Độc đáo lễ cưới người Chăm Nam Bộ

Hôn nhân luôn được xem là chuyện đại sự trong cuộc đời của mỗi con người. Tuy nhiên, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền thường có những phong tục và nghi lễ cưới, hỏi khác nhau. Với đồng bào dân tộc Chăm Nam Bộ, theo đạo Hồi Islam phong tục cưới, hỏi có rất nhiều nét độc đáo.

Với tín ngưỡng tôn thờ đạo Hồi Islam, người Chăm vùng Nam Bộ quan niệm hôn nhân chính là thước đo chuẩn mực của mỗi con người, lễ cưới cũng vì thế được tổ chức với những cách thức rất đặc sắc, tạo nên một nét văn hóa đẹp của người Chăm ở Nam bộ.

Trong nghi lễ cưới hỏi của người Chăm, chuyện hôn nhân sẽ do cha mẹ quyết định, khi đã chọn được người con gái, cha mẹ sẽ nhờ ông cả làng đến ngỏ lời với nhà gái, khi được chấp thuận sẽ tổ chức lễ cưới.

Lễ cưới của người Chăm Nam Bộ thường được tổ chức trong 3 ngày. Ngày đầu tiên là họp họ; lễ cầu nguyện ở gia đình và mời cơm dân làng sẽ được diễn ra trong ngày thứ 2; lễ đưa rể vào ngày thứ 3. Lễ đưa rể sẽ có một đoàn nhà trai tháp tùng chú rể đến nhà gái, một vị chức sắc có uy tín trong làng sẽ cầm theo chiếc khăn dắt tay chú rể vào nhà gái, tiếng trống, kèn rộn rã theo từng đoàn người nối tiếm nhau vào nhà gái.

Bố cô dâu sẽ trực tiếp rửa chân cho chàng rể trước khi gặp nàng dâu. Hai bên gia đình sẽ cùng ngồi dưới sàn gỗ và tiến hành nghi thức cưới xin. Trước sự chứng kiến của những người nam giới đại diện cho 2 bên gia đình và thầy cả, bố cô dâu cầm tay chú rể và nói: "Ta gả con gái ta cho con...”. Sau đó, nhà trai sẽ trình sính lễ cho thầy cả kiểm tra, sau đó những người chứng kiến và thầy cả sẽ đọc kinh cầu nguyện cùng chúc cho cô dâu, chú rể sống trăm năm hạnh phúc.

Đến ngày cưới bố chú rể dẫn chú rể đi hỏi vợ bằng chiếc khăn dây

Các nghi thức ăn mừng

Bố cô dâu sẽ trực tiếp rửa chân cho chàng rể trước khi gặp cô dâu

Bố chú rể và bố cô dâu dẫn chàng rể đến với cô dâu

Chú rể ấn tay vào trán cô dâu và cô dâu chính thức là vợ mình

Thủ tục cầu nguyện được bên nhau mãi mãi của đôi vợ chồng

Tay trong tay hạnh phúc, vợ chồng cùng nhau vượt qua mọi khó khăn

Sau nghi lễ "bắt tay giao con", thầy cả sẽ dắt chú rể vào phòng cô dâu, chú rể sẽ tháo cây trâm trên đầu, dùng ngón trỏ chỉ vào trán cô dâu tượng trưng cho việc cô dâu là hoa đã có chủ. Cô dâu và chú rể cùng úp 2 bàn tay lên che mặt với lời thề nguyện trọn đời bên nhau. Sau nghi lễ này, cô dâu, chú rể mới được bước ra ngoài chào hỏi quan khách và mời những người đến dự lễ cưới rồi tất cả ăn bánh và nghe ca hát chào mừng...

Theo Xuân Hướng/Báo Văn hóa

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/doc-dao-le-cuoi-nguoi-cham-nam-bo-post1066896.vov