Độc đáo chợ cỏ vùng Bảy Núi

Vào mùa mưa lũ, nguồn cỏ cho bò ăn bị hạn chế, nên nhiều người dân xã Ô Lâm, huyện Tịnh Biên (An Giang) đã linh hoạt bỏ công đi cắt cỏ ở các vùng lân cận tập kết về bán tại một bến sông. Gần 20 năm qua đã hình thành nên nét độc đáo riêng của vùng Bảy Núi, đó là chợ cỏ Ô Lâm.

Chợ họp quanh năm, nhưng đông đúc nhất là vào mùa lũ. Nằm cạnh tuyến kênh Ninh Phước, hàng ngày cứ khoảng 11h trưa, có hàng chục ghe, xuồng từ khắp các vùng lận cận cập bến với đầy cỏ. Còn trên bờ thì đủ các loại xe, như: gắn máy, ba bánh, xe bò, xe ngựa… chủ yếu đến mua cỏ.

Ghi nhận tại chợ cỏ đa phần là đồng bào Khmer. Đặc biệt, tại chợ không ai trả giá hay khen chê, tất cả đều thuận mua vừa bán với mức giá định sẵn 10.000 đ/3 bó (5kg). Cảnh mua bán vui vẻ, hòa đồng, chân chất như chính món hàng của họ.

Tiểu thương bán cỏ tại chợ, chủ yếu là đồng bào Khmer.

Anh Chau Si Na (42 tuổi, ngụ ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn), cho biết: “Cứ khoảng 3 giờ sáng, vợ chồng tôi cùng đứa con trai út thức dậy nấu cơm đem theo. Hôm nào có cỏ thì cắt đồng gần, hôm nào “cạn” cỏ thì chạy ghe đến tận nông trường tràm Hòn Đất, Giang Thành, Đầm Chích (Kiên Giang) để cắt. Số lượng cỏ cắt được mỗi buổi dao động từ 80 đến 120 bó/buổi/2 người. Mệt lắm, nhưng tính ra mình chỉ lao động có một buổi, còn một buổi ở nhà coi bò, vừa chăm sóc ruộng rẫy. Chủ yếu là lấy công làm lãi, mỗi ngày trừ hết chi phí còn được mấy trăm ngàn”.

Chị Neang Phương (ấp Phương Bình, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn), cho biết: “Ở đây bà con nuôi bò như là nghề truyền thống, những cánh đồng cỏ dành cho bò ăn ngày càng thu hẹp. Mùa nước nổi đồng ngập nước cỏ càng khan hiếm hơn. Nhà tôi nuôi 3 con bò, mỗi ngày tranh thủ đi cắt những đồng gần nhà được một ít, còn lại là phải mua (khoảng 30.000 đ/ngày)”.

Còn ông Chau Rắc (79 tuổi, cùng ở xã Ô Lâm), cho biết: “Nhà tôi gần cái chợ cỏ này, nhờ nó mà giúp cho đông đảo người Khmer ở vùng Bảy Núi có công ăn việc làm ổn định. Đa số các hộ nuôi bò trong mùa nước nổi đều phải mua cỏ. Nhà tôi nuôi 2 con bò, mỗi ngày mua từ 8 -10 bó cỏ. Ít nhất hai, ba tháng nữa mới đỡ phải mua cỏ”.

Đáng chú ý, chợ cỏ hình thành và tồn tại gần 20 năm nay, nhưng chưa bao giờ cỏ bị “ế”. Cũng theo ông Chau Rắc, đa phần người theo nghề cắt cỏ là những hộ không có nghề nghiệp, không vốn nên bỏ công ra đi cắt về bán lại kiếm thêm thu nhập. Một số khác thì đi cắt cho bò ăn nếu dư thì đem ra chợ cỏ bán kiếm thêm tiền mua gạo. “Thấy vậy, chứ cái nghề này cũng nguy hiểm, rắn rết đủ loại, rồi “nước độc rừng thiêng”… năm trước có người đi cắt cỏ bên Kiên Giang, bị nước cuốn chết” – ông Chau Rắc, cho biết.

Cảnh mua bán vui vẻ, hòa đồng, chân chất như chính món hàng của họ.

Được biết, riêng ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm có khoảng 800 hộ dân (gần 100 hộ nghèo), đa phần bà con là người Khmer. Việc cắt cỏ về bán ở Ô Lâm được xem là mô hình làm ăn mùa nước nổi ở vùng Bảy Núi. Nhờ có chợ cỏ Ô Lâm mà nhiều lao động trong các phum, sóc của xã có thêm việc làm, cải thiện thu nhập gia đình trong thời gian chờ thu hoạch lúa.

Chợ cỏ ngoài việc phục vụ nguồn thức ăn cho vật nuôi, đây được xem là cách linh hoạt trong mưu sinh của người dân vùng Bảy Núi, cỏ là một loại thực vật được xem như “phế thải”, cần phải tiêu diệt để bảo vệ mùa màng thì nay lại trở thành “nồi cơm” của người dân xã Ô Lâm.

Trần Lĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/doc-dao-cho-co-vung-bay-nui-410014/