét khắc chính, đó là nét khắc nổi và nét khắc chìm. Đây cũng là khâu quan trọng nhất trong việc tạo ra sản phẩm. Vì tùy theo mỗi hình vẽ mà mức độ nông, sâu của con dấu lại được chạm khắc khác nhau. Đây cũng là bước quan trọng nhất, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ để có thể cho ra những sản phẩm vừa ý. Bên cạnh đó, bản thân con dấu thì phải được làm bằng gỗ mứt. Bởi loại gỗ này có đặc tính dẻo dai, khi chạm khắc không bị vỡ vết khắc và độ bền của nó rất cao, nên sản phẩm tạo ra mới giữ được lâu dài”.

Mỗi ngày, quầy khắc dấu… du lịch của anh Phú đón nhận nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chọn lựa. Mỗi khách hàng có thể lựa chọn cho mình hoa văn theo ý muốn để anh Phú chạm khắc. Đó có thể là một hình vẽ, nét chữ hay thậm chí là những tấm ảnh chụp bất kỳ.

Thông thường, những du khách trong nước thường chọn hình ảnh 12 con giáp, cung hoàng đạo hay ký kiệu của bản thân để khắc dấu. Còn người nước ngoài thì lại muốn lưu giữ phong cảnh, đặc điểm văn hóa Việt Nam như cây đa, hoa sen, chùa Cầu, xích lô, thiếu nữ áo dài... vào con dấu. Và sau khoảng 20 phút chạm khắc, một con dấu hoàn chỉnh sẽ được “chào đời”.

Chị Trương Thị Khánh Chi, một khách hàng đến từ miền Bắc, phấn khởi nói: “So với nhiều mặt hàng khác thì những con ấn này vừa có một phần dấu ấn truyền thống, lại vừa rất đa năng. Ngoài việc dùng để thay chữ ký trên thư, bưu thiếp hoặc trên những cuốn sách, truyện, ảnh thì nó còn là món quà ý nghĩa để gửi tặng cho bạn bè, người thân”…

Nhiều năm qua, cửa hiệu “Phố Rêu” của anh Phú đã trở thành một trong những địa điểm nằm trong tour “Dấu xưa Nhật Bản” trong chương trình Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản. Đó không chỉ là vinh dự của bản thân anh, mà còn là “quả ngọt” cho một chặng đường dài anh đã theo đuổi.

“Để bám rễ ở một vùng đất xa xôi với nhiều điều mới mẻ thực không phải là dễ dàng. Tôi đã cố gắng rất nhiều, và giờ cảm thấy rất vui vì những sản phẩm của mình được nhiều du khách đón nhận!”, anh Phú tâm sự.

Hà Ngọc

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/doc-dao-loai-hinh-khac-dau-nghe-thuat-419674/