Độc đáo âm thanh tre, nứa

Hầu hết các dân tộc ở khắp đất nước đâu cũng có những nhạc cụ làm bằng tre, nứa. Nhạc cụ tre nứa đi vào đời sống của đồng bào bởi nó được tạo nên từ chất liệu thô sơ, vốn rất sẵn có ở mọi nơi từ trong vườn, làng mạc hay trong rừng.

Hầu hết các dân tộc ở khắp đất nước đâu cũng có những nhạc cụ làm bằng tre, nứa. Nhạc cụ tre nứa đi vào đời sống của đồng bào bởi nó được tạo nên từ chất liệu thô sơ, vốn rất sẵn có ở mọi nơi từ trong vườn, làng mạc hay trong rừng.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã tổ chức trưng bày và trình diễn “Tre, nứa trong đời sống âm nhạc dân tộc Việt Nam”.

Đơn giản mà sâu lắng

Đến với triển lãm, nghệ nhân ưu tú Lương Văn Nghiệp, dân tộc Thái, ở bản Cằng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) mang đến một số nhạc cụ tre, nứa đặc trưng của dân tộc mình như khèn bè, xi xa lo, pí. Cầm trên tay nhạc cụ xi xa lo, ông Nghiệp giảng giải: Đây là nhạc cụ dây kéo, được làm từ ống nứa. Trước đây, nhạc cụ có hai dây làm bằng tơ tằm, nhưng ngày nay ngoài việc sử dụng dây bằng kim loại sắt, cung kéo làm từ một thanh tre mỏng có chiều dài khoảng 45 cm, rộng khoảng 1 cm; dây cung thường được làm từ những sợi cước nhỏ, nhưng phổ biến nhất là làm bằng dây nứa. Để làm được nhạc cụ này, phải vào rừng lấy những ống nứa già, lòng dài, to. Thời gian chỉ lấy từ tháng Chạp tới tháng Ba, mang về gác bếp dùng dần. Vì trong thời gian này nứa mới không bị mọt. Xi xa lo ngoài dùng để độc tấu còn có thể sử dụng để hòa tấu hoặc đệm cho hát dân ca trong sinh hoạt thường ngày.

Theo nghệ nhân Lương Văn Nghiệp, ngoài xi xa lo, tập tinh là nhạc cụ phổ biến của người Thái ở Nghệ An. Tập tinh là nhạc cụ dây gảy, chi gõ. Nhạc cụ này do nam giới sử dụng trong sinh hoạt giải trí. Tập tinh được cấu tạo từ một ống tre dài khoảng 45 cm, đường kính khoảng 10 cm, hai đầu ống giữ lại mấu. Đàn có 6 dây, trong đó 4 dây giữa lên cách nhau một quãng 3, còn 2 dây ngoài cùng là 2 dây trống. Gọi là dây trống vì chỉ dùng thanh tre đập để tạo tiết tấu mà không đi giai điệu. Các dây đàn được làm trực tiếp từ thân đàn, bằng cách tách từ phần cật của ống tre.

Riêng ở phần giữa hai dây trống được khoét một cái lỗ có đường kính khoảng 3cm để thoát âm. Trên đó, người ta dùng một miếng nứa mỏng có đường kính lớn hơn chiếc lỗ không đáng kể, rồi kẹp giữa 2 dây trống này. Tất cả các đầu dây đàn và trống đều được chèn những miếng gỗ hoặc tre nhỏ như ngựa đàn ở phần cuối hai đầu dây. Khi diễn tấu, người chơi dùng các đầu ngón tay trái để gảy, búng, phối hợp với tay phải cầm một thanh tre nhỏ đập vào ngang dây trống và thành ống đàn tạo những âm thanh phức hợp và độc đáo.

Mặc dù được làm từ tre nứa, có cấu tạo đơn giản, nhưng các nhạc cụ lại có khả năng gây sự chú ý cho người nghe. Trừ các loại nhạc khí thân vang thì hầu hết chúng đều phát ra âm thanh nhỏ nhẹ, độ ngân có giới hạn. Khi chơi giữa hội hè đông người, âm thanh phát ra từ các nhạc cụ tre, nứa có thể bị lấn át. Nhưng khi chơi giữa đêm thanh vắng, âm thanh phát ra lại giai điệu độc đáo, hấp dẫn người nghe”

Trân trọng vốn quý

Già làng Ama H’Loan cho biết: dân tộc Ê Đê, ở buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, cùng với cồng chiêng, nhạc cụ làm từ tre, nứa vẫn đang được lớp trẻ yêu thích. Để phù hợp với đời sống hiện đại, các nhạc cụ cũng được cải tiến để tạo ra những âm thanh sống động hơn. “Âm điệu “cồng chiêng ống nứa” có khác so với chiêng đồng, âm không cao, kéo dài nhưng lại tạo một cảm xúc dứt khoát, tươi vui hơn hẳn. Người nghe nhận ra ngay không gian hội hè và lòng hiếu khách của buôn làng. Khi hai người dùng thanh gỗ gõ trên các thanh nứa theo nhịp du dương của bài múa Kông tuôr đón khách, người nghe như thấy được sự mềm mại của những đôi tay và dáng di chuyển của các sơn nữ”.

Nhạc cụ từ tre, nứa đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của các dân tộc, tuy nhiên hiện nay không còn nhiều nghệ nhân biết làm các nhạc cụ nữa. Chính các thế hệ những nghệ nhân như ông Lương Văn Nghiệp, hay già làng Ama H’Loan là những người đang miệt mài truyền dạy lại cho con cháu cách chế tác, chơi các loại nhạc cụ. “Bây giờ vật liệu để làm những nhạc cụ này ngày càng hiếm, phải đi vào tận rừng sâu mới lấy được cây nứa tốt. Và tìm được những người trẻ có hứng thú với việc chế tác nhạc cụ cũng khó. Vì đòi hỏi thời gian học hỏi lâu ngày và phải có niềm đam mê thực sự” .

Nghệ nhân Ama H’Loan đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương tổ chức lớp học dạy về nhạc cụ, nhưng hiệu quả chưa đáng kể. Bất kỳ ai, chỉ cần đam mê, muốn học, chế tác nhạc cụ, ông đều sẵn lòng truyền lại tất cả. Chỉ mong thế hệ trẻ biết gìn giữ, phát huy tinh hoa văn hóa mà ông cha đã để lại./.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=2505&itemid=35432