Độc đáo kiến trúc nghệ thuật Từ Vũ Bùi Bến ở Bắc Giang

Ở thôn Bùi Bến, xã Yên Lư (Yên Dũng) hiện đang lưu giữ một Từ Vũ thờ vị tướng công họ Nguyễn tước Ngạn Trung Hầu có nhiều công trạng dưới vương triều nhà Lê thế kỷ XVIII với kiến trúc nghệ thuật rất độc đáo.

Ngôi Từ Vũ nằm trên xứ đồng Bãi Mô (xưa) thuộc thôn Bùi Bến, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang được nhân dân địa phương xây dựng để ghi nhớ công ơn của vị tướng công họ Nguyễn tước Ngạn Trung Hầu có nhiều công trạng dưới vương triều nhà Lê thế kỷ XVIII. Quần thể khu di tích chia ba phần: Phần thứ nhất là cảnh quan ngoại thất gồm hồ nước, sân hội…có liên hệ chặt chẽ với nội thất và được ngăn cách bởi 4 bức tường vây bảo vệ phần nội thất.

Toàn cảnh bên trong ngôi Đền Từ Vũ Bùi Bến

Phần thứ hai là cụm kiến trúc ngoài trời bao gồm các tổ hợp kiến trúc và các di vật được bài trí như sau: Cổng Từ Vũ kiểu cuốn vòm, tường xây đá ong. Qua cổng Từ Vũ theo đường thần đạo có một tấm bia hình trụ được khắc dựng vào niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 31 (1770). Bia có dáng độc đáo, mái nón cao 1,42m, chu vi 2,12m, giống như một “đại hồng chung”, thân được chia thành 4 ô, khắc kín chữ Hán - Nôm. Tấm bia độc đáo này được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm bởi kiểu dáng lạ và nội dung ghi công đức của một vị quan.

Hai bên tả hữu tấm bia trụ là tượng võ sĩ bằng đá đứng hầu, tượng được tạc dáng đứng nghiêm cẩn, đầu đội mũ trụ, áo giáp, tay cầm binh khí đứng đối diện mỗi bên 2 vị. Phía sau hai hàng võ sĩ có hai tấm bia hậu bằng đá gan gà niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX), ghi tên người công đức ruộng, tiền để tu sửa, xây dựng từ vũ ở địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Lĩnh giới thiệu những nét đặc sắc tại Đền Từ Vũ

Ông Nguyễn Ngọc Lĩnh – Bí thư Chi bộ thôn Bùi Bến, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cho biết, khối kiến trúc thờ tự gồm tòa tiền tế ba gian nối liền với hậu đường bằng dải ống muống. Tòa tiền tế mới được tu sửa lại xây gạch kiểu bình đầu bít đốc, nền lát gạch vuông, to, dày. Chính giữa đường thần đạo bài trí một hương án đá. Hai bên đối diện đặt hai bàn đá giống nhau dùng để đặt đồ cúng lễ. Trước bàn đá đặt hai lư hương đá lớn và hai mâm bồng bằng chất liệu đá xanh hình bầu dục. Hậu đường còn tương đối nguyên vẹn dáng vẻ kiến trúc ban đầu: Tường xây đá ong, cuốn mái vòm bên trong, mái ngoài lợp bằng gạch dày 60cm.

“Nhân dân chúng tôi rất lấy làm từ hào, bởi đây là vùng đất địa linh nhân kiệt với quần thế di tích văn hóa đặc sắc, thế hệ chúng tôi luôn luôn giữ gìn tôn vinh, tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ con cháu với những công lao to lớn của vị tướng công họ Nguyễn trong chống giặc ngoại xâm để giữ gìn bờ cõi non sông của dân tộc” - ông Lĩnh chia sẻ.

Vào ngày 25/7 âm lịch hàng năm, dân nhân trong làng tổ chức cúng lễ tưởng nhớ công lao của vị tướng công họ Nguyễn

Nền hậu đường lát gạch vuông, chính giữa đặt tấm bia đá xanh lớn bốn mặt khắc kín chữ Hán - Nôm. Đây là tấm bia đẹp có giá trị lịch sử và mỹ thuật, đầu bia dáng long đình, chạm nổi họa tiết hình hổ phù, lá đề cách điệu. Diềm bia chạm khắc nổi các dải hoa văn đề tài hoa dây cách điệu. Nét chạm khắc, tinh tế mang giá trị điển hình của nghệ thuật chạm khắc đá thời Lê thế kỷ XVIII.

Văn Giang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/doc-dao-kien-truc-nghe-thuat-tu-vu-bui-ben-o-bac-giang-post1044704.vov